Tiêu dùng thông thái tránh bẫy hàng giả khi mua sắm online
(PNTĐ) - Hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp, nhất là nhóm mặt hàng sức khoẻ, thực phẩn... người tiêu dùng cần mua sắm khéo léo tránh tiền mất tật mang.
Lựa chọn địa chỉ mua sắm tin cậy, uy tín
Khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) lớn, người dùng có thể nhận diện các nhà bán hàng uy tín qua nhãn Mall (Cửa hàng chính hãng) thường được gắn ngay bên cạnh tên thương hiệu. Kiểm tra kỹ thông tin về thương hiệu, bao gồm số lượng sản phẩm đã bán, điểm đánh giá sao cửa hàng, số lượng người theo dõi..., để có cái nhìn đầy đủ chính xác hơn về nhà bán hàng.
Bên cạnh huy hiệu Mall dành cho hệ thống các cửa hàng chính hãng, với nhiều tiêu chí đánh giá. Tương tự như cách hiện diện shop Mall, người tiêu dùng có thể nhận diện các nhà bán này nhờ huy hiệu Star Shop hoặc lượt mua, đánh giá chân thực của nhiều khách hàng...
Tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm
Với vô vàn khuyến mại, ưu đãi miễn phí vận chuyển và hệ thống cửa hàng chính hãng... dù mua hàng ở đâu, nhiều người tiêu dùng cho biết vẫn phải tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin sản phẩm từ nhiều nguồn tin. Từ giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đặc điểm sản phẩm... người dùng cần nắm rõ mới nên quyết định "chốt đơn".

Điều này sẽ giúp người tiêu dùng tránh được các thông tin quảng cáo một chiều, đôi khi có phần "thần thánh hoá" công dụng thực về nhiều sản phẩm. Theo đó, để xác thực thông tin được cung cấp, người dùng nên tự nghiên cứu nguồn gốc xuất xứ, thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng sản phẩm thông qua trang website chính thức của nhà sản xuất hoặc các diễn đàn uy tín. Bên cạnh đó, nên đọc kỹ các đánh giá từ người mua trước, ưu tiên đọc các đánh giá có hình ảnh và video thực tế và không bỏ qua các các đánh giá 1-2 sao. Trong trường hợp nhiều người cùng phàn nàn phản ánh về một vấn đề, rất nên cân nhắc quyết định chọn mua.
Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo trên online
Gần đây, các trang giả mạo thương hiệu xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Cùng với đó là nhiều chiêu lừa đảo, lời mời chào hấp dẫn... khuyến khích người tiêu dùng thực hiện các giao dịch mua bán tự phát qua tin nhắn không được quản lý bởi cơ quan chức năng.

Người tiêu dùng nên cảnh giác khi giao dịch qua mạng xã hội. Để đảm bảo quyền lợi, người dùng nên ưu tiên mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử uy tín, được cấp phép bởi Bộ Công Thương.