Vẹn nguyên cảm xúc ngày đón đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô

Chia sẻ

Ngày 10/10/1954, trong không khí hào hùng, hân hoan của toàn dân Hà Nội đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô, cụ Nguyễn Thị Hiểu, 85 tuổi, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đại diện cho “Đội phụ nữ cốt cán” làng Khương Hạ, tổng Khương Đình ngày ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc thiêng liêng, tự hào…

Cụ Nguyễn Thị Hiểu (tay ôm cờ, đứng hàng đầu) cùng thanh niên, phụ nữ Tam Khương trong ngày tiếp quản Thủ đô năm 1964 (Ảnh tư liệu)Cụ Nguyễn Thị Hiểu (tay ôm cờ, đứng hàng đầu) cùng thanh niên, phụ nữ Tam Khương trong ngày tiếp quản Thủ đô năm 1964 (Ảnh tư liệu)

Tay run run cầm bức ảnh đen trắng ghi lại khoảnh khắc Đoàn thanh thiếu niên, phụ nữ xã Tam Khương (thuộc quận VII ngoại thành Hà Nội cũ, nay là Khương Hạ, Khương Thượng, Khương Trung) tập trung tại Ngã Tư Sở chờ đón bộ đội Việt Minh tiến vào tiếp quản Thủ đô sáng ngày 10/10 của 67 năm về trước, cụ Hiểu xúc động: “Thời tiết hôm đó cũng hanh hao như mấy ngày này. Đất trời hơi khô, hơi lạnh và nắng thì nhuộm vàng các con phố. Nhưng không khí sôi sục, háo hức đã có từ trước đó nửa tháng. Ai cũng hân hoan, hạnh phúc, chờ đợi giây phút thiêng liêng của lịch sử Hà Nội”.

Cụ Hiểu kể, những năm 1948-1951, khi cụ khoảng 13-14 tuổi, làng Khương Hạ lúc đó nằm sâu trong vùng địch chiếm đóng với hệ thống đồn bốt kiên cố, mạng lưới tề điệp được địch xây dựng tầng tầng, lớp lớp. Mọi người dân đều là những chiến sỹ thông tin cảnh giới, kịp thời thông báo khi có địch tiến vào làng, luân phiên nhau nấu cơm tiếp tế cho cán bộ về xã hoạt động để bảo vệ các cơ sở cách mạng. Chị em phụ nữ, thanh, thiếu niên làng Khương Hạ làm giao liên cho các cơ sở ở các xã lân cận, từ vùng hậu địch ra vùng tự do và ngược lại. Với dáng người nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, thông minh, cụ Hiểu đã tham gia vào các hoạt động đưa liên lạc, hỗ trợ phong trào bình dân học vụ…

Đến đầu năm 1954, địch dồn dân làng Khương Hạ vào khu cánh đồng Thanh Xuân (thuộc địa phận cuối phường Thanh Xuân Trung hiện nay). Quân Pháp cho triệt hạ các bụi tre, cây cối trong làng, bắt dân phá dỡ nhà cửa, di chuyển vào nơi ở mới. Địch lập hàng rào 3 lớp thép gai bao quanh hai xóm đối diện sân bay Bạch Mai. Làng Khương Hạ trở thành một vành đai trắng. Đến ngày 7/5/1954, tin chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi buộc Pháp ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lan nhanh làm nức lòng đồng bào, chiến sỹ cả nước. Ngày 10/10/1945, nhân dân Thủ đô Hà Nội hân hoan đón mừng Uỷ ban Quân chính thành phố cùng Đại đoàn 308 mở cuộc hành quân lịch sử vào giải phóng Thủ đô. Cụ Hiểu lúc này đã là bí thư đoàn làng Khương Hạ, nên được cử đi tập duyệt để đón đoàn quân về tiếp quản Thủ đô. “Chúng tôi tập luyện nửa tháng, chít khăn mỏ quạ, tập diễu hành, các thao tác phất cờ, vẫy cờ, hô khẩu hiệu… Không khí lúc đó sôi động lắm, ai cũng háo hức đợi ngày toàn quân trở về tiếp quản Thủ đô” - cụ Hiểu nói.

Sáng 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa hết, cả TP Hà Nội náo nhiệt hẳn lên. Nhà thờ mở cửa chào đón ngày mới, phố xá được “trang điểm” thêm bằng cờ, hoa, biểu ngữ, cổng chào. Mọi người mặc bộ quần áo đẹp nhất, đường phố sạch sẽ tinh tươm đón đoàn quân chiến thắng trở về. Từ 8h sáng, các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo trở về trong sự chào đón nồng nhiệt của đồng bào. Đoàn quân đi đến đâu, tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy. Đường phố rực màu cờ, chật ních người. Những gương mặt rạng rỡ, nụ cười, vẫy tay và cả những giọt lệ.

15 giờ, lễ chào cờ lịch sử bắt đầu. Lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung tay trên đỉnh Cột Cờ. Tại Ngã Tư Sở, cụ Hiểu cùng các chị trong đoàn phụ nữ, thanh niên, nông dân xếp hàng cầm cờ đứng đợi đoàn quân đi qua.

Sau khi giải phóng Thủ đô, cụ Hiểu tiếp tục hoạt động đoàn, đến năm 1958, cụ vinh dự được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ II. Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, cụ Hiểu vô cùng xúc động. “Bác gầy lắm. Nhưng gương mặt sáng và đôi mắt tinh anh, nhìn mọi người rất tình cảm. Bác động viên mọi người cố gắng hơn nữa, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” - cụ Hiểu nói. Sau đó, cụ Hiểu được gặp Bác Hồ thêm 2 lần nữa khi Bác Hồ về thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội và Nhà máy Xà phòng Cao su Thuốc lá Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội). “Lần nào đến thăm, Bác cũng vào thăm khu ăn ở, công trường làm việc của công nhân đầu tiên. Bác ân cần hỏi thăm sức khoẻ, dặn cán bộ công nhân viên nhà máy giữ vệ sinh an toàn thức phẩm, chỗ ở sạch sẽ, đảm bảo an toàn lao động. Ai cũng xúc động trước sự quan tâm của Người” - cụ Hiểu xúc động.

Ở tuổi “gần đất xa trời”, kỷ niệm mà cụ cũng như những người từng được sống trong ngày lịch sử của Hà Nội và Tổ quốc vẫn luôn được lưu giữ, trân trọng. Đó cũng là những câu chuyện mà cụ thường kể cho các con cháu nghe để giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tình yêu đất nước, dân tộc...

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.