Công nghiệp văn hóa nhìn từ những làng nghề truyền thống
Bài 3: Giữ hồn cốt cho làng nghề để phát triển
(PNTĐ) - Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Hà Nội có những làng nghề truyền thống đi vào sử sách, thơ ca. Trải qua thăng trầm, các làng nghề truyền thống tiếp tục được hội tụ, kết tinh, lan tỏa bởi những người con của làng.
Thừa kế và phát triển
Nhiều du khách đến với làng nghề truyền thống Bát Tràng ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) và đã biết đến Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng (còn gọi là Bát Tràng Museum) do Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng sáng lập. Đây là bảo tàng gốm sứ ngoài công lập đầu tiên của làng Bát Tràng, được UBND thành phố Hà Nội cấp phép ngày 28/01/2016 theo Quyết định số 444/QĐ-UBND của UBND TP và được quản lý bởi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Ông Vũ Khánh Tùng, Giám đốc Bát Tràng Museum chia sẻ: “Bát Tràng Museum được thành lập nhờ tâm huyết và nỗ lực của bố tôi là cố nghệ nhân nhân dân Vũ Đức Thắng (nghệ danh Vũ Thắng) sau gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề gốm. Bảo tàng hiện sở hữu hàng trăm hiện vật gốm cổ của gốm Bát Tràng truyền thống (từ thế kỷ XVIII-XIX đến đầu thế kỷ XX). Cùng đó là các tác phẩm gốm do bố tôi dày công chế tác trong suốt cuộc đời làm nghề, với nhiều sáng tạo phá cách, pha trộn phong cách cổ điển và đương đại.
Là người kế thừa với trọng trách to lớn, tôi đã quay về điều hành Bảo tàng để thực hiện tâm niệm còn dang dở của bố. Những năm tháng xa nhà và làm việc trong lĩnh vực sáng tạo và truyền thông lại là sự thuận lợi để tôi xây dựng hình ảnh bảo tàng theo một tư duy mới hơn, kết hợp nhiều ý tưởng mới để những di sản để lại của cố nghệ nhân được lan toả rộng hơn, đáp ứng được nhu cầu của thế hệ trẻ, những người cần được tiếp cận nhiều hơn với di sản văn hoá.
Bát Tràng Museum phát triển các nội dung liên quan về gốm Bát Tràng, về lịch sử, kiến trúc, văn hoá, ẩm thực… của Bát Tràng. Chúng tôi vẫn luôn đau đáu việc xây dựng một nơi lưu trú cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước đến Bát Tràng để nghiên cứu, sáng tác và thực hiện các hoạt động triển lãm. Và, chúng tôi cũng mong muốn được giao lưu triển lãm các hiện vật của Bát Tràng Museum với các bảo tàng trong và ngoài nước để giới thiệu giá trị văn hóa làng gốm cổ của quê hương mình đến khắp muôn nơi”.
Cũng theo chia sẻ của ông Vũ Khánh Tùng, những sự kết hợp của Bát Tràng Museum với các nghệ sĩ đương đại sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian sắp tới để mang những tác phẩm của cố nghệ nhân đến gần hơn với công chúng với góc nhìn mới, bám sát tinh thần của nghệ thuật đương đại. Mỗi sự kết hợp sẽ là góc nhìn, cách tiếp cận và cách thể hiện khác nhau tạo ra tác phẩm mới hoặc tương tác với di sản để lại của cố Nghệ nhân Nhân dân, nhưng tất cả đều chung mục tiêu tôn vinh và kế thừa di sản ấy.
Kết tinh và lan tỏa
Là một làng nghề có tuổi đời hơn 500 năm, trải qua những biến cố của lịch sử, làng nghề gốm sứ Bát Tràng ở Việt Nam vẫn giữ được nét truyền thống với những giá trị văn hóa nghệ thuật được nâng tầm đến đỉnh cao của sự tinh tế. Những nghệ nhân nơi đây với bàn tay khéo léo đã sáng tạo nên các sản phẩm tinh xảo, màu sắc, hoa văn tinh tế, hài hòa khiến cho những ai đã từng đến, từng ngắm không thể không nán lại mà trầm trồ chiêm ngưỡng với sự thán phục và tự hào về một nghề truyền thống của dân tộc.
Trong những người có sức ảnh hưởng đến sự phát triển của làng nghề Bát Tràng không thể không nhắc đến nữ Nghệ nhân Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội. Bà là hậu duệ đời thứ 15 trong dòng họ có truyền thống làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng. Phát huy truyền thống của quê hương, bà Hà Thị Vinh đã gắn bó sự nghiệp của mình cùng thương hiệu Gốm sứ Quang Vinh - sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, đưa sản phẩm của làng nghề truyền thống vượt ra khỏi lũy tre làng, bước vào thị trường châu Âu.
Một sáng tháng 5 tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm - một công trình đồ sộ mang tâm huyết gìn giữ giá trị văn hóa làng nghề truyền thống cho thế hệ mai sau của Nghệ nhân Hà Thị Vinh, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, bà chia sẻ: “Hiện nay, Bát Tràng là một trung tâm gốm sứ lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á. Nét đẹp của sản phẩm Bát Tràng là vẻ đẹp tinh xảo thể hiện trên từng chi tiết, đường nét từ khi chỉ là vật liệu thô cho đến khi thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Gốm Bát Tràng đẹp là thế, quý là thế. Và tôi muốn kể lại câu chuyện văn hóa của làng nghề mình, đưa câu chuyện ấy vượt ra biển lớn”.
Với tâm huyết ấy, năm 2018, được sự đồng lòng ủng hộ của bà con làng nghề, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt được xây dựng và đi vào hoạt động. Từ đây, rất nhiều câu chuyện hay, hấp dẫn của làng nghề đã được kể, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, được xây dựng, tạo một môi trường cho các hoạt động phát triển văn hoá làng nghề. Trung tâm được xây dựng nhằm trưng bày, quảng bá rộng rãi hình ảnh, thương hiệu gốm sứ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Qua đó, du khách tới tham quan có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu về văn hoá làng nghề Việt Nam thông qua những sản phẩm gốm sứ và thủ công mỹ nghệ tinh hoa, độc đáo. Đồng thời trải nghiệm thực tế với gốm trong không gian truyền thống cùng với các nghệ nhân và những người thợ tài hoa.
Vốn mệnh danh là Bảo tàng Gốm Bát Tràng, Trung tâm có kiến trúc độc đáo thể hiện nét đẹp truyền thống của nghề gốm nhưng vẫn mang hơi thở thời đại. Kiến trúc tòa nhà được lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay “vuốt gốm” truyền thống, giao thoa, nhào nặn với những mặt cong đa diện, chuyển động mềm mại và tự do đã tạo nên công trình. Nghệ nhân Hà Thị Vinh chia sẻ: Du khách đến với Trung tâm ngay từ phía ngoài đã thấy được ngôn ngữ đầu tiên của nghề làm gốm Bát Tràng trong lối kiến trúc, đấy là công trình có 7 cái trụ xoay. 7 cái trụ xoay là 7 cái bàn xoay để vuốt sản phẩm gốm bằng đất. Đây chính là ngôn ngữ của nghề gốm được thể hiện bằng kiến trúc, dẫn dắt kể câu chuyện về nghề làm gốm của làng Bát Tràng.
Trung tâm là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng và nơi trưng bày các sản phẩm tinh hoa của làng gốm Bát Tràng. Trong đó, độc đáo nhất là không gian của tầng 2, đây là nơi trưng bày các sản phẩm và sự hình thành của nghề gốm sứ Bát Tràng cho đến ngày nay.
Ông Sigaraki, khách du lịch đến từ Nhật Bản hào hứng chia sẻ: “Khi về làng gốm Bát Tràng để du lịch hay tìm hiểu về nghề gốm sứ thì nên đến với không gian trưng bày của Bảo tàng gốm Bát Tràng. Tham quan không gian Bảo tàng, tôi mới hiểu được phần nào về con người, cuộc sống cũng như văn hóa người làng Bát Tràng gắn với nghề nung đất làm gốm”.
Nhiều năm qua,Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt hay Bát Tràng Museum luôn là “cầu nối” đưa những tinh hoa văn hóa nghề gốm tới du khách trong và ngoài nước. Nơi đây còn đào tạo, truyền nghề cho bao thế hệ trẻ của làng Bát Tràng, giúp nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển bền vững.
Ở Bát Tràng không chỉ có những người như nghệ nhân như Hà Thị Vinh, ông Vũ Khánh Tùng mới nặng lòng, trăn trở với văn hóa làng nghề truyền thống. Mà ở đây, mỗi nghệ nhân, mỗi thợ giỏi của làng nghề Bát Tràng đều là một mắt xích quan trọng trong việc “tiếp lửa”, tạo nên sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính họ đã gìn giữ truyền thống văn hóa làng nghề trong hàng trăm năm qua, để tình yêu với nghề gốm truyền thống không bao giờ tắt.
Nghệ nhân Tô Thanh Sơn, một người con Bát Tràng chia sẻ thêm: “Sinh ra tại cái nôi của nghề gốm ở Hà Nội, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, dù cuộc sống có phát triển đến đâu cũng không bao giờ được quên nghề mà cha ông để lại. Vì thế, con cháu các dòng họ ở Bát Tràng luôn bảo ban nhau giữ gìn, phát huy nghề cổ truyền, đồng thời bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa của làng nghề gốm cổ đến khắp năm châu”.
(Còn tiếp)