Hà Nội: Muốn ăn ngon phải vào ngõ hẻm
(PNTĐ) - Dạo quanh một vòng Hà Nội, đâu đâu cũng có những món ngon từ dọc khắp các phố cổ đến những khu trung tâm. Thế nhưng, đặc biệt nhất phải kể đến các hàng quán trong những con ngõ nhỏ, nơi có nền ẩm thực đậm chất Hà Nội.
Trái ngược với vẻ hào nhoáng, xa hoa nơi phố thị ở bên ngoài kia thì đâu đó, trong những con ngõ nhỏ vẫn chứa đựng những nét đẹp văn hóa mà không phải ai cũng đã từng khám phá hết. Một trong số đó phải kể đến ẩm thực Hà Thành len lỏi trong những con ngõ hẻm, đây cũng là một “thú” của người Hà Nội xưa mà ít nơi nào có.
Những hàng quán chỉ với những biển hiệu đơn sơ nằm sâu trong những con ngõ nhỏ, lối đi vào chật hẹp chỉ đủ một người qua, trong nhà chỉ kê vài ba chiếc bàn cùng những món ăn bình dân đơn giản.
Ấy vậy mà dù nằm sâu tít tắp như vậy nhưng các hàng quán đó vẫn có đông người dân ghé đến thưởng thức, đại đa phần là những người trung niên. Họ đến với quán không chỉ đơn giản là tìm tới những món ăn mang đậm hương vị thủa xưa, mà còn là tìm về một không gian tĩnh lặng, trầm lắng mà không xô bồ. Chính vì vậy, dân sành ăn ở Hà Nội thường mách nhau rằng muốn ăn ngon phải vào ngõ.
Phở bưng phố Hàng Trống
Trái ngược hoàn toàn với các hàng phở nổi tiếng ngoài mặt đường các con phố của Thủ đô ngoài kia, hàng phở bưng Hàng Trống vẫn có riêng cho mình được những vị thực khách muốn tận hưởng cái hương vị đậm chất cổ truyền của người Hà Nội xưa.
Được biết, trước đây quán được bán ngay ngã tư mặt phố Hàng Trống. Người đến ăn vô cùng đông đúc, khách ngồi trên vỉa hè chỉ có thể bưng bát phở ăn chứ không có chỗ để bát. Có lẽ vì vậy mà mới có tên Phở Bưng. Ăn phở ở đây rất khổ. Xếp hàng đông kín, phải bưng bát phở nóng mỏi cả tay từ đầu đến cuối vì không có bàn... Nhưng những vị khách đến đây lại rất vui lòng để được "hưởng" cái khổ ấy.
Mãi sau này, quán phở ấy được chuyển vào trong một con ngõ nhỏ, không gian ăn uống chỉ vỏn vẹn hơn 10m2, chật hẹp hơn trước rất nhiều. Ấy vậy mà bao năm qua, quán vẫn đông nườm nượp suốt từ khi mở bán đến lúc đóng cửa.
Phở ở đây được nhiều người biết đến là bởi hương vị ngon, đậm đà, nước dùng ngọt thanh, thơm phức, bánh phở dẻo dẻo còn thịt thì mềm. Chưa kể đến món quẩy "trứ danh" lúc nào cũng giòn, dùng chấm ăn với nước phở thì chỉ có một từ "hết nước chấm" mới đủ để diễn tả được cảm giác của chúng ta khi ấy.
Người Hà Nội vốn thích cái lạ và cũng thích hoài cổ nữa, thế nên khi biết về một hàng phở vừa ngon lại vừa có kiểu ăn đúng chất Hà Nội xưa, ai cũng cố gắng đến thử một lần cho kỳ được. Thử một lại muốn ăn hai, thế rồi thành nghiện lúc nào chẳng hay.
Bít tết ông Lợi
Thời gian gần đây, rất nhiều người tìm đến hàng Bít tết ông Lợi. Đặc biệt là các bạn trẻ bởi sự tò mò sau khi xem những đoạn clip giới thiệu đường đi lắt léo vào trong hẻm sâu.
Quán bít tết ông Lợi được ra đời từ năm 1956 và do các con gái, cháu gái của ông tiếp quản. Xét về mặt bằng chung, món ăn ở đây vẫn được nhiều người đánh giá là tạm ổn với công thức nấu và nước sốt gia truyền. Tuy nhiên, quán vẫn là địa chỉ quen thuộc của các thực khách lớn tuổi, họ thường đưa bạn bè đồng niên hay con cháu tới đây để ôn lại hương vị xưa cũ.
Về món bít tết đặc trưng ở đây thì luôn được bưng ra khi đang nóng sốt, một đĩa bít tết gồm có một miếng thịt bò bít tết đã được tẩm ướp nhiều sốt và một ít khoai tây chiên. Thịt bò ở đây khá mềm và đậm vị được ăn nóng nên lại càng ngon.
Bên cạnh món bít tết đặc trưng, nơi đây còn có món chim bồ câu quay cũng ghi dấu ấn rất lớn trong lòng nhiều thực khách. Chim quay ở đây không tẩm ướp đậm vị hay sử dụng bất cứ loại thảo mộc nào. Khi mang ra, phần da có màu cánh gián, bên trong vẫn mọng nước.
Một con được cắt làm 4 phần, cắn một miếng, lớp da mỏng, giòn, béo. Phần thịt chắc, ngọt, nước mỡ tứa trong miệng. Vì chấm với muối vắt chanh nên không bị ngấy.
Chẳng biết từ bao giờ mà người ta cứ mách nhau, đến Bít tết ông Lợi, ngoài gọi bít tết nhất định phải gọi chim quay.
Bánh đúc nóng phố Lê Ngọc Hân
Mỗi buổi chiều, người Hà Nội thường lê la vào những con ngõ nhỏ kiếm những món quà vặt đã trở thành thương hiệu của Thủ đô như nem chua rán, ốc nóng, bánh đúc nóng... Trong số những hàng bánh đúc lâu năm nhất, không thể không kể đến hàng bánh đúc nóng nằm trong con ngõ ở phố Lê Ngọc Hân.
Quán nằm trong con ngõ sâu. Khách có thể ngồi ngoài trời hoặc trong nhà. Không gian bên trong quán bánh đúc Lê Ngọc Hân cũng không quá cầu kỳ, chỉ là một căn nhà nhỏ được bài trí vài bộ bàn ghế nhựa, rất đơn giản. Được biết, hàng bánh đúc này đã tồn tại gần 40 năm nay, trước quán còn được bán hẳn ngoài mặt đường sau này mới dọn vào trong ngõ và vẫn được mọi người truyền tai nhau, đi theo chỉ dẫn mà ghé đến ăn.
Bước vào bên trong quán, nhìn bà chủ tay lúc nào cũng thoăn thoắt múc bánh, chan nước, cẩn thận điểm từng lá hành, lá rau thơm. Nghe bà chia sẻ: "Tôi bán bánh đúc từ hơn 30 năm nay, ngày trước quán nằm ở mặt đường, sau này mới dọn vào trong ngõ. Mỗi ngày bán được bao nhiêu suất tôi cũng không đếm xuể nữa".
Bánh đúc ban đầu chỉ là một món ăn của những người nghèo khó, được ăn không hoặc chấm với nước mắm. Sau này, người dân đã biến tấu, kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để biến bánh đúc thành món ăn thanh tao của Hà Nội.
Thành phần chính của bánh từ bột gạo, nấu cho đến khi đặc quánh lại, sền sệt. Nhân bánh làm từ thịt và mộc nhĩ băm nhuyễn rang chín. Nếu bánh đúc nguội chấm tương bần khi ăn sần sật, giòn giòn thì bánh đúc nóng lại được kết hợp nhiều nguyên liệu hơn.
Hiện nay không chỉ có mỗi món bánh đúc đơn thuần mà để phục vụ nhu cầu thưởng thức đa dạng của thực khách, quán còn có bán thêm các món như bún ốc chuối đậu, bánh đa trộn, bún riêu, miến...
Và còn nhiều những thức quà ngon lành khác đang được bày bán trong những quán nhỏ trên nhiều ngõ, ngách hẻm ở Hà Nội. Vậy thì ngay hôm nay, tại sao chúng ta không lên đường. Cảm giác được ngồi ăn quà tít sâu trong ngõ hẻm ở Hà Nội, cách xa những ồn ào phố xá sẽ rất tuyệt vời.