Công nghiệp văn hóa - đột phá để bứt tốc!
Bài 1: Mỏ vàng, đừng để bị lãng quên!
(PNTĐ) - Tại Hội nghị về phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá. Tuy nhiên, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Để công nghiệp văn hóa Việt Nam có sức bật mới, trước hết phải đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh” trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Cùng với những nỗ lực của Nhà nước, các bộ, ban, ngành, thời gian qua, sự đầu tư nguồn vốn vào văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác, công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Phát triển công nghiệp văn hoá còn nhiều thách thức
Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đến nay bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa từng bước được nâng cao. Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đầu tư, nắm bắt cơ hội, hình thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa.
“Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp đáng kể vào nền kinh tế, trong giai đoạn từ 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 44 tỉ USD...” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra. Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý Nhà nước về công nghiệp văn hóa. Đồng thời, thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện. Nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Đáng chú ý, nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa thực sự khuyến khích và thu hút.
Hiện nay, chưa có chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hoá trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thống kê của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan mới chỉ đáp ứng yêu cầu báo cáo phục vụ công tác quản lý, chưa được thực hiện toàn diện dẫn đến việc đề xuất giải pháp phát triển của từng lĩnh vực chưa kịp thời và sát thực tế. Một số bộ phận doanh nghiệp và nhân dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nên việc vi phạm và xâm phạm thời gian qua đã tác động trực tiếp đến những người làm sáng tạo, đồng thời gây cản trở cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa cũng chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ.
“Nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hoá bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có trong các sản phẩm, dịch vụ; qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách hàng trong nước và quốc tế…” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Những câu hỏi lớn?
Để công nghiệp văn hóa phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả những tiềm năng và thế mạnh, các nhà nghiên cứu và chuyên gia thực hành sáng tạo cho rằng, cần có chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đột phá trong cách làm. Một trong những giải pháp được nhấn mạnh là xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa phải dựa trên lợi thế sẵn có của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm như tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước…
Ảnh: Quang Tấn
Mục tiêu hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm cũng là nội dung được đặc biệt quan tâm trong phát triển công nghiệp văn hoá. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, đến nay, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành mũi nhọn đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô, như Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2023 về “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra.
“Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa; thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Quyết tâm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, vấn đề đặt ra còn là cần nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam. Là quốc gia đi sau, Việt Nam cần nhìn nhận có thể học tập được gì từ những quốc gia đã thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nhiều câu hỏi, đồng thời là gợi mở tầm nhìn trong kiến tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới đã được đặt ra như: Những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao? Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như thế nào? Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa? Cần xây dựng một chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cho giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ ra sao?...
Thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá. Theo đó, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, đồng thời có những ưu đãi tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa đang là yêu cầu cấp thiết, cũng là mong mỏi của các nhà quản lý, chuyên gia, các tổ chức và cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa. Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng cho công nghiệp văn hóa. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa…
Theo Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, có mỏ vàng đừng để bị lãng quên”. Có thể nói, việc nhận diện công nghiệp văn hoá là “mỏ vàng” chính là dấu hiệu tích cực để các ngành công nghiệp văn hóa có những bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới.
Bài 2: Kỳ vọng những “làn sóng” mới