Độc đáo nghệ thuật trình diễn kéo co tại Hà Nội
(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Liên hoan, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại - Nghi lễ và trò chơi kéo co năm 2023, ngày 17-18/11 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND quận Long Biên, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã phối hợp tổ chức triển lãm - liên hoan nghi lễ và trình diễn trò chơi kéo co tại đền Trấn Vũ (quận Long Biên, Hà Nội). Nhân dịp này, một lần nữa câu chuyện bảo vệ và phát huy di sản kéo co độc đáo của Hà Nội được các nhà nghiên cứu đề nghị phát huy mạnh mẽ, đóng góp vào công nghiệp văn hoá của Thủ đô.
Nói về nét đặc sắc của trò chơi kéo co ở Hà Nội, TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam cho biết: Ở Hà Nội hầu như ngày hội làng ở các địa phương hay tổ chức hoạt động kéo co. Không chỉ là môn thể thao, kéo co trên cả nước nói chung hay ở Hà Nội nói riêng đặc biệt ở chỗ thường gắn với các nghi lễ tâm linh; được cộng đồng sáng tạo từ lâu đời và đến nay vẫn gìn giữ, xem như tập quán, tiết mục trình diễn để hầu thánh.
Như nghi thức và trò chơi “Kéo co ngồi” tại đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) gắn liền với biểu tượng thần Linh Lang đại vương, nguồn nước, hình tượng loài rắn. Theo đó, thành viên đội kéo co gồm các tráng đinh có phẩm hạnh, gọi là giai kéo co, chia làm hai phe. Vật để kéo là một dây song to, nhẵn, dài trên dưới 30m.

Cột mốc là một cột trụ, thường là gỗ lim sơn màu đỏ, cỡ cột đình. Thân cột đục một lỗ tròn để luồn dây song. Cột chôn chắc dưới đất, lỗ luồn dây ở ngang đầu gối người lớn. Điểm độc đáo của kéo co ngồi là các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo, người kéo chân co chân duỗi, ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây.
Cùng với trò “Kéo co ngồi”, nghi thức và trò chơi “Kéo mỏ” cũng được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Kéo mỏ” là 1 trong 4 trò chơi mang tính nghi lễ đặc sắc trong lễ hội đền Bà (thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội); và là nghi thức không thể thiếu trong lễ hội tại đình thôn Ngải Khê (huyện Phú Xuyên, Hà Nội).
Ông Nguyễn Trọng Khánh - Ban Khánh tiết đình thôn Ngải Khê - thành viên của cộng đồng “Kéo mỏ” thôn Ngải Khê chia sẻ: Trò “Kéo mỏ” có phần giống như kéo co ngày nay nhưng có phần không giống, vì vật để kéo không phải bằng thừng, bằng dây, mà bằng hai cây tre. Các cụ dân làng Ngải Khê xưa chọn hai cây tre bánh tẻ, thẳng, dài khoảng 6 - 7 mét. Hai cây tre tương đối đều nhau, kể cả tuổi cây, cả chất lượng cây, đủ ngọn, không đốt nào bị sâu, bị kiến.
Số đốt tre được tính từ gốc trở lên theo bốn chữ định mệnh: Sinh, lão, bệnh, tử. Đốt cuối cùng phải đúng vào chữ “sinh”, tránh chữ “tử”. Hai ngọn tre được hơ lửa cho dẻo, mềm và dai rồi xoáy vặn quặp lại như hai cái mỏ ngoặc vào nhau rồi dùng lạt mềm buộc thật chặt cố định lại để làm vật kéo, nên gọi là kéo mỏ.
Khi nghi thức và trò chơi kéo co được phát triển trở thành hoạt động văn hoá đa dạng, hấp dẫn không chỉ giúp truyền tải, lan toả giá trị di sản văn hoá tới cộng đồng; nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn di sản; mà còn phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hoá mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến trong phát triển công nghiệp văn hoá trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay.
Đây cũng là việc làm thiết thực để “Thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ; Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.