Chuyện cây đa hoa gạo

Chia sẻ

PNTĐ-Dạo đê sông Hồng trong một buổi chiều lộng gió, đến xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP Hà Nội, chúng tôi được nghe kể chuyện về cây đa hoa gạo ở đền Chương Dương...

 
Từ đình thành đền
 
Theo sự chỉ dẫn của một số người cao niên trong làng, chúng tôi tìm đến đền Chương Dương, một ngôi đền nhỏ nằm dưới bóng một cây đa già chỉ cách sông Hồng chừng vài chục mét. 
Tuy nhỏ nhưng đền khá cổ, theo ông Đào Duy Khai, thủ từ của đền thì đền được xây dựng từ thời nhà họ Dương thế kỷ thứ 10, đến nay đã hơn nghìn năm tuổi.
 
 
Chuyện cây đa hoa gạo - ảnh 1
Cây đa hoa gạo đã nghìn năm tuổi

Ban đầu là ngôi đình thờ thành hoàng làng như bao ngôi đình khác cho đến khi quân dân nhà Trần đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 (1285) tại bến Chương Dương thì đổi thành đền. Ngôi đền từ đó thờ đền Trần Quang Khải vị tướng tài ba nhà Trần, ông cũng là tác giả của bài thơ nổi tiếng “Tụng giá hoàn kinh sư”:
 
Cướp giáo giặc ở bến Chương Dương,
Bắt quân Hồ ở cửa Hàm Tử.
Buổi thái bình nên gắng hết sức,
(Thì) muôn đời (có) giang sơn này.
 
Đền Chương Dương vốn là một ngôi đền lớn cột lim hai người ôm không hết nhưng trong kháng chiến chống Pháp, du kích của ta đã lấy cột để chặn đường xe ô tô của thực dân Pháp nên từ đó ngôi đền bi thu nhỏ lại. Ông Khai kể “cây lim chặn được xe ô tô của giặc nhưng sau đó chúng đi xe tăng ủi một cái là qua được. Nay vẫn còn ụ đất chặn giặc ở đê sau đền, nếu như ngày đó không dỡ cột lim ra thì đền ngày nay rất lớn và uy nghi”.
 
Tuy được chuyển thành đền nhưng chức năng của đền Chương Dương bao gồm chức năng của cả đình, là nơi các cụ cao niên trong làng bàn bạc những việc quan trọng và dân làng sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại đây, Trần Quang Khải cũng được tôn làm thành hoàng làng của nhân dân Chương Dương.
 
Ngôi đền hướng ra phía sông Hồng tức hướng đông, thể hiện khát vọng vươn ra sông lớn biển rộng của người dân ven sông mẹ với phù sa màu mỡ cũng như nguồn thủy sản, hải sản dồi dào. Ngôi đền nhỏ nhưng tọa lạc trên khu đất rộng và cổ, cây cối xung quanh um tùm, ngào ngạt mùi cỏ cây. Có thể dễ dàng quan sát thấy rất nhiều nét cổ kính, cảm nhận được sự u tịch khi dạo chơi trong khuôn viên đền.
 
Phía trước đền là một hồ khá lớn hình thoi, bao quanh là rặng tre già mà xem gốc thì màu xanh đặc chứng tỏ khu này ngày xưa rất rậm rạp, nước sông Hồng tràn vào thường xuyên đem phù sa bồi đắp nơi đây, hoa màu cũng tốt tươi hơn bình thường.
 
Cây đa hoa gạo
 
Đến Chương Dương mà không nghe chuyện về cây đa hoa gạo thì thật là uổng phí. Trong thôn, từ già trẻ đều thuộc vanh vách câu thơ lục bát:
 
"Cây đa hoa gạo thắm tươi
Chương Dương bến cũ thuyền xuôi thuận dòng
Ngàn Thu lừng lẫy chiến công
Quân thù quét sạch non sông vững bền".
 
Cây đa thì vẫn còn sừng sững trong đền ai đi vào cũng đều phải trầm trồ vì cây cao to, xù xì cổ thụ nhưng cây gạo thì không thấy đâu. Vậy tại sao lại gọi là cây đa hoa gạo bao đời nay?
 
Câu chuyện không phải là cổ tích hay truyền miệng mà những người cao niên trong tuổi cũng đã từng chứng kiến hiện tượng hi hữu này từ thuở ấu thơ. Chỉ riêng gốc gạo, hơn chục người nối tay ôm không hết, cây đa và cây gạo cuộn lấy nhau trải rộng trên cả mẫu đất, tỏa bóng kín cả khuôn viên đền.
 
Theo như ông thủ từ Đào Duy Khai, cây đa và cây gạo có từ thời xây dựng đình để thờ thành hoàng làng. Khi xong xuôi, những người cao niên trong làng lấy một cành đa một cành gạo để treo chiêng và treo trống, mới cắm được vài ngày thì mưa liên tục nhiều hôm thế là cả hai cành đa và cành gạo đều đâm rễ nảy nở. Qua thời gian, rễ cây đa ôm lấy thân cây gạo nên nếu quan sát dưới gốc ngước lên thì khó mà thấy được cây gạo.
 
Ông Khai nhớ lại những ngày ấu thơ, “cây đa hoa gạo cao nhất vùng này, chúng tôi đi chăn trâu, chăn bò trên đê đi rất xa mà vẫn nhìn thấy cây đa lừng lững, đến mùa hoa gạo, hoa nở đỏ rực một vùng. Người làng ai cũng tự hào vì có cây đa hoa gạo to đẹp, tỏa bóng mát cho cả khuôn viên đền”.
 
Ông cha ta trước hay có câu: “Thần cây đa/ hoa cây gạo/ Cú cáo cây đề”. Ý muốn nói cây đa là nơi thần linh hay nhập vào, cây gạo là ma hay nhập, mà ma với thần khó mà ở chung được với nhau. Nhưng với cây đa hoa gạo ở Chương Dương lại cho thấy một điều tự nhiên mà lại trái tự nhiên, bởi lẽ không ai có chủ đích trồng hai cây này cạnh nhau, mà do “ông trời đã làm mưa” để cả hai cành đa, cành gạo đâm rễ và ôm lấy nhau hàng trăm năm.
 
Mặc dù là cây quý của dân làng nhưng cũng có một thời điểm mà chút nữa thì cây đa bị xóa sổ. Đó là thời kỳ hòa bình lập lại, chính quyền xã có chủ trương chặt cây đa đi lấy gỗ đóng bàn ghế cho học sinh. Cây đa có 3 gốc lớn, chính quyền xã đã chặt 2 gốc thì có công điện gấp của cấp trên yêu cầu không được chặt cây đi vì cây cao lớn là vật chuẩn của không quân ta trước khi về sân bay Gia Lâm nên phải giữ lại.
 
Vì vậy, cây đa vẫn tồn tại đến ngày nay. Cảnh cây đa tán rộng, xanh lá, cao mấy chục mét, ở trên lại nở hoa gạo đỏ tọa lạc ở ven đê không khác gì ngọn hải đăng sáng chói cho những người đi thuyền dưới sông hay như một đặc điểm nhận dạng cho người Chương Dương từ xa trở về quê hương.
 
Chuyện cây đa hoa gạo đã đi vào truyền miệng hơn 20 năm trước khi cây gạo chết. Người dân nhìn thấy cây gạo chết từng ngày mà không có cách nào cứu được, vì không rõ nguyên nhân cũng như đa phần thân cây được cây đa ôm chặt. Hiện nay, chỉ còn lại bộ rễ cây đa có hình đang ôm lấy thân cây gạo, thực tế đây chỉ là nhánh đa nhỏ do rễ phụ đâm xuống, thế mới biết cây đa hoa gạo ngày xưa đại thụ, rợp bóng đến thế nào.
 
Về Chương Dương mới thấy, người dân trong thôn tự hào về trận đánh năm xưa của ông cha thế như thế nào. Khoảng hơn 20 năm trở về trước, khi khai thông dòng chảy chảy bãi nước trước đền gần bến đò, chính quyền xã đã đào được rất nhiều hài cốt, có những hài cốt còn nguyên, hộp sọ vẫn còn rõ ràng, được cho là hài cốt của các chiến binh năm xưa đã ngã xuống vì độc lập dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên Mông.
 
Bến Chương Dương lịch sử giờ vẫn còn đây, không ít dấu tích xưa được tìm thấy. Đây là niềm tự hào của không chỉ nhân dân xã Chương Dương mà của cả dân tộc Việt Nam. Hằng năm, cứ mùng 10 tháng 8 âm lịch là lại có hội, thanh niên trai tráng lại nô nức đua thuyền rồng trên sông như ôn lại lịch sử hào hùng của trận đánh năm xưa.
 
Cách đây 8 năm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có chủ trương đầu tư nâng cấp di tích bến Chương Dương với tổng mức kinh phí trên 50 tỷ đồng, đã có văn bản gửi đến huyện, trong đó có các hạng mục: tu bổ xây dựng lại đền, tạc bức tượng Trần Quang Khải cao khoảng 13m bằng đá xanh nguyên khối, tiến hành khai thông dòng sông vào trước cửa đền làm một âu thuyền phía dưới để thuyền có thể từ sông Hồng vào được.
 
Và đó cũng là từng đấy thời gian mà nhân dân Chương Dương mòn mỏi chờ đợi, di tích vẫn đìu hiu vắng lặng bên sông mẹ, còn quá khứ huy hoàng của dân tộc vẫn được người dân tự hào mà truyền tai nhau qua những câu chuyện đời thường.
 
 
Nguyễn Văn Công

Tin cùng chuyên mục

Khi “Phụ nữ Thủ đô khỏe đẹp - Chào kỷ nguyên mới” hòa nhịp cùng “Đất nước trọn niềm vui”

Khi “Phụ nữ Thủ đô khỏe đẹp - Chào kỷ nguyên mới” hòa nhịp cùng “Đất nước trọn niềm vui”

(PNTĐ) - Tối 25/4/2025, trong không khí rộn ràng cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại vườn hoa Vạn Xuân - góc phố lịch sử Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội), chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” và vòng chung khảo Hội thi “Phụ nữ Thủ đô khỏe đẹp - Chào kỷ nguyên mới” đã được tổ chức trang trọng, ấm cúng rực rỡ sắc màu.
Thạch Thất tổ chức chương trình nghệ thuật “Áo dài Việt Nam - Hào khí non sông”

Thạch Thất tổ chức chương trình nghệ thuật “Áo dài Việt Nam - Hào khí non sông”

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Thạch Thất, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030, tối 22/4, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Thạch Thất long trọng tổ chức chương trình nghệ thuật “Áo dài Việt Nam - Hào khí non sông”. Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đến dự cùng đại diện lãnh đạo huyện Thạch Thất và đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ, nhân dân trên địa bàn huyện.
“Hẹn ước Bắc - Nam”- khi lịch sử, nghệ thuật và tinh thần dân tộc giao hòa

“Hẹn ước Bắc - Nam”- khi lịch sử, nghệ thuật và tinh thần dân tộc giao hòa

(PNTĐ) - Tối 22/4, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình trở thành tâm điểm ánh nhìn của cả nước khi chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” được dàn dựng công phu, hoành tráng, diễn ra dưới bầu trời Hà Nội - nơi kết nối mạch nguồn truyền thống và khát vọng tương lai.
“Đất ơi nở hoa” - khúc hát mừng kỷ niệm 50 năm ngày non sông liền một dải của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung

“Đất ơi nở hoa” - khúc hát mừng kỷ niệm 50 năm ngày non sông liền một dải của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung

(PNTĐ) - Ca khúc “Đất ơi nở hoa” - sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung, qua phần thể hiện đầy xúc cảm của NSƯT Hoàng Tùng và bản phối tinh tế của nhạc sĩ Đức Thụy - đã đưa người nghe trở lại những miền ký ức thiêng liêng, nơi có mẹ, có quê hương, có đất trời hun đúc bao kỷ niệm sâu sắc. Đây là món quà tri ân giàu cảm xúc mà người nhạc sĩ dành cho đất mẹ, cho Tổ quốc thân yêu nhân dịp tháng Tư lịch sử - thời điểm cả dân tộc hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).