Từ ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam:

Động lực thúc đẩy văn hóa nghệ thuật phát triển

Mai Thư
Chia sẻ

(PNTĐ) -Qua mỗi chặng đường cách mạng, Đảng ta luôn nhận thức rõ vai trò to lớn của tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức cũng như yêu cầu cấp bách của việc vận động, tổ chức, định hướng và lãnh đạo để tầng lớp tinh hoa này đem tài năng, trí tuệ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần tạo nên một nền văn hóa nghệ thuật cách mạng, nhân văn và khoa học.

Động lực thúc đẩy văn hóa nghệ thuật phát triển - ảnh 1
Văn hóa nghệ thuật đã có nhiều bước phát triển kể từ khi có Đề cương về Văn hóa Việt Nam.
Ảnh minh họa (nguồn: Int)   

Chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình, là ánh sáng soi đường, là kim chỉ nam đánh thức đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ còn đang bế tắc, phân vân trước thời cuộc. Họ đã từ những người dân mất nước vùng lên để lấy lại nhân phẩm của mình, bảo vệ văn hóa, nghệ thuật của dân tộc, góp phần làm cho cuộc kháng chiến của dân tộc mang tính chính nghĩa. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa được coi như một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.  

Theo PGS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong cuộc kháng chiến ấy, hàng nghìn văn nghệ sĩ đã từ bỏ cuộc sống ấm êm nơi đô thành, dấn thân vào cuộc chiến trường kỳ gian khổ để làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa của Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 đã ăn sâu vào tư tưởng của các văn nghệ sĩ, khơi dậy trong họ lòng yêu nước để hòa nhập vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. 

Để “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, văn hóa nghệ thuật Việt Nam cần tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh; thực thi các giải pháp cấp bách, tiếp tục bổ sung, phát triển, vận dụng những tư tưởng cốt lõi của Đề cương; từng bước hoàn thiện lý luận về văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, lệch lạc, thù địch, khắc phục những thiếu sót, hạn chế còn tồn tại; phấn đấu có thêm nhiều tài năng lớn với khát vọng ra đời những công trình văn hóa, tác phẩm văn nghệ tầm cỡ, phát huy những giá trị đặc sắc, bền vững của văn hóa Việt Nam... 
(PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, 
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam).
 

Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, song dưới sự soi sáng tư tưởng của Đề cương, các văn nghệ sĩ đã thể hiện mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn vai trò của mình trên các mặt trận văn hóa nghệ thuật như văn học, âm nhạc, hội họa, biểu diễn... Những tác phẩm văn học như lời hiệu triệu, thôi thúc hàng vạn thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, góp phần làm nên một đại thắng mùa xuân thống nhất đất nước năm 1975. Bên cạnh đó, những áng thơ, những bài hát, câu văn lay động lòng người hay những thước phim đầy mùi thuốc súng và phải trả bằng máu của những chiến sĩ, nghệ sĩ đã khích lệ tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do dân tộc của hàng triệu trái tim người Việt. Đó là những đóng góp không gì thay thế được của những văn nghệ sĩ trong thời kỳ kháng chiến.

NSND Quang Thọ chia sẻ, ở chiến trường chúng tôi đã thực sự là những chiến sĩ anh dũng, chiến đấu với quân thù bằng vũ khí là tài năng nghệ thuật, bằng cây đàn, bằng tiếng hát át tiếng bom. Còn NSND Thu Hiển trải lòng, nghệ sĩ chúng tôi chọn nghệ thuật là vũ khí chiến đấu để tiếp thêm sức mạnh ý chí, động viên tinh thần cho các chiến sĩ ở khắp các mặt trận. Thời gian đó khốn khó và gian nan lắm, phải là người có ý chí mới có thể giữ vững chữ nghề.   

Tạo sức mạnh mềm của văn hóa nghệ thuật 
Theo PGS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nếu như trong kháng chiến, mục đích cao nhất và duy nhất đó là giải phóng dân tộc, đưa đất nước đến độc lập, tự do thì đến khi hòa bình, cuộc sống đa dạng, phong phú và “mở cửa mát thì không tránh khỏi bụi”, chúng ta phải chật vật, xoay xở học lại nhiều điều để xây dựng đất nước. Các văn nghệ sĩ cũng không nằm ngoài sự phức tạp đó, vì vậy cần phải tạo cho họ động lực để họ làm nên những tác phẩm “để đời”, góp phần xây dựng nên một nền văn hóa nghệ thuật nhân văn và khoa học.  

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở”. Tiếp tục khẳng định mục tiêu đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, trong thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị, Hồ Chủ tịch viết: “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ vũ động lực tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”. 

Để thực hiện được mục tiêu ấy, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nâng cao nhận thức của mỗi người chính là giải pháp quan trọng nhất để chúng ta thật sự tự tin nhằm hội nhập tốt hơn vào đời sống văn hóa quốc tế. Để làm được điều này cần phải tuyên truyền một cách hiệu quả, nội dung phong phú và hấp dẫn. Bên cạnh đó cần có thêm biện pháp mang tính căn cơ hơn như sử dụng công cụ luật pháp, xử phạt mang tính chất làm gương để gia tăng sức ảnh hưởng. 

Từ Đề cương về Văn hóa có thể thấy hai vấn đề đặt ra, một là theo nền văn hóa phát-xít thì văn hóa Việt Nam sẽ nghèo nàn, hai là theo văn hóa mác-xít thì văn hóa Việt Nam sẽ được cởi bỏ xiềng xích và đuổi kịp văn hóa dân chủ thế giới. Đề cương đã cho chúng ta thấy tương lai, tiền đồ tươi sáng của cách mạng Việt Nam và vận dụng một cách sáng tạo, có hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin để định hướng văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Dưới ngọn cờ của Đảng, nhân dân ta đã kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa nghệ thuật mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng chủ nghĩa xã hội. 

Nhà báo Hoàng Dự, Tổng Biên tập Thời báo văn học nghệ thuật nhận định, từ cốt lõi của bản Đề cương mà ngay sau đó Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục phát triển thành hệ thống quan điểm, lý luận về lãnh đạo văn hóa. Không chỉ nhất quán đường lối, chủ trương phát triển văn hóa nghệ thuật, Đảng và Nhà nước ta đã luật hóa một số hoạt động trong lĩnh vực này, như: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Di sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh... Đó chính là hành lang pháp lý để hoạt động văn hóa nghệ thuật phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện cho văn hóa nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, tương xứng với vai trò, vị thế của mình. 

Để tạo nên một sức mạnh mềm của văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập, một vấn đề quan trọng đó là tập hợp, đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ được Đảng ta hết sức coi trọng. PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam khẳng định, tuân thủ và vận sụng sáng tạo các nguyên lý mác-xít, Đề cương về Văn hóa tập trung nhấn mạnh các nguyên tắc cốt lõi: Văn hóa là một mặt trận cách mạng, phải do Đảng vô sản lãnh đạo chặt chẽ. Thực thi điều đó, ngay khi Đề cương ra đời, Đảng đã tổ chức phổ biến, quán triệt tinh thần cốt lõi của Đề cương tới các văn sĩ có cảm tình với cách mạng, tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ để phục vụ cho cách mạng. 80 năm qua, văn hóa nghệ thuật Việt Nam được Đảng lãnh đạo, tổ chức, rèn luyện, đồng hành cùng dân tộc, bước vào giai đoạn phát triển mới, đứng trước đòi hỏi, thách thức mới để phát triển trên nền tảng truyền thống dân tộc và bắt kịp xu hướng thời đại.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục