Bảo tồn cốt cách người Tràng An

Chia sẻ

Nhiều năm qua, học sinh Hà Nội đã rất quen thuộc với những tiết học về nếp sống văn minh, thanh lịch của người Tràng An đầy thú vị được đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến thông qua giáo dục là hướng đi đúng.
 
Bảo tồn cốt cách người Tràng An - ảnh 1
Những nét đẹp văn minh thanh lịch của người Hà Nội
sẽ được các HS lưu giữ, bảo tồn
 
Học ăn, học nói, học gói, học mở
Hôm nay, các HS lớp 12 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội học môn Lịch sử, bài về cách ăn, mặc của người Việt. Cô giáo Nguyễn Thị Lượng bắt đầu bài giảng bằng việc cho các HS xem những bức tranh phụ nữ Hà Nội xưa mặc yếm đào. Rồi cô nhẹ nhàng: “Chiếc yếm giúp người con gái che chắn bầu ngực, chỉ để hở chiếc cổ kiêu sa và bờ vai trắng, trông hấp dẫn mà vẫn kín đáo. Vậy các con đừng hiểu nhầm mặc phải… hở hết, khoe hết cơ thể mới là đẹp, là gợi cảm”. Giảng về cách giao tiếp, cô Lượng lại nói: “Người Hà Nội nói năng nhẹ nhàng, dễ nghe, không vừa ăn vừa nói, không văng tục chửi bậy”.
 
Lồng ghép nội dung về nếp sống văn minh thanh lịch trong các bài giảng, môn học đã trở thành công việc “tay quen” của các thầy cô giáo trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhiều năm qua. Nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng, không chỉ qua Lịch sử, Ngữ văn, mà ngay cả với môn Khoa học tự nhiên như Hóa học, Toán… tưởng chừng không liên quan đến “văn minh thanh lịch” cũng có thể “dạy HS sống đẹp”. Thầy Đàm Thế Phong dạy môn Toán, khi dạy về xác suất, thống kê đã tranh thủ ‘lồng ghép”: “Xác xuất nghĩa là ít nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Chẳng hạn khi đi trên đường, chỉ một lần vi phạm luật giao thông, các con cũng có thể xác suất gặp chuyện không may. Lúc đó, các con không chỉ thiệt thân mà còn làm khổ cả người tham gia giao thông  khác, rồi gia đình, bạn bè, thầy cô. Vì thế, các con hãy luôn tuân thủ pháp luật.”
 
Tương tự như vậy, tại trường tiểu học Thanh Xuân Trung, các HS của trường đã được học về nếp sống văn minh thanh lịch thông qua các chuyên đề. Ngoài ra, thầy cô giáo còn tiếp tục tích hợp nội dung này vào các môn học, các giờ sinh hoạt tập thể trong suốt năm học. Các thầy cô dạy HS từ những bài nhỏ nhất như cách chào hỏi lễ phép biết, không xả rác bừa bãi, không hái cây bẻ cành… để chứng tỏ mình là người Hà Nội thanh lịch. Ở trường tiểu học Phan Đình Giót, khi dạy về Lịch sử, các cô giáo lại lồng ghép, khéo léo nhắc HS phải biết tôn trọng bảo vệ các di tích lịch sử.

Học sinh Hà Nội học nếp sống người Tràng an
Chủ trương giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch trong các trường phổ thông ở Hà Nội đã được tiến hành trong nhiều năm qua với mục đích khơi dậy niềm tự hào, kế thừa những nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội trong học sinh. Ngay từ năm 2010, Sở GD và ÐT Hà Nội đã cùng Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức biên soạn bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống văn minh - thanh lịch” cho học sinh Hà Nội. Bộ tài liệu chia thành các chuyên đề, hướng dẫn HS về nhiều nội dung như ăn, mặc, nghe, nói...; giao tiếp và ứng xử văn minh - thanh lịch giữa người với người và với thiên nhiên môi trường. Càng ở cấp học cao thì các nội dung về nếp sống văn minh thanh lịch sẽ được đề cập ở mức độ cao hơn, rộng hơn. Thông qua đây, các nhà giáo dục mong rằng, những nét đẹp truyền thống của người Hà Nội sẽ được các HS lưu giữ, bảo tồn.
 
Trong quá trình giảng dạy, các cô giáo cũng nhận được không ít phản biện của HS. Đó là khi các em chất vấn thầy cô về hiện tượng diễn viên mặc hở hang trái với lời cô giáo về cách ăn mặc phải kín đáo, nền nã. Các em cũng nói về hiện tượng người lớn còn vi phạm luật giao thông, chửi bậy, xả rác bừa bãi. Lúc đó, cô Lượng lại giải thích với HS rằng: “Sự nổi tiếng phải được tạo dựng bằng năng lực thật. Còn nổi tiếng bằng việc khoe thân chỉ nhất thời, rồi cũng bị quên lãng”. Thầy Phong cũng thừa nhận, đôi khi những bài giảng về nếp sống văn minh, thanh lịch với HS không trùng khớp với những gì các con chứng kiến ngoài cuộc sống. Nhưng, không thể vì thấy người sai mà mình cũng sai. Nếu từng người luôn cố gắng sống đẹp, văn minh, thanh lịch nghĩa là đang đóng góp điều tốt đẹp cho xã hội.
 
Điều các thầy cô giáo hạnh phúc nhất là khi bài giảng của mình đang ngấm vào các HS, từng chút, từng chút một. Đó là khi các HS nhặt được của rơi biết đem vào gửi bảo vệ để trả cho người bị mất, biết xấu hổ để không xả rác bừa bãi, biết tiết kiệm điện, nước, biết lễ phép chào hỏi người lớn tuổi. “Dạy về nếp sống văn minh thanh lịch của người Hà Nội không có nghĩa là chúng ta khẳng định nếp sống này đang bị mất đi. Hôm nay chúng ta dạy cho HS nếp sống văn minh thanh lịch thì chắc chắn lớn lên các em sẽ là công dân tốt. Ngoài ra, để việc giảng dạy hiệu quả, mỗi thầy cô giáo cũng phải là tấm gương trước. Vì thế, một góc độ nào đó, dạy nếp sống văn minh thanh lịch cũng góp phần làm trong sạch môi trường sư phạm” - cô Lượng cho biết.
Quang Anh

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 2/5 diễn ra Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng

Từ ngày 2/5 diễn ra Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng

(PNTĐ) - Tiếp nối hành công của những mùa giải trước, năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng với Liên đoàn Vật Việt Nam, UBND thị xã Sơn Tây tiếp tục tổ chức Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng lần thứ III năm 2024. Thời gian tổ chức giải từ ngày 2 - 6/5/2024.
Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage tại Hà Nội

Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage tại Hà Nội

(PNTĐ) - Sáng 26/4, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Ngày 11/5 khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ – Hải Phòng 2024

Ngày 11/5 khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ – Hải Phòng 2024

(PNTĐ) - Lễ hội Hoa Phượng Đỏ  2024 với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” sẽ được khái mạc vào lúc 20 giờ ngày 11/5/2024 . Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, tiếp sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng và một số Đài truyền hình các tỉnh, thành phố bạn.