Đưa chuyện chống đại dịch Covid-19 vào tranh
Ngày 3/3, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ diễn ra khai mạc triển lãm "Nhà báo vẽ nhà báo" cùng bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid-19 của tác giả - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, mở đầu các hoạt động chào mừng kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2022).
Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, “cây phóng sự” nổi tiếng trong làng báo Việt Nam, xung quanh triển lãm này.
Cảm xúc của anh thế nào khi các tác phẩm của mình được chọn triển lãm tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam dịp này? Anh gửi gắm thông điệp gì qua triển lãm?
Tôi cộng tác với Bảo tàng Báo chí nhiều lĩnh vực, song chưa lần nào tôi nghĩ tranh vẽ của mình lọt vào mắt của những người làm Bảo tàng. Triển lãm của tôi mang yếu tố tuyên truyền và phản ánh hoạt động của hội viên Hội Nhà báo trong mùa dịch nhiều hơn là nghệ thuật, song tôi rất vui.
Bảo tàng là nơi giữ gìn ngọn lửa truyền thống và nguồn tư liệu quý báu cho đời sau. Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua triển lãm là “Chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch này”. Những tấm áp phích tôi vẽ đề cập đến các lĩnh vực, các lực lượng chống dịch, phản ảnh được phần nào những hoàn cảnh bi thương và quyết tâm của đất nước trong mùa dịch Covid-19.
Tranh áp phích về đại dịch Covid-19 của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân lên áo dài của NTK Minh Hạnh Ảnh: NVCC
Được biết khối lượng tác phẩm triển lãm của anh khá đồ sộ, bao gồm 100 tranh chân dung các nhà báo, khổ tranh 70x90 và 100 tranh chân dung khổ A3, A4, bộ sưu tập 20 tranh áp phích chống dịch… Các tác phẩm triển lãm được anh thực hiện trong thời gian bao lâu?
Tôi vẽ trong khoảng nửa năm. Từ tháng 4/2021 tôi bị tai biến, liệt nửa người, may mà tay phải còn hoạt động được. Sau hai tháng nằm bẹp, tôi bắt đầu ngọ nguậy được, liền lấy màu vẽ của con gái ra tập vẽ. Mỗi ngày tôi hý hoáy vẽ được vài bức tranh áp phích, tĩnh vật, hoặc chân dung. Tích tiểu thành đại, nay đã có khoảng 500 bức tranh các loại.
Một nhà báo như anh vẽ tranh thì có gì khác biệt so với các hoạ sĩ?
Khác biệt là khi nhà báo vẽ là dù có tính nghiệp dư nhưng tranh vẫn có nội dung gắn với thời sự, thực tiễn, có cách nhìn và quan điểm riêng. Ví dụ, tôi vẽ tranh áp phích thì không hô khẩu hiệu, không tuyên truyền lộ liễu, không dùng mảng miếng cứng nhắc mà áp phích của tôi đôi khi chỉ tập trung vào tình huống, trạng thái tình cảm, có thể xuất phát từ một câu nói hay một xúc cảm gì đó. Thí dụ khi công nhân các vùng miền đổ về các vùng miền Trung tránh dịch, những bà mẹ nghèo khó đến đâu cũng dưa cà mắm muối sẵn sàng dang tay đón con về nhà. Đó là tình cảm của người mẹ, tôi vẽ từ câu chuyện đó chứ không phải từ khẩu hiệu nào cả.
Tranh áp phích cổ động về phòng, chống đại dịch Covid-19 của anh đã được nhà thiết kế Minh Hạnh đưa lên áo dài, và đã trở thành một bộ sưu tập áo dài khá độc đáo cũng sẽ được triển lãm trong dịp này. Anh thấy sao khi áo dài trở thành một phương tiện cổ động?
Trong đời làm báo và hoạt động đủ loại lĩnh vực, tôi từng nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận được một lời đề nghị hợp tác liên quan đến lĩnh vực… thời trang. Nhưng tôi hết ngạc nhiên rất nhanh khi biết mình được hợp tác với chị Minh Hạnh, một người bạn, một đồng nghiệp lâu năm. Với một người giàu ý tưởng và làm việc táo bạo quyết liệt như chị Mình Hạnh thì tôi rất thích hợp tác. Chị ấy biết cách biến cái không thể thành có thể. Các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật đều có những hoạt động tham gia tuyên truyền chống dịch, lĩnh vực thời trang cũng không chịu đứng ngoài lề. Thời trang chống dịch? Tại sao không? Các cuộc trình diễn thời trang áo dài nghệ thuật với các bộ sưu tập chủ đề chống dịch vừa qua của chị Minh Hạnh rất thành công đã nói lên điều đó.
Là một nhà báo nổi tiếng, đi nhiều, viết nhiều, vẽ tranh cũng… nhiều, gia tài một người làm báo như anh đến nay giá trị nhất là những gì?
Tôi có một câu slogan cho riêng mình thế này: “Thời gian một chiều, đi mãi rồi hết. Đi, yêu, và viết. Không có gì ngoài cả cuộc đời”. Tôi là người cầm bút. Gia tài lớn nhất của tôi chính là tình yêu con người. Không có tình yêu đó tôi không làm gì được. Tôi càng làm việc nhiều, càng đi nhiều, càng viết càng vẽ nhiều, tôi càng thấy yêu thêm đất nước mình, quê hương mình và mọi người, trong đó có gia đình mình. Nhờ tình yêu đó mà trong cuộc sống tôi luôn tin ở giá trị con người, luôn giữ lạc quan, luôn yêu sáng tạo, và luôn cố gắng làm việc không ngơi nghỉ.
HOÀNG NHI