Du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5: Tour nước ngoài “lên ngôi“

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Năm nay, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và Giỗ tổ Hùng Vương người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày liên tiếp là cơ hội kích cầu cho các hãng hàng không, du lịch lữ hành nội địa. Tuy nhiên, đúng như dự đoán, xu hướng du lịch nước ngoài đang “lên ngôi” do nhiều gia đình chọn tour xuất ngoại thay vì du lịch nội địa.

Du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5: Tour nước ngoài “lên ngôi“ - ảnh 1
Du lịch trải nghiệm leo núi thu hút nhiều du khách. Ảnh: Bùi Ly

Qua tìm hiểu, được biết, xu hướng du lịch năm nay người Việt đi du lịch nước ngoài nhiều hơn đi trong nước do vào mùa cao điểm, giá vé máy bay các chặng nội địa tăng cao phi mã. Trong khi đó, với tour du lịch nước ngoài thường rẻ hơn bởi họ có sự liên kết 4 bên, gồm các đơn vị: Du lịch, khách sạn, nhà hàng và vận chuyển. Mặc dù giá tour rẻ nhưng trên thực tế, du khách đến các điểm du lịch thì chi tiêu gấp nhiều lần so với mua tour. Ở các nước, giữa các đơn vị dịch vụ du lịch có tỷ lệ chia lợi nhuận và hỗ trợ nhau về chi phí, lợi ích kinh doanh đồng đều (Ví dụ: Hàng không hỗ trợ du lịch và ngược lại, càng thu hút được nhiều khách thì đôi bên cùng có lợi). Hiện ở Việt Nam còn thiếu sự liên kết giữa 4 bên này, trong khi hiện tại riêng giá vận chuyển đã chiếm tới 40-50% giá tour. Đây cũng chính là điểm yếu của du lịch nội địa hiện nay. 

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới, gia đình chị Nguyễn Phương Anh (ở Định Công, Hoàng Mai) có 4 người sẽ đi du lịch Malaysia-Singapore theo tour trọn gói 5 ngày 4 đêm với chi phí 11,5 triệu đồng/người. Trước khi quyết định đăng ký tour này, chị Phương Anh đã khảo giá đi Phú Quốc tự túc. Tuy nhiên, thời gian qua chị cất công săn vé máy bay Hà Nội đi Phú Quốc mà nhận thấy giá tăng chóng mặt, hơn 6 triệu đồng/cặp vé khứ hồi, ước tổng chi phí cho 5 ngày 4 đêm ở Phú Quốc cũng lên tới hơn 15 triệu đồng/người. Với chi phí cao như vậy, chị đã lựa chọn đi nước ngoài để được tham quan 2 quốc gia mà chưa có dịp đi.

Khảo sát trên các website của các hãng hàng không, vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội và TP HCM tới các điểm du lịch nội địa hấp dẫn như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Huế, Quy Nhơn, Cam Ranh, Đà Lạt… giá đều tăng mạnh, rẻ nhất cũng dao động từ 4-10 triệu đồng/vé khứ hồi kể cả thuế phí, tùy chặng bay, mức tăng bình quân từ 2-3 triệu đồng/vé so với thời gian đặt vé hồi đầu tháng 3.

Dịp lễ 30/4-1/5 và mùa hè sắp tới được xem là "cú huých" giúp du lịch Việt Nam không những phục hồi mà còn tăng trưởng mạnh mẽ. Nắm bắt được cơ hội này, các hãng hàng không đã công bố phương án cung ứng chỗ bay cho dịp 30/4 - 1/5 từ sớm. Từ đầu tháng 4, hãng Vietnam Airlines và VASCO thông tin cung ứng gần 551.000 chỗ (tương đương gần 2.800 chuyến bay) trên các đường bay nội địa thời gian từ 26/4-5/5/2023. Vietnam Airlines cũng khai thác hơn 50 đường bay quốc tế, đi các điểm du lịch nổi tiếng tại Đông Nam Á, châu Á, châu Âu, Australia và Hoa Kỳ.

Nhìn nhận xu hướng du lịch năm nay, các doanh nghiệp du lịch cũng có sự thay đổi. Theo Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội Phạm Văn Bảy, dịp nghỉ lễ này, công ty dự kiến phục vụ hơn 21.100 lượt khách, trong đó 52% khách đi tour nước ngoài và 48% khách đi tour trong nước. Tại Công ty TST Tourist, dự kiến 2.000 lượt khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 này thì 61% là tour nước ngoài và chỉ 39% là tour du lịch trong nước. Năm nay, các tour đắt khách như: Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu.

Lý giải về nguyên nhân khiến tour quốc tế được khách Việt lựa chọn nhiều hơn trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, các doanh nghiệp du lịch cho rằng do vé máy bay nội địa tăng cao. Giá vé các đường bay nội địa tăng mạnh kéo theo giá tour nội địa tăng 40% so với bình thường, trong khi các tour Đông Nam Á chỉ tăng 10-15%, còn các tour Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng không quá 20%.

Mặc dù lượng khách Việt có xu hướng lựa chọn tham quan du lịch nước ngoài nhiều hơn, song dự báo các tour trong nước cũng sẽ sôi động bởi kỳ nghỉ lễ 5 ngày và mở đầu cho giai đoạn du lịch hè. Các chuyên gia cho rằng, thị trường nội địa vẫn sẽ là “đòn bẩy” cho ngành du lịch. Để thu hút khách, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chương trình kích cầu, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính trải nghiệm cho sản phẩm.

Dịp lễ 30/4, 1/5, các địa phương đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc như: Festival Nghề truyền thống và Lễ hội ẩm thực Huế; “Khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng”; Carnaval Hạ Long (Quảng Ninh); Lễ hội đua thuyền và Lễ hội đường phố tại Đồng Hới (Quảng Bình); Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ tại Cần Thơ… Tuần qua, tại hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2023 diễn ra từ ngày 13-16/4/2023, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, đã có tới 10.000 tour, sản phẩm du lịch được các doanh nghiệp kích cầu, giảm giá, với sự tham gia của gần 600 doanh nghiệp, hơn 450 gian hàng từ 50 tỉnh, thành trong cả nước và 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại đây, các nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp đã có những hoạt động tọa đàm, chia sẻ cùng đưa ra các sáng kiến, trong đó, có các hoạt động xúc tiến, tăng cường liên kết giữa các địa phương Hà Nội với Bình Định, Trà Vinh,… nhằm kích cầu du lịch nội địa và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mua hàng online “ngon, bổ, rẻ”

Mua hàng online “ngon, bổ, rẻ”

(PNTĐ) - Hình thức mua sắm online hiện nay đã trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng. Khi mà các mặt hàng “trăm hoa đua nở”, chỉ cần vài lần “chạm” là có thể đặt mua hàng, nhiều người có nguy cơ bị lạm chi.