Triển khai xây dựng 3 cây cầu bắc qua sông Hồng là “bước thử” để Hà Nội đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%
(PNTĐ) - Hà Nội quyết tâm khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên vào ngày 19/5/2025; tiếp đó khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo. Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi sẽ được khởi công ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ đầu tư. Sở Xây dựng sẽ lập kế hoạch chi tiết, với tinh thần không “bàn lùi”, quyết tâm khởi công dự án cầu Tứ Liên vào ngày 19/5.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tại cuộc họp nghe báo cáo về kế hoạch triển khai các dự án đầu tư: Xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa); xây dựng cầu Trần Hưng Đạo; xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các cây cầu qua sông Hồng, gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa); Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo; Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu.

Đối với Dự án cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, tổng chiều dài khoảng 5,15km, điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ), điểm cuối qua nút giao với đường Trường Sa. Đường dẫn đầu cầu phía Tây Hồ (cầu cạn và đường song hành) quy mô theo quy hoạch B=48m; đường dẫn phía Đông Anh quy mô theo quy hoạch B=60m. Tổng mức đầu tư: 20.171,840 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn Ngân sách TP.
Đối với Dự án cầu Ngọc Hồi, tổng chiều dài cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 7,5km; trong đó, chiều dài cầu chính và cầu dẫn 7,2km với B=33m; đường đầu cầu phía Hưng Yên khoảng 300m với B=60m. Xây dựng đường song hành hai bên; phạm vi mặt cắt ngang dự án B=60÷80m. Tổng mức đầu tư 11.844 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Đối với Dự án cầu Trần Hưng Đạo, tổng chiều dài khoảng 5,6km, điểm đầu ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm); điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thận (quận Long Biên). Đường dẫn hai đầu cầu đầu tư với quy mô mặt cắt ngang B=30m với tổng chiều dài khoảng 2,25km (phía trung tâm TP 0,25km, phía quận Long Biên 2,0km). Tổng mức đầu tư dự án 15.967,238 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn Ngân sách.

So với tiến độ trong kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 6831/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 của UBND TP, thực tế tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư đã chậm khoảng 40 ngày. Ngày 25/2/2025, dự án mới được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư đối với Dự án cầu Tứ Liên và Trần Hưng Đạo. Do vậy, việc đảm bảo tiến độ khởi công các dự án cầu vượt sông Hồng vào ngày 19/5/2025 theo kế hoạch là rất khó đạt được…
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP sớm giao Ban Quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư để triển khai các công việc tiếp theo. Về cơ chế đặc thù, Sở kiến nghị việc lập, thẩm định, phê duyệt được tiến hành đồng thời. Sở Tài chính tham mưu UBND TP báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn vượt hạn mức. Trong công tác GPMB, các quận, huyện phấn đấu bàn giao tối thiểu 50% mặt bằng khi khởi công công trình và hoàn thành toàn bộ trong quý II/2026.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, các dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và Ngọc Hồi sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư công EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình). Riêng dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo sẽ nghiên cứu thêm hình thức đầu tư, có thể là hình thức BT để đa dạng hóa nguồn lực.
Nhấn mạnh các dự án xây cầu là nhiệm vụ chính trị cần phải bắt tay vào thực hiện ngay, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho rằng, việc triển khai xây dựng 3 cây cầu bắc qua sông Hồng chính là “bước thử” quan trọng để Hà Nội đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025. Theo đó, TP sẽ áp dụng cơ chế đặc biệt, đẩy nhanh công tác GPMB. Nếu cần thiết, có thể điều chỉnh phương thức thực hiện để đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ vận dụng cơ chế chỉ định thầu, vận dụng cơ chế đã áp dụng ở dự án đường sắt đô thị trên tinh thần chủ động thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo TP chịu trách nhiệm. Trong quá trình triển khai, nếu các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện, thị xã có bất kỳ khó khăn, vướng mắc, phải báo cáo ngay tới lãnh đạo TP để sớm tháo gỡ, giải quyết.