Bỏ lại những dự định còn dang dở

Chia sẻ

Ngày 19/9, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư tụy. Nhạc sĩ “Về quê” đã không kịp giữ lời hẹn với khán giả về sự trở lại của mình và bỏ lại những dự định còn dang dở…

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (bìa phải) cùng các thành viên của Bộ tứ sông Hồng.Nhạc sĩ Phó Đức Phương (bìa phải) cùng các thành viên của Bộ tứ sông Hồng. (Ảnh: Tư liệu)

Nhạc sĩ đa tài, yêu quê hương tha thiết

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 tại Hưng Yên, tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng: Chảy đi sông ơi, Con sông tuổi thơ, Dòng sông ký ức, Về quê, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh Phù Vân... Ông là một trong những nhạc sĩ lớn đã tạo nên dòng chảy âm nhạc dân gian đương đại tại Việt Nam, được nhiều thế hệ nhạc sĩ sau này tiếp nối. Đồng thời, âm nhạc của Phó Đức Phương cùng với các nhạc sĩ khác trong Bộ tứ sông Hồng (gồm Phó Đức Phương, Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường) góp phần tạo nên làn sóng nhạc nhẹ thời kỳ đổi mới, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của nhạc nhẹ Việt Nam sau này.

Tác giả Trên đỉnh Phù Vân sinh ra trong một gia đình cách mạng nổi tiếng, là cháu của chí sĩ Phó Đức Chính. Xuất phát điểm là sinh viên khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hết năm thứ ba đại học, Phó Đức Phương bỏ dở để dấn thân vào thực tế cuộc sống ở nông trường Cửu Long (Hòa Bình) với mong muốn trở thành một nhạc sĩ nắm bắt được thời cuộc, cảm nhận được hơi thở từng ngày của quê hương, đất nước. 1 năm sau đó đủ điều kiện, ông nộp đơn vào trường nhạc. Khi vừa ra trường, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đắt đơn đặt hàng sáng tác của các đoàn kịch, ca múa nhạc, sau này là các địa phương, ngành nghề. Ông quan niệm, không quan trọng là người nhạc sĩ sáng tác cho mình hay theo đơn đặt hàng, mà quan trọng là họ đủ bản lĩnh và nội lực để giữ được chất riêng của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận xét: “Phó Đức Phương là một nhạc sĩ tài ba, người góp phần tạo diện mạo cho nền âm nhạc đại chúng mang đậm chất Việt. Một nhạc sĩ yêu quê hương Việt Nam, yêu vùng quê đồng bằng Bắc bộ và yêu quê ngoại Kinh Bắc trong từng nốt nhạc, lời ca”.

Nhắc tới Phó Đức Phương, giới nghệ sĩ sẽ khó có thể quên người nhạc sĩ luôn luôn trăn trở về bản quyền âm nhạc. Ông là người sáng lập và giữ vị trí Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2018. “Có thể nói anh đã “sống chết” với cuộc chiến bản quyền để các nhạc sĩ trên cả nước có được sự tôn trọng nhất định cả về vật chất và tinh thần, có một Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc có vị thế như hôm nay. Tôi nghĩ, cần phải có người cầm cờ như vậy để mang lại quyền lợi chính đáng cho người sáng tác và nhạc sĩ Phó Đức Phương có sự hy sinh rất lớn cho việc này” - nhạc sĩ Quỳnh Hợp khẳng định.

“Khúc hát phiêu ly” và những lời hẹn còn dang dở

Nhạc sĩ Phó Đức Phương phát hiện mắc ung thư tụy đầu năm 2020. Vào tháng 7 vừa qua, đêm nhạc Khúc hát phiêu ly đã diễn ra tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) như một món quà tiếp thêm sức mạnh để nhạc sĩ vượt qua cơn bạo bệnh, cũng như để tôn vinh những giá trị âm nhạc của một trong những “cây đại thụ” của nền âm nhạc đương đại Việt Nam.

Nhạc sĩ Về quê giữ một niềm tin mãnh liệt rằng mình phải sống để tiếp tục sáng tác: “Tớ chưa thể đi đâu được, vì tớ phải hoàn thành sứ mệnh theo lệnh của bề trên”. Sứ mệnh đó của nhạc sĩ Phó Đức Phương, đó là một vệt những tác phẩm âm nhạc vô cùng quan trọng, viết về những bậc thánh nhân, tiền nhân, tiên tổ để đền ơn, đáp nghĩa.

Từ 2018 đến nay, ông đã từng viết Nu na nu nống, Chi chi chành chành, Hoa Lư Đại trận tập (về Đinh Bộ Lĩnh), Lời thề sông Hóa (về Trần Hưng Đạo) và Mênh mang một khúc sông Hồng, lấy cảm hứng từ dòng sông gắn với nguyên quán ông ở Văn Giang, Hưng Yên… Ông còn dự định viết về anh linh của các bậc Thánh nhân trong lịch sử Việt Nam như: Quang Trung, Lý Thường Kiệt...

Vậy là, ông đã ra đi khi chưa kịp thực hiện lời hẹn của mình, lời hẹn sẽ trở lại, lời hẹn sẽ tiếp tục sáng tác… Với hơn 50 năm tận hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, sự ra đi của ông khiến đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp xót xa. Phó Đức Phương là vậy, luôn lạc quan, khát khao sáng tạo không ngừng nghỉ, cho tới những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

NGUYÊN VŨ

Tin cùng chuyên mục

Độc đáo Triển lãm trực tuyến giới thiệu bộ sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Độc đáo Triển lãm trực tuyến giới thiệu bộ sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), Nhà xuất bản Kim Đồng đã phát hành bộ sách gồm 17 cuốn sách viết về Điện Biên Phủ với nhiều thể loại của nhiều tác giả nổi tiếng. Trong đó, đáng chú ý là cuốn sách “Kí họa trong chiến hào” của họa sĩ Phạm Thanh Tâm.
Người dân háo hức xem lễ diễu binh diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người dân háo hức xem lễ diễu binh diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Ngay từ sáng sớm sáng 7/5, đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên và nhiều địa phương trong cả nước đã đến Sân vận động thành phố Điện Biên cùng theo dõi Lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và dành những tình cảm hướng về mảnh đất Điện Biên lịch sử.
 “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - Những khoảnh khắc hùng tráng của lịch sử dân tộc

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - Những khoảnh khắc hùng tráng của lịch sử dân tộc

(PNTĐ) - Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”, tạo nên một dòng chảy nghệ thuật vừa hào hùng, vừa sâu lắng, hồi tưởng về những khoảnh khắc hùng tráng đã khắc sâu trong lịch sử dân tộc 70 năm về trước.