Bảo tồn cốt cách người Tràng An

Chia sẻ

Nhiều năm qua, học sinh Hà Nội đã rất quen thuộc với những tiết học về nếp sống văn minh, thanh lịch của người Tràng An đầy thú vị được đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến thông qua giáo dục là hướng đi đúng.
 
Bảo tồn cốt cách người Tràng An - ảnh 1
Những nét đẹp văn minh thanh lịch của người Hà Nội
sẽ được các HS lưu giữ, bảo tồn
 
Học ăn, học nói, học gói, học mở
Hôm nay, các HS lớp 12 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội học môn Lịch sử, bài về cách ăn, mặc của người Việt. Cô giáo Nguyễn Thị Lượng bắt đầu bài giảng bằng việc cho các HS xem những bức tranh phụ nữ Hà Nội xưa mặc yếm đào. Rồi cô nhẹ nhàng: “Chiếc yếm giúp người con gái che chắn bầu ngực, chỉ để hở chiếc cổ kiêu sa và bờ vai trắng, trông hấp dẫn mà vẫn kín đáo. Vậy các con đừng hiểu nhầm mặc phải… hở hết, khoe hết cơ thể mới là đẹp, là gợi cảm”. Giảng về cách giao tiếp, cô Lượng lại nói: “Người Hà Nội nói năng nhẹ nhàng, dễ nghe, không vừa ăn vừa nói, không văng tục chửi bậy”.
 
Lồng ghép nội dung về nếp sống văn minh thanh lịch trong các bài giảng, môn học đã trở thành công việc “tay quen” của các thầy cô giáo trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhiều năm qua. Nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng, không chỉ qua Lịch sử, Ngữ văn, mà ngay cả với môn Khoa học tự nhiên như Hóa học, Toán… tưởng chừng không liên quan đến “văn minh thanh lịch” cũng có thể “dạy HS sống đẹp”. Thầy Đàm Thế Phong dạy môn Toán, khi dạy về xác suất, thống kê đã tranh thủ ‘lồng ghép”: “Xác xuất nghĩa là ít nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Chẳng hạn khi đi trên đường, chỉ một lần vi phạm luật giao thông, các con cũng có thể xác suất gặp chuyện không may. Lúc đó, các con không chỉ thiệt thân mà còn làm khổ cả người tham gia giao thông  khác, rồi gia đình, bạn bè, thầy cô. Vì thế, các con hãy luôn tuân thủ pháp luật.”
 
Tương tự như vậy, tại trường tiểu học Thanh Xuân Trung, các HS của trường đã được học về nếp sống văn minh thanh lịch thông qua các chuyên đề. Ngoài ra, thầy cô giáo còn tiếp tục tích hợp nội dung này vào các môn học, các giờ sinh hoạt tập thể trong suốt năm học. Các thầy cô dạy HS từ những bài nhỏ nhất như cách chào hỏi lễ phép biết, không xả rác bừa bãi, không hái cây bẻ cành… để chứng tỏ mình là người Hà Nội thanh lịch. Ở trường tiểu học Phan Đình Giót, khi dạy về Lịch sử, các cô giáo lại lồng ghép, khéo léo nhắc HS phải biết tôn trọng bảo vệ các di tích lịch sử.

Học sinh Hà Nội học nếp sống người Tràng an
Chủ trương giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch trong các trường phổ thông ở Hà Nội đã được tiến hành trong nhiều năm qua với mục đích khơi dậy niềm tự hào, kế thừa những nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội trong học sinh. Ngay từ năm 2010, Sở GD và ÐT Hà Nội đã cùng Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức biên soạn bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống văn minh - thanh lịch” cho học sinh Hà Nội. Bộ tài liệu chia thành các chuyên đề, hướng dẫn HS về nhiều nội dung như ăn, mặc, nghe, nói...; giao tiếp và ứng xử văn minh - thanh lịch giữa người với người và với thiên nhiên môi trường. Càng ở cấp học cao thì các nội dung về nếp sống văn minh thanh lịch sẽ được đề cập ở mức độ cao hơn, rộng hơn. Thông qua đây, các nhà giáo dục mong rằng, những nét đẹp truyền thống của người Hà Nội sẽ được các HS lưu giữ, bảo tồn.
 
Trong quá trình giảng dạy, các cô giáo cũng nhận được không ít phản biện của HS. Đó là khi các em chất vấn thầy cô về hiện tượng diễn viên mặc hở hang trái với lời cô giáo về cách ăn mặc phải kín đáo, nền nã. Các em cũng nói về hiện tượng người lớn còn vi phạm luật giao thông, chửi bậy, xả rác bừa bãi. Lúc đó, cô Lượng lại giải thích với HS rằng: “Sự nổi tiếng phải được tạo dựng bằng năng lực thật. Còn nổi tiếng bằng việc khoe thân chỉ nhất thời, rồi cũng bị quên lãng”. Thầy Phong cũng thừa nhận, đôi khi những bài giảng về nếp sống văn minh, thanh lịch với HS không trùng khớp với những gì các con chứng kiến ngoài cuộc sống. Nhưng, không thể vì thấy người sai mà mình cũng sai. Nếu từng người luôn cố gắng sống đẹp, văn minh, thanh lịch nghĩa là đang đóng góp điều tốt đẹp cho xã hội.
 
Điều các thầy cô giáo hạnh phúc nhất là khi bài giảng của mình đang ngấm vào các HS, từng chút, từng chút một. Đó là khi các HS nhặt được của rơi biết đem vào gửi bảo vệ để trả cho người bị mất, biết xấu hổ để không xả rác bừa bãi, biết tiết kiệm điện, nước, biết lễ phép chào hỏi người lớn tuổi. “Dạy về nếp sống văn minh thanh lịch của người Hà Nội không có nghĩa là chúng ta khẳng định nếp sống này đang bị mất đi. Hôm nay chúng ta dạy cho HS nếp sống văn minh thanh lịch thì chắc chắn lớn lên các em sẽ là công dân tốt. Ngoài ra, để việc giảng dạy hiệu quả, mỗi thầy cô giáo cũng phải là tấm gương trước. Vì thế, một góc độ nào đó, dạy nếp sống văn minh thanh lịch cũng góp phần làm trong sạch môi trường sư phạm” - cô Lượng cho biết.
Quang Anh

Tin cùng chuyên mục

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.
Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…
Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.