Xúc động ngày gặp mặt 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Năm 2024, tròn 70 năm hình thành hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Đã có hơn 32.000 con em cán bộ, bộ đội và đồng bào miền Nam được đưa ra miền Bắc học tập, hình thành nên học sinh miền Nam trên đất Bắc. Sự kiện này đã ghi một dấu son trong lịch sử cách mạng Việt Nam về tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đối với chiến lược trồng người, chăm lo giáo dục, đào tạo một lớp người mới cho sự nghiệp cách mạng và tương lai đất nước.

Để ôn lại những ký ức đáng trân trọng tự hào của thầy và trò miền Nam trên đất Bắc, sáng 26/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, 55 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện di chúc Bác Hồ.

Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, cũng các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sở, ban ngành. Đặc biệt buổi lễ có hơn 500 thầy, cô giáo tham gia giảng dạy học sinh miền Nam và 3.000 đại biểu là thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Yên lòng chiến đấu khi biết con em đang ở trong “vòng tay” của Bác Hồ và đồng bào miền Bắc

Tại buổi lễ, thay mặt Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đọc diễn văn tổng kết 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc. Theo đó, cách đây 70 năm, năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại ở Việt Nam và Đông Dương, nhưng nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã dự cảm rằng công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước có thể còn lâu dài và gian khổ.

Vì vậy, cùng với việc chuyển bộ đội và cán bộ kháng chiến tập kết, cần phải đưa một số lượng không nhỏ thiếu nhi, học sinh là con em CBCS ra Bắc để chăm sóc, đào tạo, sau này trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lại miền Nam, tái thiết đất nước. Mặt khác, các CBCS cách mạng còn ở lại miền Nam cũng sẽ yên lòng chiến đấu khi biết rằng con em mình đang ở trong “vòng tay” của Bác Hồ và đồng bào miền Bắc, được chăm sóc chu đáo, được học hành bài bản.

Xúc động ngày gặp mặt 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc - ảnh 1
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm

Cuộc tập kết, chuyển quân lịch sử của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20, để rồi từ đó những thế hệ học sinh miền Nam đầu tiên ra đời. Tất cả các thế hệ học sinh miền Nam được Bác Hồ, Đảng và Chính phủ đưa ra Bắc học tập bằng nhiều con đường khác nhau như tàu thủy, hay vượt Trường Sơn đều đã phát huy cao nhất truyền thống cách mạng của cha ông, có nhiều cống hiến cho đất nước.

Các thế hệ học sinh miền Nam luôn ghi nhớ những lời dặn dò của Bác là phải đoàn kết giữa học sinh các vùng miền, đoàn kết với thiếu nhi và đồng bào miền Bắc, phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người tốt, học đi đôi với hành. Vâng lời Bác, các thầy cô giáo đã đào tạo học sinh miền Nam toàn diện, trước hết là học làm người, rèn luyện nhân cách, đặc biệt là tính trung thực, lòng biết ơn, ý thức tập thể và sự dấn thân cho công việc chung.

Xúc động ngày gặp mặt 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc - ảnh 2
Thay mặt Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đọc diễn văn tổng kết 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Từ năm 1964, khi Mỹ đổ quân vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, hàng trăm học sinh miền Nam vừa tốt nghiệp cấp 3 đã lên đường vào Nam chiến đấu. Vài năm sau đó, hàng ngàn học sinh miền Nam tốt nghiệp đại học, nhất là các ngành y dược, sự phạm, thông tin liên lạc tiếp tục trở về miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương.

Rất nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ mãi mãi là những tấm gương cho thế hệ trẻ cả nước, đặc biệt là cho học sinh miền Nam noi theo. Những học sinh miền Nam ở lại miền Bắc hoặc tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về tiếp tục vào Bộ đội, Công an và các ngành thiết yếu, tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh để chi viện cho miền Nam.

Ngay từ những ngày tháng đầu khi miền Nam được giải phóng, đa số học sinh miền Nam đã trưởng thành trở về miền Nam, tham gia tiếp quản và xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, trở thành một đội ngũ cán bộ chủ chốt hoạt động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục và đào tạo.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, các thế hệ học sinh miền Nam tiếp tục nỗ lực, tận tụy và sáng tạo trong nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Nhiều đồng chí trở thành nhà khoa học, nhà giáo, văn nghệ sỹ nổi tiếng, nhiều doanh nhân thành đạt, các tướng lĩnh trong Quân đội, Công an... Đặc biệt, nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xúc động ngày gặp mặt 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc - ảnh 3
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại buổi lễ

“Việc đưa hơn 3 vạn thiếu nhi, học sinh miền Nam ra Bắc và thành lập hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc từ 1954 đến 1975 là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt mà còn nói lên tình cảm cao quý của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đối với con em đồng bào, CBCS miền Nam thân yêu”, TS Mai Liêm Trực khẳng định.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá: “Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam trong những ngày gian khó”. Có thể khẳng định rằng, cuộc dịch chuyển thiếu nhi, học sinh quy mô nhất lịch sử được đánh giá là thành công trên cả 3 phương diện: Rèn luyện con người, mô hình giáo dục và chiến lược đào tạo dài hạn.

Thiếu nhi, học sinh miền Nam ra Bắc đa số không có cha mẹ cùng đi hoặc là con liệt sĩ, xa gia đình từ lúc tuổi thơ với dặn dò ra Bắc gặp Bác Hồ nhớ vâng lời Bác để học tập rèn luyện nên người. Vì vậy, học sinh miền Nam có tình cảm rất đặc biệt với Bác Hồ trong suốt cuộc đời mình. Những lần Bác về thăm các trường học sinh miền Nam hoặc được gặp Bác trong Phủ Chủ tịch, các cháu ào vào ôm Bác, như ôm một người ông hiền từ và vô cùng kính yêu, một tình cảm rất sâu nặng và thiêng liêng.

Những lời dạy bảo của Bác Hồ cùng với lòng biết ơn vô hạn với Bác, Đảng và nhân dân miền Bắc là hành trang quý báu để mỗi học sinh miền Nam nỗ lực hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hào hùng của dân tộc

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, sự kiện CBCS, học sinh, thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hào hùng của dân tộc, lắng đọng trong tâm khảm, trong trái tim của biết bao thế hệ người dân đất Việt Nam; đây là biểu tượng sáng ngời của chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.

Xúc động ngày gặp mặt 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc - ảnh 4
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ.

Là kết quả của đường lối phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, thử thách; là biểu tượng sinh động về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tình đồng chí yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là minh chứng về niềm tin tưởng tuyệt đối của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ, với Đảng, với Nhà nước khi trao những đứa con còn thơ bé cho sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng.

Việc thành lập hệ thống Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong sự nghiệp trồng người, ươm những hạt giống cao quý, đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ mới.

“Trong hoàn cảnh miền Bắc còn muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta đã dành những gì tốt đẹp nhất về nguồn lực trí tuệ, về con người, về cơ sở vật chất của miền Bắc thời đó để ưu tiên cho học sinh miền Nam. Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được sự chăm sóc, sự nuôi dạy tận tình của thầy cô giáo, cùng với sự cố gắng vươn lên của bản thân mỗi học sinh miền Nam, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”, chúng ta đã đào tạo, rèn luyện được lớp người có tài năng và trí tuệ, có bản lĩnh và ý chí, có lý tưởng và hoài bão, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”- đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử, thêm tự hào và vững tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ cũng như các vị tiền bối cách mạng đã lựa chọn. Chúng ta tin tưởng rằng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hiện thực hóa mục tiêu 100 năm mà Đảng ta đã xác định, tạo nền tảng vững chắc để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng mong muốn và tin tưởng rằng, các cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, lan tỏa niềm tự hào là học sinh miền Nam để các thế hệ mai sau không ngừng phấn đấu noi theo.

Trong tâm trạng xúc động, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã đọc những câu thơ trong bài thơ nổi tiếng “Nhớ con sông quê hương” của Nhà thơ Tế Hanh để gửi gắm tình cảm đến các học sinh miền Nam trên đất Bắc:

“Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc

Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc

Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”.

Là một trong những học trò thành đạt của thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc, Doanh nhân, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm thay mặt cho hơn 32.000 cựu HSMN trên đất Bắc phát biểu những lời tri ân sâu sắc từ đáy lòng mình đối với Đảng, Bác Hồ, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã đùm bọc nuôi dưỡng những học sinh trưởng thành như ngày hôm nay.

Xúc động ngày gặp mặt 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc - ảnh 5
Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm đại diện cho học sinh miền Nam trên đất Bắc phát biểu tại buổi lễ.

“Nhớ ngày nào chúng tôi còn thơ ngây, vào học cấp 1, cấp 2, cấp 3 lần đầu tiên sống xa gia đình quê hương, xa cha mẹ vào ăn ở tập thể trong một môi trường rất mới mẻ, nhiều ngỡ ngàng. Thế mà đến nay tuổi của chúng tôi cũng đã có những người trên 70-80-90 tuổi những kỷ niệm từ những ngày tháng đó tất cả chúng tôi không bao giờ quên. Có nhiều anh chị em các thế hệ HSMN đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong đó có những đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí là Bộ trưởng, Thứ trưởng, có nhiều đồng chí là Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều đồng chí là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nhiều đồng chí là tướng lĩnh trong công an và quân đội, nhiều nhà khoa học, nhà giáo nhân dân, thầy thuốc nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, doanh nhân thành đạt. Có nhiều người đã hy sinh trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiều người là thương bệnh binh, để lại một phần thân thể trên chiến trường…

Chúng tôi có được những thành công như ngày hôm nay là do chủ trương hết sức đúng đắn, vô cùng sáng suốt của Bác Hồ và Trung ương Đảng đã thành lập các trường HSMN để có môi trường tốt nhất cho chúng tôi được học tập, rèn luyện, có những đóng góp to lớn cho đất nước và xã hội.

Các thầy cô chú luôn xem HSMN như con em của mình và xem việc chăm sóc, dạy bảo các em học sinh miền Nam là vinh dự, trách nhiệm và lương tâm đối với đồng bào miền Nam đang chiến đấu, hy sinh để giành độc lập cho dân tộc, cho sự thống nhất Tổ quốc. Chúng tôi may mắn được đào tạo rất toàn diện, không những chỉ học về kiến thức, mà còn được học tập về văn hóa – văn nghệ, thể thao, lao động và được phát huy tất cảc năng khiếu của mỗi người. Đại bộ phận trong số hơn 32.000 HSMN đã trưởng thành và có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng, phát triển nền kinh tế - xã hội của nước nhà”, ông Lê Văn Kiêm xúc động chia sẻ.

Sau khi thành đạt nhiều người trong học sinh đó đã quay lại địa phương mà họ đã được sống, được học tập tìm lại những cô, bác đã giúp đỡ, nuôi dưỡng khi còn là những học trò nhỏ để đền ơn đáp nghĩa; như việc xây mộ khang trang cho các cụ, xây nhà cho những gia đình nghèo, hỗ trợ xây trường học, lập quỹ khuyến học khuyến tài, giúp đỡ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương có các trường HSMN ở miền Bắc. Đó là nghĩa tình mà những người cựu HSMN không bao giờ quên ơn những người đã cưu mang mình trong những lúc khó khăn nhất.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ đổi mới sáng tạo và bình đẳng giới

Phụ nữ đổi mới sáng tạo và bình đẳng giới

(PNTĐ) - Đổi mới, sáng tạo và bình đẳng giới là nền tảng vững chắc cho tương lai. Vai trò của phụ nữ trong đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là nền tảng cho sự tiến bộ xã hội toàn diện. Việc tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tham gia vào đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho mọi người, mọi nhà.
Những dấu ấn nổi bật của ngành Tuyên giáo Thủ đô năm 2024

Những dấu ấn nổi bật của ngành Tuyên giáo Thủ đô năm 2024

(PNTĐ) - Năm 2024, ngành Tuyên giáo Hà Nội đã làm tốt vai trò tham mưu chỉ đạo, định hướng hiệu quả công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, nhất là tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố Hà Nội, của đất nước.
Hôm nay (1/1/2025), Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành với nhiều chính sách vượt trội

Hôm nay (1/1/2025), Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành với nhiều chính sách vượt trội

(PNTĐ) - Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024, gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước và của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.
Từ ngày 1/1/2025, Hà Nội có 56 đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động

Từ ngày 1/1/2025, Hà Nội có 56 đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động

(PNTĐ) - Hôm nay (1/1-2025), Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 chính thức có hiệu lực thi hành.Theo đó, 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội sẽ đi vào hoạt động.