Độc đáo chùa Thánh Chúa

Chia sẻ

PNTĐ-Giữa không gian phố thị sôi động, tấp nập, Chùa Thánh Chúa lặng lẽ nép mình giữa những khu giảng đường của đại học Quốc Gia Hà Nội và trường đại học Sư Phạm Hà Nội...

 
Giữa không gian phố thị sôi động, tấp nập, Chùa Thánh Chúa lặng lẽ nép mình giữa những khu giảng đường của đại học Quốc Gia Hà Nội và trường đại học Sư Phạm Hà Nội nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Ngôi Chùa không bề thế, nguy nga mà luôn trầm mặc, cổ kính trong sự thanh tịnh và linh thiêng. 
 
 
Độc đáo chùa Thánh Chúa  - ảnh 1

Chùa được xây dựng thời Lý, trước năm 1064, tại làng Vòng, một làng cổ, nơi sản sinh ra cốm Vòng nổi tiếng. Sau, chùa trở thành di tích chung của hai phường Dịch Vọng và Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Chùa khi ấy tọa lạc trên một gò đất cao, xung quanh cây cối xanh tươi rậm rạp, sát chùa có hồ trồng sen, nước trong xanh.
 
Thời ấy, xóm thôn còn thưa thớt, đồng ruộng gò đống mênh mông, cảnh chùa trang nghiêm u tịch. Vua Lý Thánh Tông cùng Nguyên Phi Ỷ Lan thường xuyên về chùa vãn cảnh và nghiên cứu Phật pháp. Theo sử sách ghi lại, gần 400 năm sau, chùa lại là nơi ẩn tích của bà Ngô Thị Ngọc Giao cùng con là thái tử Lê Tư Thành, bởi loạn Nghi Dân. Sau loạn, thái tử được hai vị tôi trung thành của triều đình là Đinh Liệt và Nguyễn Xí rước về lên ngôi hiệu là Lê Thánh Tông. Sau này, vua nhớ ơn đã phong tặng cho sư sãi và trùng tu lại chùa.
 
Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chùa Thánh Chúa còn là nơi tập kết của nghĩa quân, và cũng là nơi đề ra kế hoạch phục giết tên quan năm Pháp ngày 19 tháng 5 năm 1883. Sau này, đây là nơi tập kết của du kích hồi kháng chiến 9 năm, là trạm giao liên, là trụ sở của Quận uỷ Trấn Tây, địa điểm liên lạc giữa Quận uỷ và Thành uỷ Hà Nội giữa vùng tạm chiến và vùng tự do…
 
Chùa xây hình chữ đinh, gồm bảy gian tiền đường xây theo kiểu đầu hồi bít đốc, bộ vì nóc kiểu “chồng giường giá chiêng”, trên kiến trúc trang trí các hình rồng, phượng, hổ phù, cùng với đó là hậu cung, điện mẫu. Chùa còn lưu giữ được 77 pho tượng lớn nhỏ và nhiều hoành phi câu đối, bia đá, chuông đồng phản ánh phong cách nghệ thuật của các thế kỷ 17 – 20.
 
Độc đáo chùa Thánh Chúa  - ảnh 2

 
Đặc biệt, điện Mẫu còn có một số pho tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19 có giá trị cao. Trên tam quan chùa còn treo một quả chuông được đúc năm Minh Mạng thứ 9 (1828) có khắc bài minh do Tiến sĩ Nguyễn Huy Trạc soạn. Một khánh đồng đúc kiểu cánh dơi nặng 125 cân, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1844) có khắc bài minh ghi niên đại và những người công đức. Khác với nhiều chùa, gian chính điện chùa Thánh Chúa có bức tượng A Di Đà lớn thếp vàng, điện phía ngoài bên phải có bàn thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, phía trong là bàn thờ của bà chúa Thượng Ngàn.
 
Ngày 21/1/1989, chùa đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Hàng năm, hội chùa Thánh Chúa được mở vào ngày 25 tháng Giêng với nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền như hát chèo đò đưa thuyền về Tây Trúc của các vãi bà, múa hoa sen tượng trưng cho sự tinh khiết, múa chim phượng tượng trưng cho sự no ấm hạnh phúc và hát chèo tích Phật, giúp con người luôn hướng thiện, cùng với đó là nhiều trò chơi thể thao dân gian.
 
Chùa Thánh Chúa và hội chùa là một nét đẹp của di sản văn hoá, một dấu tích của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trải qua thời gian, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Dịp chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chùa Thánh Chúa tiếp tục được trùng tu, tôn tạo và xây bảng chỉ dẫn lớn đặt ngay trên mặt phố để người dân có thể biết đến. Với sự gìn giữ và phát huy ấy, chùa Thánh Chúa vẫn giữ được dáng vẻ uy nghi.
 
Tưởng như cuộc sống xô bồ, vội vã, tất bật đã cuốn phăng đi những giá trị tâm linh thì thật bất ngờ giữa những giảng đường hiện đại vẫn còn đó một ngôi chùa uy nghiêm cổ kính lắng đọng xúc cảm.
 
Vào những dịp lễ Tết, ngày rằm, mồng một, chùa Thánh Chúa tấp nập vào ra những khách hành hương thành tâm lễ bái. Không chỉ vậy vào những ngày thường, ngôi chùa cũng là điểm dừng chân của các bạn sinh viên để kiếm tìm sự an yên trong tâm hồn sau những giờ học căng thẳng. Nơi đây vừa cô tịnh giúp tâm hồn thảnh thơi vừa là cơ duyên cho những ý tưởng mới vụt sáng. Ngoài ra, đến với nơi cửa Phật nhiều bạn còn học được tính kiên trì, nhẫn nại, tinh thần tự giác rất cao.  
 
 
Minh Phương 

Tin cùng chuyên mục

Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

(PNTĐ) - Nhân cuộc đua xe đạp "Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ” nhằm lưu giữ và lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của các vận động viên và người dân cổ vũ trên hành trình cuộc đua.
Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Cục Điện ảnh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ” trình chiếu miễn phí 6 bộ phim: Điện Biên Phủ, Hồi ức Điện Biên, Chuyện những người lính già, Đồng hành cùng lịch sử, Chia lửa cùng Điện Biên, Điện Biên Phủ niềm hy vọng.
Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

(PNTĐ) -Đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ca sĩ- Trung uý Mai Chi thuộc Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng ra mắt MV “Mẹ yêu con” như một nén tâm hương tưởng nhớ đến những người chiến sĩ đã hy sinh thầm lặng vì độc lập, hoà bình hôm nay.