Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6:

Chọn giải pháp an toàn, thay vì đột phá

AN BÌNH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Dù đã bước sang lần tổ chức thứ 6 nhưng Festival Mỹ thuật trẻ năm 2022 vẫn chưa xuất hiện nhiều tác phẩm có thể “làm khó” đội ngũ cầm cân nảy mực. Đặc biệt, những tác phẩm đậm chất trẻ, mang dấu ấn thời đại và vóc dáng của những loại hình nghệ thuật đương đại vẫn còn quá thưa vắng trên sân chơi này.

Chọn giải pháp an toàn, thay vì đột phá  - ảnh 1
Nhà điêu khắc trẻ Trần Đình Thắng bên tác phẩm “Lũ thượng nguồn 2” của mình     Ảnh: TG

Xuất hiện nhiều gương mặt mỹ thuật trẻ đương đại 
Festival Mỹ thuật trẻ được tổ chức thường kỳ 2 năm một lần với mong muốn tạo sân chơi dành riêng cho các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ có độ tuổi từ 18-35, nhằm tôn vinh, giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của các nghệ sĩ trẻ. Tại Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 năm 2022, Ban tổ chức (BTC) đã nhận được 512 tác phẩm của 216 tác giả gửi về tham dự và đã trao 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 9 giải Ba và 10 giải Khuyến khích cho các tác giả. Các tác phẩm tiêu biểu của Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (Hà Nội) đến hết ngày 28/8 đang thu hút sự quan tâm của công chúng và giới nghề.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng Ban Chỉ đạo Festival Mỹ thuật trẻ ghi nhận: “Các tác phẩm trưng bày đã giới thiệu được nhiều tác phẩm sáng tạo mới, thể hiện sinh động qua các đề tài mang tính đương đại như: Con người ứng xử với thiên nhiên, môi trường, mặt trái của tiêu thụ năng lượng trong đời sống, Covid-19…; đa dạng với các loại hình nghệ thuật hội họa, đồ họa, sắp đặt, video art…”.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh, Trưởng BTC cho biết thêm: ‘Festival là dịp tôn vinh, ghi nhận những thành tựu sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền mỹ thuật nước nhà, góp phần thúc đẩy thị trường mỹ thuật, phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời, giúp các nhà quản lý nghệ thuật và xã hội có cái nhìn cụ thể hơn nữa về mỹ thuật và nguồn lực mỹ thuật trong bối cảnh hiện nay.

Khẳng định các nghệ sĩ đã thành công với sứ mệnh chuyển giao thế hệ, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Festival Mỹ thuật trẻ 2022 đánh giá, các tác phẩm tham gia sân chơi năm nay phần nhiều mang ngôn ngữ tạo hình hiện đại, góp phần tạo nên một toàn cảnh mới của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Các nghệ sĩ tham gia sân chơi đều là những gương mặt rất trẻ. Vì vậy, có thể nói họ chính là thế hệ đại diện cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam trong những thập kỷ tới. Các tác phẩm giành giải cao cũng phần nào cho thấy tài năng của các nghệ sĩ trẻ. Điển hình tác phẩm “Lũ thượng nguồn 2” được trao giải Nhất ở loại hình điêu khắc của nhà điêu khắc trẻ Trần Đình Thắng rất được công chúng quan tâm. Tác phẩm lấy ý tưởng từ những trận lũ lụt lịch sử tại quê nhà Quảng Trạch, Quảng Bình. Những thanh sắt được sắp xếp, uốn và đan xen nhau, mô tả dòng nước cuồn cuộn. Tác phẩm được thực hiện thủ công, họa sĩ đã mất nửa năm trời để hoàn thành. Trần Đình Thắng lựa chọn sắt bởi yêu thích tính vật lý của chất liệu, rất hiệu quả để thể hiện thông điệp về bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiên tai và những mất mát. 

Họa sĩ trẻ Lâm Tú Trân giành giải Nhất hội họa với tác phẩm “Tâm” bộc bạch tâm tư của các nghệ sĩ trẻ tham gia sân chơi Festival là mong muốn có cơ hội cùng chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu. “Tâm” là tác phẩm được tôi hoàn thành trong khoảng thời gian đầu diễn ra đại dịch Covid-19, với chất liệu lụa truyền thống. Đây cũng là tác phẩm tôi đặt nhiều tâm huyết, thể hiện quan điểm đối với thực trạng cuộc sống trong bối cảnh 4.0. Khi mọi thứ đều bị chi phối bởi lý trí, tôi mong muốn đặt chữ “Tâm” lên trên để có được cuộc sống vẹn toàn, tươi đẹp hơn”- Lâm Tú Trân chia sẻ. 
“Festival năm nay ghi nhận những đóng góp mới của các nghệ sĩ trẻ ở những loại hình nghệ thuật khác nhau. Đặc biệt, đối với những Giải thưởng được trao, Hội đồng nghệ thuật và các chuyên gia đầu ngành đã làm việc công tâm, tranh luận và cân nhắc từng trường hợp. Chúng tôi phần nào gặp khó khi có nhiều câu chuyện xã hội đương đại len lỏi trong từng tác phẩm, thể hiện quan điểm nghệ thuật và sự sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ…”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Nhiều tiếc nuối…
Dù ghi nhận số lượng, chất lượng tác phẩm tham dự Festival nhưng chính các thành viên Hội đồng nghệ thuật cũng bày tỏ nhiều băn khoăn, tiếc nuối. Ông Ngô Tuấn Phong, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhìn nhận, các tác phẩm đoạt giải đa phần vẫn thuộc các lĩnh vực hội họa, điêu khắc, đồ họa. Số tác phẩm thuộc thể loại sáng tác mới như video art, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn… khá ít. Vì thế, Hội đồng chỉ chọn được một tác phẩm sắp đặt, hai video art trưng bày. 
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn thẳng thắn, Festival phơi bày bức tranh toàn cảnh của mỹ thuật trẻ hiện nay. Công chúng trông chờ sẽ được chứng kiến diện mạo mỹ thuật trẻ đương đại ra sao, đã có bước tiến hơn trước hay đang loay hoay chọn hướng đi, quan điểm, khuynh hướng sáng tác. “Có một điều khiến chúng tôi rất băn khoăn trong quá trình chấm chọn, đó là dường như những người trẻ bước trên sân chơi này đang khá “già”. Họ kể những câu chuyện cũ, việc xưa và dường như chưa tìm được lối thoát cho những câu chuyện khác, mới và trẻ hơn…”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Chủ tịch Hội cũng cho rằng, dù chia sẻ với tâm thế sáng tạo của người trẻ, nhưng cũng thật khó cho hội đồng khi cần sự đánh giá mỹ thuật trẻ đang ở đâu. Sau giai đoạn bùng nổ ở những năm 90 của thế kỷ trước của các loại hình nghệ thuật đương đại, đến kỳ này, rất hiếm tác phẩm video art, sắp đặt, trình diễn… gửi về Festival. 
“Nếu ở một số kỳ Festival trước đây, giới nghề và công chúng còn có dịp ồ, à trước những tác phẩm trình diễn, video art, sắp đặt mang đầy tính chất bùng nổ, phóng khoáng, chịu chơi thì một vài kỳ gần đây, đặc biệt ở kỳ thứ 6 này, chúng tôi thấy thực sự đáng tiếc khi thế hệ trẻ ngày càng vo tròn, trong những chọn lựa an toàn…”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định.

Đó cũng là một câu chuyện của mỹ thuật trẻ mà người trong cuộc đều mong muốn phá vỡ sự bế tắc. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn lý giải, có lẽ bởi những lần vấp váp công luận với các tác phẩm nghệ thuật đương đại đã khiến nhiều nghệ sĩ trẻ “sợ cành cong” và lựa chọn phong cách sáng tạo khá “già”. Họ cẩn trọng, an toàn, chưa dám thể hiện sự đột phá hay quan điểm cá nhân. Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật bày tỏ mong muốn: “Các nghệ sĩ trẻ cần biết phá cách, đặt ra những “thách thức” cho Hội đồng nghệ thuật và cơ quan quản lý bằng chính các tác phẩm của mình. Ở đây cũng cần vai trò của quản lý Nhà nước và các hội chuyên ngành để tạo điều kiện cho những người trẻ cất tiếng khác lạ, một cách tự tin”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.