Bảo tàng, di tích "hồi sinh" mạnh mẽ đón SEA Games 31

Chia sẻ

Dẫu chưa hoàn toàn hồi phục như thời điểm trước đại dịch nhưng con số du khách tăng lên mỗi ngày tại các bảo tàng, di tích tại Hà Nội đã cho thấy tín hiệu khởi sắc mạnh mẽ.

Những điểm đến “hồi sinh”

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vui mừng chia sẻ, khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan khu di tích những ngày gần đây đã tăng mạnh so với thời điểm trước. Một phần do bối cảnh dịch bệnh đã lắng, chủ trương mở cửa du lịch đang phát huy hiệu quả, phần khác do thời gian này đang chuẩn bị đến kỳ thi cuối cấp 2, 3 nên lượng học sinh đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám chiêm bái, xin chữ và chụp ảnh kỷ yếu khá đông.

Kề cận với di tích Văn Miếu, tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, du khách trong và ngoài nước đến tham quan bảo tàng đã thay đổi đáng kể so với giai đoạn đầu mới mở cửa du lịch. Nếu thời điểm tháng 2-3/2022, du khách đến bảo tàng đạt khoảng 5.000 lượt thì con số này trong tháng 4 đã tăng lên gấp đôi, với khoảng 10 ngàn lượt khách. “Đáng mừng là trong số đó có rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến bảo tàng để check-in, tham quan hệ thống trưng bày. Khách nước ngoài cũng đã cải thiện, với vài trăm lượt mỗi tháng” - đại diện phòng Truyền thông của bảo tàng cho biết.

Trên đà hồi sinh, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng đa dạng các chương trình, sự kiện đặc sắc, hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của nhân dân Thủ đô và du khách, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 30/4, 1/5. Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đã chính thức khởi động lại sau một năm tạm dừng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhiều điểm đến trong khu phố cổ Hà Nội cũng khởi động chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng dịp kỷ niệm 30/4, 1/5 hiệu quả. Một số hoạt động tiêu biểu có thể kể đến như triển lãm “Đào Xá - Giữ hồn thanh âm Việt”; triển lãm ảnh tư liệu “Nhạc công và âm nhạc cổ truyền Việt Nam”; trưng bày “Ký ức 22 Hàng Buồm” và “Ký ức sông Tô”... Trong dịp này, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội còn tổ chức không gian sắp đặt các hiện vật thời bao cấp, tái hiện một thời kỳ khó khăn nhưng đáng nhớ của người Hà Nội. Sự “hồi sinh” này hấp dẫn người dân, du khách tham quan nhộn nhịp hơn hẳn xưa kia.

Một số địa chỉ như di tích Nhà tù Hỏa Lò với việc tiếp tục các chương trình trải nghiệm di sản như “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”, “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa”. Ấn tượng là hai chương trình đã kín chỗ đặt trước đến giữa tháng 5/2022.

Sự kiện khởi động tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây tối 30/4 cũng hấp dẫn hàng ngàn du khách và người dân xứ Đoài và đông đảo tham gia. Sự khởi động của tuyến phố cũng khẳng định không chỉ hồi sinh và các hoạt động văn hoá, du lịch đang trên đà phát triển mạnh.

Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” dự kiến sẽ là điểm đến hút khách                                    dịp SEA Games 	Ảnh: MTTour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” dự kiến sẽ là điểm đến hút khách dịp SEA Games  Ảnh: MT

Tận dụng triệt để cơ hội từ SEA Games 31

Theo công ty Lữ hành Hanoitourist, nhằm thu hút du khách tới Hà Nội trong thời gian diễn ra SEA Games 31, Công ty đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử, Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò và các quận, huyện xây dựng tour du lịch như “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”; chương trình city tour thăm những điểm tham quan nổi tiếng trong trung tâm thành phố; các tour du lịch văn hóa, lịch sử, tham quan chùa Hương, Vườn quốc gia Ba Vì, làng cổ Đường Lâm...

Tận dụng cơ hội này, Sở Du lịch Hà Nội cũng tiến hành thiết kế và xuất bản các tài liệu liên quan đến SEA Games 31 như bản đồ du lịch Hà Nội, sách giới thiệu “Hà Nội điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn”... Đặc biệt, ngành Du lịch Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, điểm đến, sản phẩm du lịch trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế, thông qua chương trình FM du lịch Hà Nội, các website, nền tảng mạng xã hội YouTube, Facebook...

Được đánh giá đây là cơ hội không thể tốt hơn để Việt Nam khôi phục du lịch sau quyết định mở cửa ngày 15/3, các hoạt động, hành trình tại các di tích, điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò trong thời điểm này đều được thiết kế gắn với SEA Games 31. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh giới thiệu hệ thống trưng bày, hiện vật giá trị tại bảo tàng tới du khách qua ứng dụng iMuseum VFA. Phố cổ Hà Nội - điểm đến được fanpage chính thức SEA Games 31 giới thiệu sẽ là điểm nhấn với nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của Thủ đô để các vận động viên, du khách quốc tế biết đến, tìm hiểu.

Bên cạnh đó, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cũng chủ động phối hợp các cơ quan quản lý điểm đến văn hoá điều chỉnh các tour cho phù hợp nhu cầu của khách, nhất là các sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề, trải nghiệm du lịch xanh bằng xe đạp thăm các di tích và ngoại thành Hà Nội, tham quan chùa Hương, Vườn quốc gia Ba Vì, làng cổ Đường Lâm. Dịp này, Hà Nội còn tổ chức chuỗi sự kiện du lịch đặc sắc, hấp dẫn như: Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội; Lễ hội Du lịch Hà Nội; Liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội… nhằm giới thiệu, quảng bá đến các đoàn vận động viên, các cổ động viên và đặc biệt là các phóng viên quốc tế về văn hóa, tiềm năng kinh tế, du lịch và mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước trong khu vực và thế giới.

MỘC THANH

Tin cùng chuyên mục