Chung tay bảo vệ, phát huy di sản thế giới
(PNTĐ) -Cộng đồng là những người mang tri thức, giữ gìn truyền thống, nắm quyền và đóng vai trò chủ chốt trong công tác bảo tồn. Đó là nội dung tại Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới".
Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà.
Bước tiến quan trọng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới
Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam: Ngày 19/10/1987, Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Cùng với đó, kể từ khi tham gia Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã 2 lần được tín nhiệm bầu là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013-2017 và nhiệm kỳ 2023-2027. Đặc biệt, ngày 23/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa, góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về di sản văn hóa, với nhiều điểm mới, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của đất nước, tạo nên bước chuyển cơ bản về thế và lực cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Việt Nam cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Năm 2024, 8 di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 14,9 triệu lượt khách, là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản thế giới.
Tuy nhiên, các giá trị di sản đang đứng trước nhiều nguy cơ như biến đổi khí hậu, đô thị hóa thiếu kiểm soát, mặt trái của toàn cầu hóa... Vì thế, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới; cùng với đó, kể từ khi tham gia Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã 2 lần được tín nhiệm bầu là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017 và nhiệm kỳ 2023 - 2027.

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Luật Di sản văn hoá năm 2024 được xây dựng với nhiều quy định đã nội luật hoá từ Công ước 1972, Hướng dẫn thực hiện Công ước và Chính sách về việc lồng ghép quan điểm Phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước 1972, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát huy các di sản Thế giới ở Việt Nam.
Trong Công ước 1972, UNESCO đã nhấn mạnh đến 5 chữ "C" trong chiến lược toàn cầu, trong đó "Community" - cộng đồng - được coi là một trụ cột then chốt. "Cộng đồng" không chỉ đơn thuần là một khái niệm, mà là một triết lý, một nguyên tắc cốt lõi trong bảo tồn di sản. Chính cộng đồng là những người nắm giữ, bảo tồn và truyền lại di sản qua nhiều thế hệ. Họ sở hữu tri thức, kinh nghiệm quý giá, và hiểu rõ nhất những câu chuyện lịch sử cũng như giá trị tinh thần ẩn chứa trong từng di sản.
Những năm qua, công tác xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, quy hoạch và đầu tư, hỗ trợ kinh phí tại các đi sản thế giới ở Việt Nam luôn được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam quan tâm.
Các di sản thế giới ở Việt Nam được tu bổ, phục hồi, bảo tồn được các giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực, tính toàn vẹn theo hướng bền vững; bộ máy, nguồn nhân lực quản lý di sản thế giới từ trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, kiện toàn; các nguồn lực để bảo vệ di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa.

Do nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và nhân dân nên từ khi các di tích, danh thắng tiêu biểu của Việt Nam được UNESCO công nhận, số lượng du khách tới tham quan, nghiên cứu ngày càng tăng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh, kể từ khi Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, đặc biệt trong lĩnh vực trọng tâm về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý Di sản, quản lý môi trường kinh doanh du lịch và phát triển sản phẩm du lịch.
Thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo tồn di sản
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, trong thời đại số, việc bảo tồn và phát huy di sản cần gắn liền với đổi mới sáng tạo như ứng dụng công nghệ số, tận dụng sức mạnh truyền thông mạng xã hội, phát triển các mô hình đối tác công - tư (PPP) để lan tỏa giá trị di sản đến đông đảo công chúng...
Do đó, tại hội thảo, có 6 vấn đề lớn cần thảo luận, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế pháp lý để cộng đồng được tham gia quản lý di sản, nâng cao năng lực cộng đồng, lồng ghép tri thức bản địa vào quy hoạch phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và mở rộng hợp tác quốc tế…
Trong thời đại số, việc bảo tồn và phát huy di sản cần gắn liền với đổi mới sáng tạo như ứng dụng công nghệ số, tận dụng sức mạnh truyền thông mạng xã hội, phát triển các mô hình đối tác công - tư (PPP) để lan tỏa giá trị di sản đến đông đảo công chúng... Do đó, tại hội thảo, có 6 vấn đề lớn cần thảo luận, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế pháp lý để cộng đồng được tham gia quản lý di sản, nâng cao năng lực cộng đồng, lồng ghép tri thức bản địa vào quy hoạch phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và mở rộng hợp tác quốc tế…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Thủ đô Hà Nội được biết đến là "Thành phố di sản" với các di sản văn hoá vô cùng phong phú, đa dạng gồm 6.494 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có những Di sản đã được UNESCO vinh danh như: Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Di sản Hội Gióng, Di sản Ca trù, Di sản bia Tiến sĩ Triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám…
Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển văn hóa và du lịch văn hóa. Thành phố Hà Nội xác định "đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững", trong đó việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, của mỗi người dân.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà, hiện nay thành phố Hà Nội còn gặp nhiều thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, nhất là việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất, đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và đề xuất các giải pháp bảo tồn từ nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt khi Thủ đô Hà Nội - thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được định hướng phát triển không gian sáng tạo văn hóa, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật đương đại, kết nối di sản với cộng đồng và giới trẻ.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Jonathan Baker nhận định, đề cao vai trò của cộng đồng là yếu tố không thể thiếu trong quản lý di sản thế giới, và Việt Nam đã làm tốt điều này từ lâu.
Ông Jonathan Baker nói: "Lấy cộng đồng làm trung tâm trong công tác bảo tồn không chỉ là tham vấn ý kiến người dân bản địa, mà còn là sự trao quyền chủ động. Tức là cho phép người dân địa phương tham gia vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động văn hóa, và hưởng lợi về kinh tế - xã hội từ các sáng kiến liên quan đến di sản".
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản không chỉ để lưu giữ những giá trị của quá khứ mà còn nhằm xây dựng nền tảng bền vững cho tương lai. Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” là một định hướng hết sức đúng đắn, kịp thời và thiết thực, đồng thời góp phần thực hiện những nội dung quan trọng của các hội nghị quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh Tương lai (Future Summit), các cam kết tại Hội nghị P4G vừa qua - nơi Việt Nam thể hiện vai trò trách nhiệm và tích cực trong thúc đẩy hợp tác đa phương vì một tương lai xanh và bền vững.