Bức thiết vấn đề bảo tồn Khu di chỉ Vườn Chuối

Chia sẻ

PNTĐ-Vấn đề bảo tồn đang trở nên bức thiết khi Khu di chỉ Vườn Chuối nằm trong diện tích đất được giao xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch.

 
Vấn đề bảo tồn đang trở nên bức thiết khi Khu di chỉ Vườn Chuối nằm trong diện tích đất được giao xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Đó cũng là lý do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối vừa qua.
 
Bức thiết vấn đề bảo tồn Khu di chỉ Vườn Chuối  - ảnh 1
Khu di chỉ Vườn Chuối

 
Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối nằm trên cánh đồng thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, có diện tích 19.000m2. Di chỉ này nằm liền kề với một số di tích khác như gò Chùa Gio, gò Chiền Vậy, gò Rền Rắn... Các nhà khoa học khẳng định, đây là di chỉ có giá trị quý bởi di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối có niên đại kéo dài hơn 1.000 năm lịch sử, từ giai đoạn cuối của văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn.
 
Mặc dù được phát hiện từ năm 1969, nhưng mãi đến năm 2007, những cuộc khảo cổ Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đầu tiên mới được thực hiện từ công trình của khoa Lịch sử, trường đại học KHXH&NV Hà Nội. Tính đến nay, di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đã trải qua 8 lần khai quật với diện tích 800m2.
 
Trong quá trình khai quật, các nhà khoa học phát hiện tồn tại ít nhất ba tầng văn hóa từ Đồng Đậu đến Đông Sơn. Các dấu tích như hố đất đen, cụm gốm, mặt bằng gốm đất nện, mộ táng... cùng các di vật với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau cho thấy giá trị rất lớn của di chỉ này. 
Nhiều người đặt câu hỏi, từ khi được phát hiện đến nay là cả một khoảng thời gian dài nhưng cơ quan chức năng chưa có động thái trong việc bảo tồn Khu di chỉ Vườn Chuối. Các nhà khoa học đã đề nghị các cơ quan chức năng bảo tồn nhưng sự việc vẫn “rơi” vào im lặng.
 
Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Không chỉ các nhà khoa học, mà chính quyền địa phương xã Kim Chung, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc đều thống nhất phải có những biện pháp giữ gìn di sản.
 
Việc gìn giữ những di vật được khảo cổ tại khu di chỉ Vườn Chuối được các nhà khoa học đồng thuận theo giải pháp của Hà Nội, đó là đưa về Bảo tàng Hà Nội. Tuy nhiên, tiếp tục khai quật khảo cổ và bảo vệ di chỉ này như thế nào là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh đô thị hóa đang đe dọa xóa sổ khu di chỉ Vườn Chuối và nạn trộm cắp cổ vật đang hoành hành ở đây.
 
Về quản lý đất đai, hiện nay, di chỉ Vườn Chuối đang thuộc Chủ đầu tư dự án Thăng Long 9. Toàn bộ diện tích 19.000m2 của di chỉ Vườn Chuối nằm trong tổng thể 170,29ha để xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch thuộc dự án Thăng Long 9. Từ năm 2007 đến nay, phần diện tích này gần như để không, phía chủ đầu tư mới xây dựng một trạm trộn bê tông và từng bị người dân ở đây phản đối khi có động thái sử dụng máy ủi xâm hại di tích. Hiện nay, đơn vị này đang phải điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể để phù hợp với yêu cầu phát triển của Hà Nội.
 
Và như vậy, “số phận” của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đang phụ thuộc nhiều vào việc triển khai xây dựng của chủ đầu tư Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch và việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết sắp được trình thành phố Hà Nội phê duyệt. Các nhà khoa học đều đồng thuận trong bảo tồn di tích Vườn Chuối, tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư của công trình khu đô thị Kim Chung- Di Trạch không có mặt trong buổi tọa đàm, điều này sẽ dễ gây khó khăn cho những việc khai quật cũng như bảo vệ di chỉ này về sau. 
 
Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp thu ý kiến của buổi tọa đàm, điều chỉnh quy hoạch chi tiết của khu vực này, yêu cầu chủ đầu tư dành một phần diện tích để bảo tồn. Bên cạnh đó, Sở VH&TT sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP, Bộ VHTT&DL công nhận xếp hạng di tích; đồng thời xin ý kiến lãnh đạo TP để có thể thăm dò khảo sát tổng thể 19.000m2 di tích, trên cơ sở đánh giá giá trị để đề xuất kế hoạch tiếp theo.
 
Nguyên Vũ

Tin cùng chuyên mục

Độc đáo Triển lãm trực tuyến giới thiệu bộ sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Độc đáo Triển lãm trực tuyến giới thiệu bộ sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), Nhà xuất bản Kim Đồng đã phát hành bộ sách gồm 17 cuốn sách viết về Điện Biên Phủ với nhiều thể loại của nhiều tác giả nổi tiếng. Trong đó, đáng chú ý là cuốn sách “Kí họa trong chiến hào” của họa sĩ Phạm Thanh Tâm.
Người dân háo hức xem lễ diễu binh diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người dân háo hức xem lễ diễu binh diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Ngay từ sáng sớm sáng 7/5, đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên và nhiều địa phương trong cả nước đã đến Sân vận động thành phố Điện Biên cùng theo dõi Lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và dành những tình cảm hướng về mảnh đất Điện Biên lịch sử.
 “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - Những khoảnh khắc hùng tráng của lịch sử dân tộc

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - Những khoảnh khắc hùng tráng của lịch sử dân tộc

(PNTĐ) - Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”, tạo nên một dòng chảy nghệ thuật vừa hào hùng, vừa sâu lắng, hồi tưởng về những khoảnh khắc hùng tráng đã khắc sâu trong lịch sử dân tộc 70 năm về trước.