Liên kết vùng: "Chìa khóa" để công nghiệp văn hóa Thủ đô bứt phá!

Bài 1: Thước đo đầu tàu liên kết vùng đồng bằng sông Hồng

Bài và ảnh: Nam Phong
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 8/11/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5832/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ “Giải pháp liên kết vùng trong phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô với một số tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030”. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội. Việc thúc đẩy liên kết vùng nhằm tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa có giá trị gia tăng cao không chỉ là nhu cầu phát triển của Thủ đô, mà còn là xu thế tất yếu đối với cả Vùng đồng bằng sông Hồng.

Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, Thủ đô Hà Nội sở hữu những ưu thế vượt trội để phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy liên kết vùng trong khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Với nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, từ di sản vật thể đến phi vật thể, hệ thống làng nghề truyền thống đa dạng, các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc và đội ngũ nhân lực sáng tạo chất lượng cao, Thủ đô được xác định là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH).

Bài 1: Thước đo đầu tàu liên kết vùng đồng bằng sông Hồng - ảnh 1
Hà Nội hội tụ các di sản văn hóa là lợi thế lớn trong liên kết vùng.

Sự ràng buộc tất yếu trong phát triển CNVH 
Liên kết vùng không phải là khái niệm mới, từ lâu đã được xem là chiến lược trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia. Xu hướng phát triển kinh tế vùng bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ XX, và dần trở thành chiến lược trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại nhiều nước trên thế giới.

Theo các chuyên gia, liên kết vùng chính là việc hợp tác giữa các chủ thể nhằm biến tiềm năng và lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh của cả vùng, thông qua chuyên môn hóa sản xuất, tập trung nguồn lực, mở rộng quy mô và nâng cao sức cạnh tranh tổng thể. 

Theo TS Đỗ Thị Liên Vân - Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội, liên kết vùng được coi là tư duy phát triển chủ đạo, giúp tối ưu hóa tiềm năng địa phương, giảm chi phí, gia tăng giá trị sản phẩm và tránh cạnh tranh nội vùng trong phát triển CNVH, nhằm mang lại lợi ích chung cho toàn vùng mà không một tổ chức/cơ quan riêng lẻ nào có thể đạt được. 

Trong lĩnh vực CNVH, liên kết vùng không chỉ là giải pháp chia sẻ tài nguyên văn hóa giữa các địa phương, mà còn tạo ra những chuỗi giá trị mới, kết nối thị trường tiêu thụ, kích thích đầu tư và gia tăng giá trị sản phẩm. Các ngành CNVH của Hà Nội và các địa phương trong vùng ĐBSH không thể tách rời khỏi xu thế phát triển chung này. 

ĐBSH là vùng kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội trọng điểm của Việt Nam, gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo Nghị quyết 60/NQ-TƯ ban hành ngày 12/4/2025 vùng ĐBSH sau sáp nhập còn lại 6 tỉnh, thành phố) có vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng đồng bộ, và hệ thống giao thông kết nối hiệu quả với các vùng trong nước và quốc tế. Với diện tích 21.253km² và dân số gần 23 triệu người, đây là vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước và lực lượng lao động trình độ cao.

Đặc biệt, hệ thống danh lam thắng cảnh, di sản, di tích lịch sử, phân bố trải rộng khắp 11 tỉnh, thành phố trong vùng với hơn 23 nghìn di tích lịch sử, văn hóa cùng hàng ngàn đình, đền, chùa, miếu… gắn với kho tàng kiến trúc, mỹ thuật độc đáo. Đây cũng là quê hương của nhiều lễ hội truyền thống điển hình cùng nhiều loại hình văn hoá phi vật thể, nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Trong vùng có nhiều di sản thế giới đã được UNESCO công nhận và vinh danh. Ngoài ra, vùng còn có nền ẩm thực đa dạng và hệ thống làng nghề phong phú nhất cả nước. 

Những lợi thế này là nền tảng vững chắc để tăng cường liên kết vùng giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận ĐBSH trong phát triển các ngành CNVH như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ… Việc thực hiện liên kết vùng vừa nhằm bổ trợ những khuyết thiếu trong từng công đoạn sản xuất hoàn thành sản phẩm, vừa tạo ra một sản phẩm tổng hợp, có quy mô phát triển ở thị trường rộng lớn, có thể xuất khẩu hàng hoá hoặc thu hút khách quốc tế tới du lịch (xuất khẩu tại chỗ), nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo ra các giá trị gia tăng cao đồng thời có tính độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá của vùng châu thổ sông Hồng. 

PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: “Thủ đô Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển CNVH. Tuy nhiên, để CNVH Hà Nội phát huy hết tiềm năng, việc “đứng riêng một mình” là chưa đủ. Liên kết vùng giữa Hà Nội và các tỉnh trong khu vực không chỉ giúp chia sẻ nguồn lực, bổ trợ điểm mạnh cho nhau mà còn tạo sức mạnh tổng hợp, hình thành thị trường và không gian phát triển rộng lớn hơn cho CNVH.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa Thủ đô và các tỉnh ĐBSH sẽ giúp xây dựng chuỗi giá trị văn hóa hoàn chỉnh, kích thích đổi mới sáng tạo và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngược lại, các địa phương trong vùng khi kết nối với Hà Nội cũng có cơ hội thúc đẩy kinh tế địa phương, nhất là trong các lĩnh vực du lịch, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… thông qua việc tham gia chuỗi giá trị văn hóa chung…”. 

Lợi thế, trách nhiệm của trung tâm, đầu tàu trong liên kết
Thực tế, từ mặt chủ trương, chính sách, Hà Nội đã sớm thể hiện vai trò trung tâm dẫn dắt, là hạt nhân có tính chất lan tỏa trong tam giác động lực của vùng ĐBSH thông qua việc ban hành Nghị quyết và các kế hoạch phát triển CNVH, đặt mục tiêu đưa văn hóa trở thành kinh tế mũi nhọn với tỷ trọng GRDP đạt 5% vào năm 2025 và khoảng 8% vào năm 2030.

Bài 1: Thước đo đầu tàu liên kết vùng đồng bằng sông Hồng - ảnh 2

 TS Đỗ Thị Liên Vân cho biết, Hà Nội sở hữu nhiều lợi thế của vai trò trung tâm nhưng đồng thời cũng có trách nhiệm lớn trong liên kết như Nghị quyết số 30-NQ/TƯ (2022) của Bộ Chính trị và Quy hoạch vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định: “Thủ đô Hà Nội là trung tâm của vùng ĐBSH, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là trung tâm, là động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Hà Nội trở thành Thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới”. 

Cùng với đó, theo các chuyên gia, Luật Thủ đô sửa đổi, bổ sung năm 2024 cũng quy định thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc vùng Thủ đô, vùng ĐBSH, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc có trách nhiệm liên kết, phát triển theo các chương trình, dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia. Trong đó, Thủ đô Hà Nội được xác định là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước. 

GS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khẳng định: “Khu vực ĐBSH, với Thủ đô Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được xem là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi hội tụ dày đặc di sản vật thể và phi vật thể, là cái nôi của nhiều dòng nghệ thuật dân gian, làng nghề truyền thống, và nguồn nhân lực sáng tạo phong phú. Những yếu tố đó không chỉ làm nên lợi thế cạnh tranh trong phát triển CNVH, mà còn mở ra cơ hội để kiến tạo một mạng lưới liên kết vùng hiệu quả, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị văn hóa - sáng tạo mang tính liên tỉnh, liên ngành”. 

Trong bối cảnh Việt Nam đang định hướng CNVH trở thành ngành kinh tế quan trọng, việc Hà Nội chủ động liên kết vùng không chỉ thể hiện vai trò “đầu tàu” dẫn dắt mà còn là minh chứng cho một chiến lược phát triển dài hạn, có tầm nhìn xa.

(Còn tiếp)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Không gia đình” – Món quà nhạc kịch đầy cảm xúc cho thiếu nhi mùa hè 2025

“Không gia đình” – Món quà nhạc kịch đầy cảm xúc cho thiếu nhi mùa hè 2025

(PNTĐ) -Chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Nhà hát Tuổi trẻ mang đến cho khán giả nhỏ tuổi và gia đình vở nhạc kịch “Không gia đình”, chuyển thể từ kiệt tác văn học kinh điển của nhà văn Pháp Hector Malot. Đây là lần đầu tiên tác phẩm được dàn dựng trên sân khấu nhạc kịch tại Việt Nam, mở ra một không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, nhân văn và đầy cảm hứng sống.
Làng nghề may áo dài Trạch Xá mong tăng cường kết nối thị trường để phát triển nghề

Làng nghề may áo dài Trạch Xá mong tăng cường kết nối thị trường để phát triển nghề

(PNTĐ) - Làng Trạch Xá (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghề may áo dài truyền thống Việt Nam. Nơi đây, từng đường kim mũi chỉ không chỉ là sản phẩm của đôi bàn tay khéo léo mà còn là kết tinh của văn hóa, truyền thống và tâm huyết của nhiều thế hệ người dân.
Huyền Trang và “nốt lặng” khiến khán giả rưng rưng, dâng trào cảm xúc khi hát về Bác Hồ

Huyền Trang và “nốt lặng” khiến khán giả rưng rưng, dâng trào cảm xúc khi hát về Bác Hồ

(PNTĐ) - Trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người là Hồ Chí Minh” diễn ra ngày 18/5 vừa qua tại Quảng trường Ba Đình (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phần thể hiện của sao mai Huyền Trang đã gây xúc động mạnh cho khán giả được chia sẻ sôi nổi trên mạng xã hội với nhiều lời khen ngợi.
Hoàn Kiếm: Bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hoá

Hoàn Kiếm: Bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hoá

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả giữa lòng Hà Nội hiện đại, quận Hoàn Kiếm vẫn giữ vững vai trò “trái tim văn hóa” của Thủ đô. Với một kho tàng di sản phong phú, Hoàn Kiếm không chỉ đang gìn giữ quá khứ mà còn từng bước “đánh thức” di sản thông qua phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng không gian sáng tạo gắn với văn hóa ứng xử – tạo nên bản sắc riêng không thể trộn lẫn.