Giá xăng giảm, giá hàng hóa, thực phẩm chưa hạ nhiệt

HÀ LAN-CÔNG NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) -Từ đầu tháng 7, giá xăng đã giảm 3 lần. Thế nhưng dù mặt bằng giá xăng trong nước đã về ngang với hồi tháng 2/2022 nhưng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Giá xăng giảm, giá hàng hóa, thực phẩm chưa hạ nhiệt - ảnh 1
Người dân cân nhắc kỹ mỗi khi đi mua đồ vì giá cả leo thang Ảnh: Hà Lan

Giá xăng “quay đầu”, giá cước vận tải đang lên kế hoạch giảm?
Sau ba kỳ điều chỉnh giá liên tiếp, hiện giá xăng E5 Ron 92 trở về 25.070 đồng (tương đương mức giảm 2.710 đồng), xăng RON 95-III là 26.070 đồng (giảm 3.600 đồng/lít). Cùng với đó, giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel đang có giá là 24.850 đồng/lít, giảm 1.740 đồng/lít. Dầu hỏa có mức giá mới là 25.240 đồng, giảm 1.100 đồng. Đây là lần giảm thứ ba sau 7 lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của giá xăng, dầu.

Ông Đỗ Quốc Nam – Đại diện nhà xe Hưng Thành (Công ty TNHH Hưng Thành) cho biết: Việc giảm giá nhiên liệu như chiếc “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp có thể thở phào nhẹ nhõm sau một thời gian dài phải vật lộn trong khó khăn. Việc giá xăng dầu “hạ nhiệt” đã giúp cho các doanh nghiệp như chúng tôi giảm đi được phần nào áp lực lớn về việc khấu hao chi phí nhiên liệu trong điều hành vận tải. 

Trao đổi với ông Nguyễn Thế Ghi - đại diện Công ty cổ phần Vận tải - Thương mại và Dịch vụ Hữu Bằng được biết, giá nhiên liệu giảm mạnh sẽ giúp cho chi phí đầu vào mỗi chuyến xe cũng sẽ giảm theo, cước vận chuyển cũng theo đó hạ xuống. Với mức điều chỉnh này, Công ty cổ phần Vận tải – Thương mại và Dịch vụ Hữu Bằng cho biết đang lên kế hoạch để trước mắt sẽ giảm giá cước với các tuyến xe chạy theo loại hình hợp đồng. Đối với những tuyến chạy cố định như: Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Hải Phòng thì chưa thể giảm giá vé ngay vì phải báo cáo và được sự đồng ý của cơ quan quản lý nên sẽ mất nhiều thời gian.

Giá tiêu dùng vẫn còn cao
Anh Phùng Thanh Tuấn, tiểu thương tại chợ Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Giá thịt lợn có giá dao động khoảng 110-160 nghìn đồng/kg tùy loại; thịt bò có giá 240-280 nghìn đồng, đặc biệt bắp bò có giá cao nhất khoảng 330-340 nghìn đồng/kg; rau cải canh 25 nghìn đồng/kg; rau mồng tơi 20 nghìn đồng, bầu 12 nghìn đồng…

Các tiểu thương ở đây cho biết giá thịt lợn, thịt bò đã tăng khoảng 15-30 nghìn đồng, rau củ quả tăng khoảng 4-5 nghìn đồng so với thời điểm đầu tháng. Cứ mỗi ngày các mặt hàng tăng 1 giá, người dân đi mua có tâm lý mua ít, có người thậm chí khi hỏi xong giá còn đắn đo rồi quyết định không mua nữa. Chúng tôi lo lắng nếu tình hình này kéo dài sẽ mất khách và không bán được hàng. 

Tại một chợ khác trong ngõ trên đường Trần Quốc Vượng, bà Nguyễn Thị Mai vẫn hằng ngày nhập rau củ ở chợ đầu mối về bán cho khu dân cư nơi này. Trước đây, mỗi ngày bà bán túc tắc được 150-160 nghìn đồng tiền rau củ. Nay tuy các mặt hàng lên giá những tưởng sẽ lãi được nhiều hơn nhưng ngược lại gánh rau của bà Mai mỗi ngày một ít khách. Đa phần người dân đều thấy giá cả đắt đỏ nên mua ít hoặc cách ngày mới mua. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng tăng kéo theo các mặt hàng khác tăng ngay được, nhưng khi giá xăng giảm thì các mặt hàng khác lại xuống chậm hơn. Khi lên giá thì dễ nhưng ngược lại để xuống giá bất cứ mặt hàng nào cũng khó khăn, giá không giảm ngay mà cần quá trình, do hàng hóa cần thời gian tính toán giá đầu vào, từ đó điều chỉnh giá bán thực tế và khi đó mới bắt đầu giảm.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đa dạng quà tặng cho ngày Valentine

Đa dạng quà tặng cho ngày Valentine

(PNTĐ) - Valentine năm nay rơi vào ngày mùng Năm Tết Nguyên đán 2024 nhưng thị trường quà tặng cho dịp này diễn ra không kém phần sôi động với lượng hàng dồi dào và mẫu mã đa dạng.