Bốn văn nữ tuổi sửu U80 không ngừng viết
Sinh ngày 6/2/1949, tại quê ngoại Lan Châu, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, Lê Minh Khuê thuộc số ít các nhà văn trụ hạng được với chỉ một thể loại trong nghiệp văn: truyện ngắn.
Nhà văn Lê Minh Khuê
Sinh ngày 6/2/1949, tại quê ngoại Lan Châu, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, Lê Minh Khuê thuộc số ít các nhà văn trụ hạng được với chỉ một thể loại trong nghiệp văn: truyện ngắn. Tính đến 2020, chị đã xuất bản 12 tập truyện ngắn. Nhà văn đã nhận nhiều giải thưởng văn học cao quý: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1987, 2001, 2016), Giải thưởng văn học mang tên nhà văn Byeong-ju Lee của Hàn Quốc (2008), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2012), Giải thưởng văn học Đông Nam Á (2019). Lê Minh Khuê cũng thuộc số ít các nhà văn Việt Nam thời hiện đại có tác phẩm được dịch và giới thiệu nhiều ở nước ngoài (Mỹ, Đức, Thụy Điển, Italia, Hàn Quốc).
Lê Minh Khuê thuộc kiểu nhà văn “chầm chậm tới mình”, lúc nào cũng bình tĩnh, tự tại. Gặp Lê Minh Khuê là gặp nụ cười trên gương mặt sáng, hồn hậu, xởi lởi trời cho. Con người trông bề ngoài có vẻ cũ càng này đã đi tới nhiều nước ở Á, Âu, Mỹ, đã sống trong những đồng hồ sinh học khác nhau, nhưng cái cốt cách Việt thâm trầm, giản dị, khoan hòa, lạc quan luôn luôn được ủ ấp, gìn giữ. Cũng đôi lúc chị viết về cái xấu, cái ác (đến mức đốn mạt như trong những thiên truyện Bi kịch nhỏ, Đồng đô-la vĩ đại, Anh lính Tony D, Nhiệt đới gió mùa,...), nhưng tôi biết khi đó nhà văn cố giấu những giọt nước mắt chát đắng trước nỗi thống khổ của đồng loại. Chưa một lần nhà văn hạ thấp con người, mất niềm tin vào nó dẫu cho cuộc đời đôi khi cũng mấp mé khốn cùng.
Năm 1987, trong một bài viết Sức bền của ngòi bút (nhân dịp nhà văn nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Một chiều xa thành phố), tôi đã đón trước được nội lực và khả năng vượt gộp của nhà văn cầm tinh con... trâu này. Tuy nhiên phải kể lại chi tiết này: Người biên tập trang Lý luận phê bình văn học báo Văn nghệ lúc đó sửa tít thành “Để có sức bền ngòi bút” (với ý là còn phải chờ đợi và thử thách dài dài). Nay, sau 33 năm tôi thấy mình đúng.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
Nhà thơ Lâm thị Mỹ Dạ (sinh ngày 18/9/1949), quê Lệ Thủy, Quảng Bình, nổi tiếng với bài thơ Khoảng trời, hố bom. Thơ viết về hy sinh mất mát của những người trẻ tuổi vì chính nghĩa và sự nghiệp lớn của dân tộc trong thời đại cách mạng và chiến tranh không ít. Nhưng Khoảng trời, hố bom vẫn đọng lại trong tâm trí người đọc thơ nhiều hơn, lâu bền hơn. Nó trở thành ký ức lương thiện. Vì người hy sinh là một cô gái TNXP. Vì tư thế hy sinh cũng hết sức đặc biệt khi lấy thân mình làm mục tiêu nhử máy bay thù, nhận lấy cái chết về mình để đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Sự hy sinh của cô gái TNXP trong bài thơ này có cái tứ “hy sinh lớn cũng là hạnh phúc” gần gũi với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã viết thành công trong bài thơ Nấm mộ và cây trầm.
Khi sống trong điều kiện bình thường, hòa bình thì con người lại có mục đích khác, làm cách nào để “tôi về với tôi”. Lâm Thị Mỹ Dạ biểu hiện chân thành cái tôi trữ tình trong thơ thời hậu chiến. Đó là khát vọng được thành thực. Khát vọng trở về với bản ngã của mỗi cá nhân.
Lâm Thị Mỹ Dạ là một cá tính độc đáo sống ở đời cũng như trong thơ lúc nào cũng là hai đối cực: già dặn và thơ ngây, cả tin và hoang mang giữa nhân tình thế thái; trong thơ thì đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ và đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đong đầy hoài niệm: “Có nghe tròn cơn gió/ Hương của mùa xuân nào/Có nghe thời tuổi dại/ Nói cười trong chiêm bao/ Có nghe ngoài cửa sổ/ hồn mùa đi qua chiều/ Có nghe lòng mẹ hát/ Biết bao lời thương yêu/ Này con còn thơ ngây/ Hồn đầy hoa cúc dại/ Mẹ ước chi mỗi ngày/ Được gần bên con mãi” (Hồn đầy hoa cúc dại).
Bốn văn nữ tuổi Kỷ Sửu (sinh 1949): nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ , nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà, nhà thơ Lê Thị Mây.
Nhà thơ Lê Thị Mây
Nhà thơ Lê Thị Mây sinh ngày 4/2/1949, nguyên quán thôn An Mô, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị, đã xuất bản 20 tác phẩm (thơ, trường ca, văn xuôi), và nhận nhiều giải thưởng văn chương: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1990 cho tập thơ “Tặng riêng một người”, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2017. Trước lúc nghỉ hưu, chị từng giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban tuyên giáo Trung ương.
Câu “văn là người” tôi nghĩ rất sát hợp với Lê Thị Mây. Thơ Lê Thị Mây có thể xếp vào “bè trầm”. Riêng tôi thích cái cách Lê Thị Mây viết về khả năng tự thuần hóa những nỗi đau buồn thầm kín của người phụ nữ trong chiến tranh. “Những mùa trăng mong chờ” làm bật lên cái chất vừa kiêu hãnh vừa nhẫn nhịn của người phụ nữ thời bom rơi đạn nổ, nhưng vẫn dịu dàng đắm đuối với đời, với người.
Thơ Lê Thị Mây là thế, bề ngoài cứng cỏi nhưng bên trong dịu dàng không thể nào dịu dàng hơn. Có cảm giác đôi khi nhà thơ cố nói to lên để che giấu những nỗi niềm gan ruột. Thơ Lê Thị Mây cũng trĩu đầy ký ức – một ký ức lương thiện, tươi nguyên vẻ đẹp mà thế hệ mình chắt chiu gìn giữ.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà sinh ngày 25/8/1949, tại làng Ngọc Hà, thành phố Hà Nội. Chị đã xuất bản 6 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết, 1 tập tản văn và nhận một số giải thưởng văn, thơ cho các tác phẩm của mình. Ít người biết, Nguyễn Thị Ngọc Hà khi cầm cọ là một họa sỹ không chuyên nhưng đã vẽ thì cũng đáng trầm trồ. Chị vẽ hoa, nhất là hoa sen khiến ai một lần thưởng ngoạn sẽ bị hút hồn.
Trong một bài viết nhan đề “Giữa đôi bờ văn thơ” về Nguyễn Thị Ngọc Hà, tôi đinh ninh rằng chị chia đều cảm xúc của mình cho hai thể loại đều khó viết hay. Nhưng người đọc đã công bằng khi cùng lúc thích đọc cả thơ, cả văn của chị. Nguyễn Thị Ngọc Hà có tập truyện ngắn “Đầm Ma” được dùng đặt tên cho tập truyện ngắn cùng tên đã được chọn dịch sang tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ theo chủ đề “hậu quả Dioxin”. Một lời tố cáo chiến tranh bằng hình tượng nghệ thuật. Những người vô tội đã nhận hậu quả tàn khốc của chất độc da cam do Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam trước 1975 khiến cuộc sống của họ trở nên vô cùng đau thương kéo dài suốt cả đời làm người.
Nguyễn Thị Ngọc Hà là nhà văn “2 trong 1”. Nếu văn của chị thẩm thấu vào đời sống trong tính phức tạp của nó thì thơ lại bay lên theo một động hướng tinh thần “Ngả vào giữa nguyên khôi” (nhan đề một tập thơ của chị). Ai đó nói thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà “hướng nội” mạnh mẽ, cũng đúng, hay ai nói thơ chị nhịp nhàng cả “hướng nội” cả “hướng ngoại”, lại càng đúng.
Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG