Cặp đôi mang áo dài Việt Nam ra thế giới

TRUNG THU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Với tình yêu mãnh liệt với trang phục áo dài dân tộc cùng mong muốn lan tỏa vẻ đẹp áo dài, bạn trẻ Nguyễn Thị Thúy Quỳnh đã cùng chồng là Hoàng Thanh Tùng thực hiện bộ ảnh “Áo dài 100”- chụp 100 bộ ảnh trong trang phục áo dài tại 100 điểm đến nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Đến nay, cặp đôi đã hoàn thành được 54 bộ ảnh tuyệt vời như thế.

Cặp đôi mang áo dài Việt Nam ra thế giới - ảnh 1
Cầu Tháp và Tòa Thị chính tại London, Anh Quốc. Ảnh: NVCC
Cặp đôi mang áo dài Việt Nam ra thế giới - ảnh 2
Hai vợ chồng Quỳnh-Tùng dự định trong vòng 10 năm sẽ hoàn thành bộ ảnh "Áo dài 100"
.

Thúy Quỳnh là nhân viên ngân hàng, còn chồng cô là kiến trúc sư. Cả hai đều đang sống tại Hà Nội. Trước khi kết hôn, Quỳnh lại chưa từng ra khỏi Việt Nam trong khi Tùng đã đặt chân tới nhiều quốc gia ở cả 5 châu lục. Thế giới ngoài kia, trong mắt Tùng thật rộng lớn và nhiều màu sắc, nhưng, sau đám cưới, Tùng thấy trải nghiệm của anh chỉ thực sự ý nghĩa khi bên anh có thêm người bạn đời. “Chúng tôi quan niệm cuộc sống hôn nhân không thể chỉ quanh quẩn với các nhu cầu vật chất hay lo toan tiền tài, danh vọng… Chúng tôi muốn cùng nhau khám phá thế giới bên ngoài và cả thế giới bên trong của mỗi người”- Tùng chia sẻ.

Một điểm chung của Quỳnh và chồng là yêu nhiếp ảnh, thích được chụp ảnh và cũng rất yêu áo dài. Cả hai thấy áo dài luôn là trang phục đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam. Nhắc đến áo dài là nhắc đến Việt Nam và ngược lại. Và thế là, hai vợ chồng đã cùng đưa ra ý tưởng và lên danh sách những đất nước mà mình yêu thích, từ đó lại lựa chọn những địa điểm tiêu biểu của các đất nước đó, có thể là nơi có thiên nhiên hùng vỹ, công trình nghệ thuật, văn hóa đặc trưng hay một công trình tôn giáo, lịch sử lâu đời để chụp bộ ảnh “Áo dài 100”. 

Đến nay, hai vợ chồng đã hoàn thành 53 bộ ảnh áo dài tại nhiều quốc gia ở 4 châu lục: Châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Dự tính trong vòng 10 năm kể từ bộ ảnh đầu tiên Quỳnh và Tùng sẽ hoàn thành 100 bộ ảnh theo danh sách đã lập. Trước mắt, cặp đôi dự tính sẽ thực hiện những chuyến đi xa và có nhiều khó khăn hơn như tới trại nền núi Everest và đất nước Nepal đậm văn hóa Phật giáo, hoặc tại Bắc Cực và Nam Cực - lục địa tận cùng của thế giới. Những hành trình thuận lợi hơn, vợ chồng Tùng để dành cho sau này khi cuộc sống có nhiều vướng bận hơn.

Bộ ảnh áo dài đầu tiên được vợ chồng Tùng thực hiện năm 2018 trong hành trình tới thăm Vatican. Lúc đó, Quỳnh vẫn còn chút bỡ ngỡ và hơi ngại ngần khi mặc áo dài ở một đất nước còn xa lạ, nhưng chính sự đón nhận của người dân địa phương đã cổ vũ cho hai vợ chồng. “Nhiều người dân, khách du lịch đã rất thích thú hỏi chúng em về nguồn gốc của áo dài. Và khi biết được đó là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, họ đều bày tỏ sự thán phục và cho biết nhất định sẽ đến với Việt Nam một ngày nào đó. Cũng có những người đã đến Việt Nam nên họ nhận ra ngay áo dài”- Quỳnh nhớ lại.

Gần đây nhất hai vợ chồng đã cùng áo dài đến với các vùng đất tại Palestine, vốn nổi tiếng là điểm nóng xung đột giữa Israel và Palestine. Trong khi thực hiện các bức ảnh áo dài trắng tại thành phố Bethlehem với bức tranh phản chiến “Chú chim bồ câu trắng ngậm cành olive” của nghệ sĩ nổi tiếng Banksy, một đoàn khách du lịch đến từ châu Âu đứng gần đó đã chạy đến và hỏi thăm, xin được chụp ảnh cùng. Họ bảo nhìn từ xa thấy trang phục áo dài trắng rất đẹp, giống như một chú chim bồ câu trắng, biểu tượng của hòa bình - sự mong mỏi của người dân Palestine tại Bethlehem. Họ còn trầm trồ và gọi áo dài với cái tên “Ambassador of Peace” - “Sứ giả của hòa bình”. Câu chuyện đó khiến hai vợ chồng cảm thấy rất tự hào vì ở một khía cạnh nào đó, hình ảnh Việt Nam đã được gắn với biểu tượng của hòa bình.

Quỳnh chia sẻ, tuy không phải bộ ảnh áo dài nào cũng được thực hiện một cách suôn sẻ, nhưng với sự giúp đỡ của mọi người, khó khăn cũng đều được vượt qua. Điển hình là hành trình hai vợ chồng đến với Machu Picchu, di tích kỳ quan thế giới mới tại Peru. Để đến được Machu Picchu, hai vợ chồng đã phải bay nửa vòng trái đất từ Việt Nam với 3 chặng chuyển tiếp mất 39 giờ, sau khi nghỉ ngơi 1 ngày rồi lại đối mặt với nguy cơ sốc độ cao khi phải bay thẳng từ Thủ đô Lima tới thành phố Cusco ở độ cao 3.600m so với mực nước biển, sau đó lại mất 2 giờ lái xe tới thị trấn Ollantaytambo để bắt tàu hỏa tới chân núi Machu Picchu. Từ chân núi hai vợ chồng tiếp tục bắt xe buýt mất 40 phút lên cổng vào di tích Machu Picchu lúc 6 giờ sáng với hy vọng thời điểm này sẽ vắng du khách để thuận lợi hơn trong việc thực hiện bộ ảnh áo dài. 

Cặp đôi mang áo dài Việt Nam ra thế giới - ảnh 3
Tác phẩm phản chiến “Chú bồ câu hòa bình” của nghệ sỹ nổi tiếng Banksy tại Bethlehem, Palestine. Ảnh: NVCC
Cặp đôi mang áo dài Việt Nam ra thế giới - ảnh 4
Áo dài Việt Nam có mặt tại nhà hát ballet quốc gia và tòa nhà Quốc hội tại La Habana,Cuba

Tuy nhiên, thật không may là hôm đó trời vô cùng mù sương và có mưa, toàn bộ di tích chìm trong sương mù. Thay vì bỏ cuộc, Quỳnh cùng chồng đã quyết định chờ bằng được cho tới khi có thể thực hiện bộ ảnh dù sẽ phải hủy vé tàu và tự tìm cách về thành phố Cusco. Mặc dù theo quy định của Ban quản lý di tích, du khách phải di chuyển liên tục, không được đứng chờ quá lâu ở một điểm nhưng sau khi nghe chia sẻ về ý tưởng của hai vợ chồng, nhân viên quản lý di tích còn chỉ chỗ trú mưa và hứa sẽ báo khi nào di tích lộ ra khỏi sương mù. Tổng thời gian chờ của hai vợ chồng là 6 tiếng, đến tận 13 giờ chiều mặt trời mới xua mây và di tích Machu Picchu xuất hiện trên đỉnh ngọn núi vô cùng hùng vỹ. Cuối cùng, hai vợ chồng đã hoàn thành trọn vẹn bộ ảnh, đưa áo dài đến một địa điểm xa xôi như vậy. 

Các bộ ảnh sau khi hoàn thành được hai vợ chồng đăng lên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều lời tán thưởng của cộng đồng. Vợ chồng Quỳnh còn được trìu mến gọi là “cặp đôi mang áo dài Việt Nam ra thế giới”, “cặp đôi đại sứ áo dài”… 

Cũng từ đó, vợ chồng Quỳnh càng thấy phải có trách nhiệm hơn và cẩn trọng hơn mỗi khi thực hiện các bộ ảnh áo dài, bởi hoạt động chụp ảnh đã  không còn mang yếu tố cá nhân nữa mà họ đã đại diện cho hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trước thế giới. Chỉ cần một hành động hay cử chỉ chưa đẹp mắt là có thể gây ấn tượng không tốt với những người nước ngoài về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục