Bài cuối: Thách thức trong phát triển văn hóa Việt Nam thời gian

Chia sẻ

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 nêu rõ: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...".

Những thách thức lớn của văn hoá trước thời đại số hoá

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một bối cảnh lớn, tác động đến toàn bộ xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Cơ sở dữ liệu lớn (big data) là một yếu tố quan trọng đã, đang và sẽ chi phối sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam, trong đó hình thành dữ liệu số hóa về di sản văn hóa sẽ làm thay đổi trong việc bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản trong tương lai, giúp ngành điện ảnh và các ngành nghệ thuật khác hoạt động hiệu quả hơn trong các hoạt động quảng bá phim, bán vé, đặt chỗ qua các dịch vụ trực tuyến, thu thập, phân tích dữ liệu công chúng, hình thành thị trường nghệ thuật trực tuyến, cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến…; Công nghệ thực tế ảo có đóng góp vào việc làm thay đổi cách thức sản xuất phim cũng như thị hiếu của công chúng, hình thành các bảo tàng ảo và những người tham quan, trải nghiệm di sản trực tuyến; Trong khi đó, internet kết nối vạn vật sẽ giúp bảo tồn, phát huy, quản lý di sản văn hóa trở nên hiệu quả hơn. Và cuối cùng, in 3D chính là công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi nhất, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ thuật. Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng toàn thế giới, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trở thành một xu thế tất yếu và được đẩy nhanh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hoá, nghệ thuật. Việt Nam đã nắm bắt thời cơ này rất nhanh và đã có những bước triển khai hiệu quả trên nhiều lĩnh vực văn hoá.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng số hoá này cũng đem đến cho lĩnh vực văn hóa nhiều thách thức. Văn hoá được hình thành dựa trên kỹ thuật số hoá chắc chắc sẽ có những khác biệt so với các giai đoạn phát triển xã hội khác. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đa phương tiện và kỹ thuật số, thị trường tự do, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cần tạo ra sự khác biệt và ứng dụng thành công công nghệ trong việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Công nghệ số, internet phát triển kéo theo khả năng tiếp cận các nội dung văn hóa, nghệ thuật trở nên dễ dàng và không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia, điều này cũng đòi hỏi sự khác biệt, độc đáo trong nội dung, ý tưởng của các sản phẩm văn hóa như là một ưu thế cạnh tranh quan trọng.

Cuộc cách mạng này cũng đã đem lại những cơ hội lớn về khả năng giảm thiểu chi phí sản xuất, góp phần tạo ra các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm mới (ví dụ qua các mạng xã hội trên internet), chúng cũng đòi hỏi những hành động nhạy bén và sự thích ứng liên tục với môi trường thay đổi. Tuy nhiên, thách thức mới của chúng ta là cần chú ý nhiều hơn đến việc hoàn thiện hệ thống chính sách về quyền riêng tư, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, sáng tác và hưởng thụ các tác phẩm văn học – nghệ thuật trên mạng, chính sách bản quyền về liên quan đến tác quyền và tài sản số hóa tránh những việc cạnh tranh thiếu văn minh về bản quyền trên nền tảng số như đang diễn ra thời gian gần đây, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu chung của ngành để từng bước hình thành nền tảng dữ liệu lớn,…

Buổi tham quan trực tuyến (Tourday online) dành cho học sinh lớp 5E, trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội của Bảo tàng Lịch sử.Buổi tham quan trực tuyến (Tourday online) dành cho học sinh lớp 5E, trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội của Bảo tàng Lịch sử. (Ảnh: BTLS)

Đầu tư cho văn hoá nghệ thuật là nhiệm vụ quan trọng

Trong những năm gần đây, dù ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có tăng nhưng không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của lĩnh vực này. Dù vậy, đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật rất quan trọng vì đây là một nhiệm vụ để cụ thể hóa, hiện thực hóa những thành tựu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng viết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, không chỉ là cho sự hoàn thiện nhân cách của con người – mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thể hiện dấu ấn phát triển của đất nước.

Vì vậy, chúng ta cần có sự chung tay của toàn xã hội trong đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật. Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, hoạt động xã hội hóa cũng đã có những thành công nhất định trong việc xây dựng, trùng tu các di tích tâm linh hay sự bùng nổ của các bộ phim Việt Nam do tư nhân sản xuất. Tuy vậy, thách thức nằm ở chỗ, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư đầy đủ, nhất là những lĩnh vực bị xem là ít khán giả hay không có nhiều lợi ích cho cá nhân người đầu tư như nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đỉnh cao hay một số các sinh hoạt văn hóa khác. Từ đây, dễ dàng thấy rằng, văn hoá nghệ thuật cần đổi mới sáng tạo để làm cho văn hóa trở nên phát triển bền vững hơn và mang tinh thần doanh nghiệp.

Sáng tạo là một từ khóa then chốt trong sự phát triển văn hóa những năm sắp tới. Năm 2019, Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là một trong những thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của mình. Đây không chỉ là nỗ lực của riêng Thủ đô trong việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mà còn thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc đưa yếu tố sáng tạo trở thành hạt nhân quan trọng trong mọi chiến lược phát triển của Thủ đô. Sáng tạo sẽ giúp Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung có một sức sống mới cho không chỉ lĩnh vực văn hóa mà cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Đối với văn hóa, đổi mới sáng tạo có thêm ý nghĩa khi đưa tinh thần doanh nghiệp vào trong hoạt động quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Chúng ta cần nâng cao năng lực quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường, về kỹ năng kinh doanh. Một trong những yêu cầu mới của lĩnh vực văn hóa là cần thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ hơn với công chúng/người tiêu dùng, doanh nghiệp và cộng đồng, từ đó để nâng cao nhận thức về những các giá trị khác nhau của văn hóa, nghệ thuật.

Tạo sức đề kháng mạnh trước sự “xâm lăng văn hóa”

Gần đây, quá trình toàn cầu hóa càng trở nên mạnh mẽ hơn cùng với sự phát triển của phương tiện truyền thông mới, khiến thế giới trở thành một “ngôi làng toàn cầu” và thúc đẩy quá trình tiếp biến, biến đổi văn hóa nhanh hơn: Phương thức giải trí mới tràn đến dồn dập, lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Người dân phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn về lối sống, ứng xử, trong khi không phải ai cũng có tâm thế tốt và bản lĩnh để lựa chọn. Khi mà giá trị mới chưa hình thành vững chắc và giá trị cũ có phần lung lay dẫn đến khủng hoảng giá trị, từ đó tạo ra những lệch chuẩn văn hóa xã hội. Tất cả những hệ lụy này từ quá trình toàn cầu hóa tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là giới trẻ, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội.

Văn hóa của các nước lớn, giàu có, lan tỏa rộng, tác động sâu đến đời sống văn hóa của nhân dân, có thể dẫn đến sự biến đổi trong nhận thức, tình cảm và từ đó lệ thuộc vào văn hóa của các quốc gia khác một cách tinh vi, sâu sắc và có độ bền vững.

Sự tiếp thu thiếu chọn lọc văn hóa ngoại lai có nguy cơ làm tha hóa văn hóa dân tộc nếu bản thân Việt Nam không nâng cao sức mạnh nội sinh trong văn hóa tiến hành hiện đại văn hóa nhưng không xa rời dân tộc. Bối cảnh toàn cầu hóa đặt ra thách thức cần xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại để làm phong phú cho văn hoá đất nước, thúc đẩy văn hoá phát triển, hiện đại hóa văn hóa nhưng không xa rời dân tộc. Tôn trọng và gìn giữ truyền thống để phát triển tương lai, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, củng cố nội lực, tạo sức đề kháng trước những cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài, xử lý tốt các xung đột văn hóa nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa.

Trong thời gian tới đây, một trong những yếu tố quan trọng của công cuộc phát triển văn hoá là đội ngũ các văn nghệ sĩ cần được tạo điều kiện tối đa để tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện được những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước. Nhiệm vụ của đội ngũ sáng tạo này cần khai thác có hiệu quả kho tàng văn hoá dân tộc để có những chất liệu mới, tạo nên sức sống mới cho văn hoá Việt Nam.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cũng cho chúng ta thấy những bài học về việc cần phải có kỹ năng kinh doanh và công nghệ để hỗ trợ cho các sản phẩm và dịch vụ văn hoá; Tính chuyên nghiệp của 12 ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam là những điều chúng ta còn đang thiếu; Củng cố tính chuyên nghiệp, đưa yếu tố sáng tạo và lồng ghép những nội dung văn hoá dân tộc sẽ làm cho các ngành công nghiệp văn hoá lan toả sức mạnh mềm, xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia tốt hơn.

Văn hóa luôn được xem vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển đất nước. Trong bối cảnh mới, việc chúng ta chú ý nhiều hơn đến văn hóa cũng thể hiện một trình độ mới trong phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc xác định những thách thức là cách chúng ta chuẩn bị tốt nhất để đón nhận tương lai.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Ủy viên thường trực Ủy ban
Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.