Văn hoá và con người là nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững Thủ đô

Chia sẻ

Chiều nay (21/4), đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Thành uỷ Hà Nội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ năm 2022 trên địa bàn TP.

Tham dự buổi làm việc, về phía Trung ương có đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Tiếp và làm việc với đoàn, về phía TP Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội;Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Bùi Huyền Mai - Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ; . 

Quang cảnh buổi làm việcQuang cảnh buổi làm việc

Đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá văn nghệ

Báo cáo do đồng chí Bùi Huyền Mai - Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội trình bày đã khẳng định: Thành uỷ Hà Nội đã tổ chức triển khai việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, kết luận đầy đủ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực trên các mặt, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động. Nhiều địa phương, đơn vị đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận theo tinh thần đổi mới, hướng về cơ sở và sát với tình hình thực tiễn. 

Công tác tuyên truyền sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hoá, con người Hà Nội được triển khai đồng bộ theo hướng đa dạng, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay. Đây là nhiệm vụ được Thành uỷ Hà Nội đặc biệt quan tâm, là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII và là khâu đột phá trong thực hiện chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025” với 18 tiêu chí, 3 nghị quyết, 15 đề án, 19 dự án được triển khai. TP Hà Nội tiếp tục triển khai tốt 2 Quy tắc ứng xử, duy trì tốt việc biểu dương người tốt việc tổ, danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức chính trị xã hội các cấp, các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều phong trào thi đua phù hợp và đã đạt nhiều kết quả tích cực.  

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô, Thành uỷ Hà Nội đã cụ thể hoá thông qua việc chủ động xây dựng và ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đi liền với đó, TP quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hoá Thủ đô, được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như du lịch văn hoá, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhiếp ảnh, triển lãm, mỹ thuật, quảng cáo…

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá Hà Nội được chú trọng. TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể và cập nhật vào phần mềm hệ thống thông tin quản lý văn hoá di sản phi vật thể của Trung ương; đồng thời chủ động thực hiện chương trình bảo tồn, phát huy các di sản đang có nguy cơ mai một, nghiên cứu những tác động, biến đổi của lễ hội trong đời sống đương đại và xây dựng kế hoạch bảo tồn. Với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì, TP Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hoá lớn của đất nước và Thủ đô để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Để đạt được những kết quả trên, báo cáo cũng chỉ rõ những bài học kinh nghiệm của TP trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ; phương hướng, nhiệm vụ và một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh xu thế thời đại về phát triển văn hoá, tốc độ phát triển công nghiệp văn hoá đã và đang dần trở thanh nhận thức chung của nhiều quốc gia và những biến đổi sâu sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực của hệ thống chính trị TP đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước. 

TP Hà Nội quan tâm và dành nguồn lực đầu tư cho văn hoá

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn khảo sát đã đặt ra một số câu hỏi, vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ năm 2022 trên địa bàn TP. Đại diện các sở, ngành TP đã trao đổi, làm rõ thêm về những vấn đề đoàn khảo sát quan tâm, trong đó đề cập đến những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện; những đề xuất kiến nghị từ cơ sở…  

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việcPhó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã nhấn mạnh: đoàn kiểm tra của Ban Tuyên giáo Trung ương lựa chọn TP Hà Nội để khảo sát đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về phát triển văn hoá với những thuận lợi, khó khăn, những cơ hội và tiềm năng phát triển. Với vị trí, vai trò của Thủ đô, đến nay Bộ Chính trị có 4 Nghị quyết cho riêng TP Hà Nội; trong đó xác định lĩnh vực văn hoá có vị trí, vai trò quan trọng.

Với TP Hà Nội,  xác định trách nhiệm của mình, liên tiếp nhiều nhiệm kỳ đại hội của Đảng bộ TP Hà Nội, trong các chương trình công tác đều có chương trình công tác về lĩnh vực văn hoá, con người Hà Nội. Cho đến đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đã ban hành chương trình số 06 và xác định: văn hoá, con người  Hà Nội là nguồn lực quan trọng quyết định sự phát trển bền vững của Hà Nội. Đây là điểm mới, thể hiện nhận thức ngày càng sâu sắc, phù hợp hơn, được kiểm chứng trong quá trình phát triển của TP. Công việc hệ trọng cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành nguồn lực đầu tư cho văn hoá. 

Tuy nhiên, cũng như các tỉnh, thành khác, TP cũng gặp những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, có khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống, đồng thời hội nhập, giao lưu, hoà chung với dòng chảy của văn hoá nhân loại; khó khăn về nguồn nhân lực; về cơ chế, chính sách liên quan…  

Từ thực tế trên, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong đã nêu kiến nghị, đề xuất với đoàn khảo sát. Đó là cần có định hướng cho sự kiện văn hoá thể thao tầm cỡ quốc tế mà Việt Nam định đăng cai để thành sự kiện mang tính thường niên và đẳng cấp; có giải pháp hỗ trợ kịp thời các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hoá, nhất là lĩnh vực văn hoá truyền thống; đánh giá phân loại giá trị phi vật thể và có chính sách, giao nhiệm vụ để bảo tồn;  quan tâm thu hút nguồn lực cho Quỹ về văn hoá để dành kinh phí hỗ trợ lĩnh vực văn hoá truyền thống; quan tâm đến các chỉ số thống kê về công nghiệp văn hoá… 

Đối với TP Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, để công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa, TP tập trung đầu tư, chú trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế.

Khai thác và phát huy giá trị đặc sắc của văn hoá Thủ đô 

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu kết luận buổi làm việcPhó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết: TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong tổng số các địa phương, Bộ, ngành mà đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo làm việc để nắm bắt thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ. 

Đồng chí Trần Thanh Lâm đánh giá: công tác văn hoá văn nghệ của Hà Nội phong phú, đa dạng và tiêu biểu của cả nước. Dù phải chịu nhiều tác động của những khó khăn và thách thức nhưng TP Hà Nội có nhiều cách làm sáng tạo, đưa chủ trương của Đảng về văn học nghệ thuật vào cuộc sống. 

Thành uỷ quan tâm, đẩy mạnh thực hiện với các kế hoạch, chương trình cụ thể; liên tục nhiều khóa có chương trình phát triển văn hoá. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hoá, tiên phong phát triển công nghiệp văn hoá để thực hiện mục tiêu kép: vừa phát huy văn hoá ngàn năm, vừa đưa văn hoá thành ngành kinh tế mũi nhọn. TP có nhiều giải pháp, tập trung cho xây dựng phát triển văn hoá con người, trong đó kiên trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng người  Hà Nội thanh lịch văn minh, quan tâm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; công tác quy hoạch đào tạo phát triển nhân lực được triển khai đồng bộ, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế quảng bá hình ảnh Thủ đô và cũng là hình ảnh của đất nước đến bạn bè quốc tế. Thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương và đoàn công tác, đồng chí Trần Thanh Lâm đã chúc mừng những kết quả TP đã đạt được của trong thời gian qua. 

Cùng với việc chỉ ra những tồn tại và thách thức trong phát triển văn hoá của Hà Nội, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trần Thanh Lâm cũng đề nghị trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục quan tâm triển khai đồng bộ nghị quyết, các chương trình hành động trên lĩnh vực văn hoá văn nghệ đã được nêu tại Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, cập nhật thêm kết luận của hội nghị Văn hoá toàn quốc và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị.

Đồng thời, TP cần quan tâm xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội, tuyên truyền với người dân, giáo dục thế hệ trẻ tự trọng, tự tin để có niềm tin yêu, trách nhiệm với Thủ đô - trái tim của cả nước; đồng thời kiên trì thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, chú trọng xây dựng đạo đức lối sống, giáo dục thể chất gắn với Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cả nhiệm kỳ và chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hoá, TP Hà Nội cần khai thác và phát huy giá trị đặc sắc của văn hoá Thủ đô, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước; quan tâm đào tạo nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để sản xuất, phổ biến, lưu giữ sản phẩm văn hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hoá. 

Theo đồng chí Trần Thanh Lâm, TP Hà Nội cần quan tâm nghiên cứu giải pháp xử lý hài hoà phát triển văn hoá nghệ thuật truyền thống; tạo điểm nhấn trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hoá thể thao; quan tâm xây dựng văn hoá gia đình, doanh nghiệp, công sở; bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ, tài năng nghệ thuật cho Thủ đô; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm, tiềm năng của báo chí xuất bản góp phần vào công tác văn hoá văn nghệ.

ĐỨC HẠNH

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.