Bánh chưng Tranh Khúc nức tiếng Hà Thành
(PNTĐ) - Thủ đô Hà Nội vốn nổi tiếng với đa dạng món ăn "sơn hào hải vị", song mỗi dịp Tết đến Xuân về không thể không nhắc đến món bánh chưng truyền thống của làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) từ lâu đã nức tiếng. Những chiếc bánh chưng Tranh Khúc dẻo, thơm ngon không chỉ quen thuộc với người dân Hà Nội mà còn là món quà quý với nhiều khách phương xa.
Đã từ lâu lắm, làng Tranh Khúc đã có nghề gói bánh chưng, tuy nhiên con số chưa nhiều. Theo thời gian, khi xã hội ngày một phát triển, số người dân bỏ đồng ruộng chuyển sang làm nghề gói bánh chưng tăng lên đáng kể.
Theo người dân Tranh Khúc, nếu như trước kia khoảng 40-50% hộ dân của làng làm nghề gói bánh thì đến nay tăng lên khoảng 70-80%. Hộ dân làm nghề tăng dẫn đến sản lượng bánh được sản xuất ra cũng tăng lên đáng kể. Làng nghề gói bánh chưng Tranh Khúc từ lâu được nhiều người biết đến là nơi làm ra hàng nghìn chiếc bánh mỗi ngày phân phối cho khu vực Hà Nội và một số địa phương lân cận
Nghề gói bánh chưng ở đây là do ông cha truyền lại. Cứ như vậy từ đời này sang đời khác, nghề gói bánh chưng vẫn được gìn giữ qua bao thế hệ, tạo nên thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng. Bánh chưng vốn là một món ăn truyền thống của người Việt mỗi dịp tết đến xuân về, bây giờ có mặt ở khắp phố thị, trên các mâm cỗ tiệc cưới quanh năm. Chính vì thế, nên gói bánh chưng đã trở thành nghề mưu sinh làm giàu của nhiều gia đình làng Tranh Khúc.
Bánh chưng truyền thống ở làng Tranh Khúc cũng được làm từ gạo nếp, đỗ. Người dân làng Tranh Khúc thường sử dùng gạo nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng ở Hải Hậu (Nam Định) để gói bánh. Nhân bánh là đậu xanh Gia Lai, tuy hạt không to nhưng béo ngậy và thơm hơn, lên màu vàng bắt mắt. Lá dong để gói bánh người dân thường lấy lá dong nếp Tràng Cát (huyện Thanh Oai) được trồng bằng nước sông Đáy.
Nhắc đến bánh chưng Tranh Khúc, là nhắc đến những chiếc bánh được gói tay vuông vắn, sắc nét. Bánh chưng nơi đây có lớp vỏ bánh là lớp gạo nếp cái hoa vàng hạt đều chằn chặn, thơm dẻo quyện hương lá dong ánh lên màu xanh tươi mát. Lớp nhân đỗ vàng ngậy quyện với mỡ tan ra từ khẩu thịt ba chỉ tươi rói, qua 10-12 tiếng ninh rền trên lửa đã thành một thứ thịt mềm mại, hấp dẫn từ mùi thơm đến hương vị.
Tại làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, từ rằm tháng Chạp đến Tết ông Công ông Táo và trước lúc giao thừa là thời gian cao điểm nhất. Đơn hàng tới tấp với cả nghìn bánh mỗi ngày. Có lúc không đủ nhân công, nhiều hộ gia đình còn phải thuê thêm người nơi khác làm để kịp giao cho khách. Với vị ngon đặc trưng, bánh chưng Tranh Khúc đã thực sự lưu giữ được bản sắc văn hoá của nghề truyền thống và nghề làm bánh Tranh Khúc đã phát triển không ngừng, được thị trường đón nhận cao. Bánh chưng Tranh Khúc đã có mặt trong những mâm cỗ Tết truyền thống dâng lên tổ tiên, đất trời với mong muốn được đủ đầy của hàng vạn gia đình khi năm mới đến.