Lá chắn bảo vệ người tiêu dùng
(PNTĐ) - Thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn vào cả siêu thị đến bệnh viện… Không chỉ đặt ra thách thức với các đơn vị chức năng, nó còn gây hoang mang với người tiêu dùng. Giữa ma trận ấy, áp dụng công nghệ để chủ động tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm trở thành một giải pháp, một lá chắn bảo vệ người tiêu dùng trước những hiểm hoạ có thể xảy đến.
Tin ở QR
Niềm vui mỗi ngày của bà Vũ Xuân Hằng (phường Phú Diễn, thành phố Hà Nội) là đón các cháu đi học về và nấu nướng, bày biện một bữa ăn với nhiều món ngon ưa thích cho các cháu. 3 rưỡi chiều, bà Hằng vào siêu thị dưới chân chung cư nhà mình và chọn thịt lợn. “Bữa tối sẽ có món thịt kho trứng”, bà tự nhủ, mắt ánh lên niềm vui.
Nhưng rồi, chút băn khoăn cũng dần hiện ra trong suy nghĩ của bà Hằng. Chỉ mới mấy ngày nay thôi, bà xem tivi và biết được Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá một đường dây chuyên thu gom, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn chết, lợn nhiễm bệnh hoạt động suốt ba năm qua. Hàng tấn thịt lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị tuồn ra thị trường đều đặn, âm thầm len lỏi vào các chợ dân sinh, quán ăn, nhà hàng… và rất có thể, là vào chính bữa ăn của rất nhiều người.
Với bà Hằng, thực phẩm - sạch là điều kiện cần trước tiên. Bởi thế mà nếu không đi chợ và mua hàng của người bán hàng quen thuộc, thịt được đóng dấu kiểm dịch chặt chẽ, thì bà cũng vào hẳn siêu thị để mua. Lâu nay, người phụ nữ gần 70 tuổi, điện thoại chỉ dùng để nhắn tin, gọi điện chỉ nghĩ đơn giản có vậy. Nhưng rồi, với kiến thức mới được tiếp nhận từ chị em khu phố, nhất là mấy cháu trẻ tuổi, rằng các sản phẩm hiện nay thường có một mã QR mà khi dùng điện thoại quét vào đó, tất cả thông tin về nguồn gốc sản phẩm sẽ hiện ra, giúp người tiêu dùng biết nơi sản xuất, quy trình kiểm định, hạn sử dụng…
Bà Hằng nhìn xuống hộp thịt mình đang cầm trong tay, có mã QR. Bà quét thử. Trong giây lát, hàng loạt thông tin hiện ra: Từ địa chỉ trại chăn nuôi, đến ngày giết mổ, khâu kiểm dịch, vận chuyển, và cả chứng nhận kiểm nghiệm từng lô hàng – tất cả đều được ghi nhận. Bà Hằng ngỡ ngàng, như thể vừa học một bài vỡ lòng về công nghệ. Bà không nghĩ rằng một miếng thịt lại có thể được ghi lại quy trình sản xuất kỹ như thế. Nhìn sang quầy rau, quầy hải sản, quầy hoa quả, bà cũng nhìn thấy nhiều mã QR tương tự.
Câu chuyện của bà Hằng thể hiện một xu hướng lựa chọn tiêu dùng có trách nhiệm, một điều tất yếu trong xã hội hiện nay để tự bảo vệ bản thân và gia đình. Mỗi chiếc mã QR, giúp người dân hình thành thói quen truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ tận trang trại nuôi trồng đến bàn ăn của mình. Bởi lẽ, mỗi quyết định mua hàng sáng suốt – nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, chính là một lá phiếu cho sự an toàn và sức khỏe cộng đồng.

Trao niềm tin cho người tiêu dùng thời công nghệ số
Hiện nay, có thực trạng đáng lo ngại khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng quan tâm đến sức khỏe thì chúng ta lại đang đứng trước nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng từ việc lựa chọn, mua phải hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực dinh dưỡng...
Thông tin từ Trung tâm dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an rất đáng báo động, khi chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên cả nước đã xử lý hơn 40.000 vụ việc buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng. Nổi bật là tình trạng hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Phải đối mặt trực tiếp với hết thịt lợn bẩn, đến rau ngâm hoá chất, rồi những sản phẩm chế biến sẵn không rõ nguồn gốc, thuốc giả, sữa giả... đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.
Thực tế, chặn hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ là câu chuyện nhỏ trong mỗi gia đình, hay trong mỗi quyết định khi đi chợ của những bà nội trợ như bà Hằng, mà còn được đưa lên bàn nghị sự. Chiều 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đây được đánh giá là bước đột phá quan trọng trong quản lý rủi ro và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, mở ra nhiều cơ hội đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý.
Một điểm đổi mới quan trọng khác là việc luật hóa khái niệm “hộ chiếu số của sản phẩm”. Khoản 8 Điều 3 của Luật quy định rõ, đây là tập hợp các thông tin liên quan đến sản phẩm và chuỗi cung ứng, được lưu trữ dưới dạng mã vạch hoặc các phương thức phù hợp khác, đảm bảo có thể truy cập và đọc được thông qua thiết bị kỹ thuật số. Điều này giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm.

Còn tại Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam” do Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an tổ chức vào đầu tháng 7 vừa qua, các chuyên gia đều đồng tình rằng, việc triển khai các nền tảng truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn thị trường và tăng cường tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Tại hội thảo, ông Bùi Bá Chính, quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, các nước trên thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đều được mã hóa định danh trên toàn chuỗi sản xuất và đến khâu xuất khẩu. Ông Chính mong muốn Việt Nam có thể kiểm soát và truy xuất nguồn gốc để định danh sản phẩm, kê khai một cách minh bạch với sự giám sát của toàn dân. Đây chính là hộ chiếu số cho sản phẩm và hướng đến thị trường quốc tế, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu hàng hóa, nâng tầm quốc gia.
Kỳ vọng của bất kỳ người tiêu dùng nào cũng là thực phẩm ngon, đẹp, và sạch. Công nghệ phát triển đã và sẽ giúp cho mỗi người nâng tầm kỳ vọng và thay đổi tư duy của mình.