'Giấc mơ Chí Phèo' - nhạc kịch đầu tiên được cảm tác từ văn học
(PNTĐ) - Với loại hình nhạc kịch thì văn học là một “mỏ vàng” màu mỡ. Và “Giấc mơ Chí Phèo” - vở kịch đầu tiên được cảm tác từ truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Một vở nhạc kịch Broadway thuần Việt, từ kịch bản đến âm nhạc và ê-kíp thực hiện, hy vọng sẽ chinh phục được khán giả Việt. Đó cũng là cách mà các nghệ sĩ đang hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch Việt.
Nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo" là dự án tâm huyết được thực hiện sau nhiều năm ấp ủ, bởi nhạc sĩ, nhà sản xuất Dương Cầm, nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng và đạo diễn, NSƯT Phùng Tiến Minh, chỉ đạo nghệ thuật NSND Huỳnh Tấn Minh.
Với trăn trở và khát vọng về một sân khấu broadway tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghe thưởng thức nghệ thuật musical, Dương Cầm đã hiện thực hoá điều đó sau rất nhiều năm ấp ủ. Anh cho biết, điều này trở nên dễ dàng hơn khi có sự tham gia của biên kịch Đinh Tiến Dũng, đạo diễn sân khấu Phùng Tiến Minh.
Theo nhà sản xuất Dương Cầm, “Giấc mơ Chí Phèo” là vở nhạc kịch mang đậm màu sắc broadway quốc tế. Lần đầu tiên, một vở kịch broadway cảm tác từ văn học nước nhà được vang lên làm thỏa mãn những khao khát của người Việt về giấc mơ broadway “musical made in Vietnam”.
Dương Cầm cho biết, chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo khác như âm nhạc, điện ảnh, hội hoạ từ trước đến nay không còn là điều xa lạ. Việc kể chuyện văn học Việt bằng ngôn ngữ sân khấu phương Tây ở Việt Nam cũng không còn là hy hữu.
Nhưng với loại hình nhạc kịch thì quả thực văn học là một “mỏ vàng" màu mỡ. Trên thế giới các vở nhạc kịch nổi tiếng được cảm tác và chuyển soạn từ các tác phẩm văn học kinh điển đều được đón nhận và có những ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng khán giả. Có thể kể đến những tác phẩm như: Những người khốn khổ (Les Misérables) của văn hào Victor Hugo và vở nhạc kịch broadway cùng tên, Dreamgrils, Nữ bá tước Mariza ( Grafin Mariza),…
Trong 90 phút, vở nhạc kịch với âm nhạc kể về cuộc đấu tranh khốc liệt của Chí Phèo với tấn bi kịch số phận. Chí Phèo với xuất thân và diện mạo bám sát với nguyên tác văn học. Tuy nhiên, Giấc mơ Chí Phèo không nặng nề về tâm lý và không đi sâu vào mô tả hiện thực đời sống của tầng lớp con người trong xã hội phong kiến, mà hướng tới yếu tố lãng mạn trong câu chuyện lứa đôi của Chí Phèo và Thị Nở.
Hầu hết nghệ sĩ biểu diễn trong vở diễn đều trẻ trung, tươi mới, những aria chất lượng cùng khả năng trình diễn gây nhiều bất ngờ, có tính đột phá. Có thể kể đến giọng ca nội lực, tình cảm như Đông Hùng (vai Chí Phèo) hay sự phát hiện mới mẻ giọng ca Hoàng Thái Phương, con gái của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, trong vai Thị Nở.
Nói về lý do thực hiện vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo”, nhà sản xuất Dương Cầm cho hay: “Giữa rất nhiều “món ăn” nghệ thuật và giải trí, tôi cho rằng nhạc kịch đang là xu hướng thưởng thức của khán giả. Từ trước đến nay, chúng ta làm nhạc kịch, tuy nhiên ở góc độ của một người làm âm nhạc tôi cho rằng những vở nhạc kịch ấy vẫn chưa đạt được yếu tố “chuẩn broadway". Từ nhu cầu thực tế và mong muốn khán giả đại chúng Việt Nam được thưởng thức nhạc kịch của người Việt theo chuẩn nhạc kịch chuẩn quốc tế. Chúng tôi nỗ lực biến “Giấc mơ Chí Phèo” trở thành thương hiệu musical made in Vietnam”.
Nhận xét về vở nhạc kịch lần này, nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng bày tỏ, “Chuyển soạn một tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao có rất nhiều sự thuận lợi bởi tính cách nhân vật và cốt truyện đã rất rõ ràng. Câu chuyện của Chí Phèo rất ý nghĩa ở chỗ nó tôn vinh tình yêu và giá trị nhân bản của con người: nhờ có tình yêu mà một con quỷ cũng trở thành con người, nhờ tình yêu một cô gái ngớ ngẩn cũng có thể trở thành một con người. Việc chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại trong vở diễn “Chúng ta muốn làm người bình thường” thực ra đôi khi làm người bình thường đã là một điều rất khó đối với nhiều người”.
Nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng cho hay, khi nhận được lời mời của Dương Cầm và NSND Tấn Minh anh vô cùng thích thú, bởi đây cũng là sự ấp ủ mà nhiều năm qua anh muốn được thực hiện.
“Tôi mong muốn đem tác phẩm Chí Phèo chuyển soạn thành một vở nhạc kịch mang thương hiệu Việt Nam, cách thể hiện gần với nhu cầu giải trí của khán giả. Chúng tôi có mong muốn làm sao để nó thật mới mẻ và thật hấp dẫn để mọi người đi xem có được trải nghiệm nghệ thuật thật thú vị và thật tuyệt vời. Chắc chắn đây là vở nhạc kịch mà quý vị sẽ cảm thấy rất đáng xem” - Nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng nói thêm.
NSND Tấn Minh bày tỏ kỳ vọng "Giấc mơ Chí Phèo" sẽ là một sự khẳng định của thương hiệu broadway musical made in Vietnam không chỉ với khán giả trong nước mà còn "rộng cánh vươn xa" về giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới.
“Giấc mơ Chí Phèo” sẽ được công diễn vào lúc 20 giờ ngày 23/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội).
Nhạc kịch Broadway là một thể loại âm nhạc mới xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX tại Mỹ và Anh, sau đó được lan tỏa khắp thế giới. Nhạc kịch Broadway là sự kế thừa của nhạc kịch cổ điển châu Âu với sự kết hợp của âm nhạc đại chúng, nhảy múa và phong cách diễn xuất tương tác với khán giả. Khác với các vở Opera, nhạc kịch Broadway tự do và phóng khoáng hơn bởi nó có thể là classic, rock, rap, pop ballad, jazz..., bất kể âm nhạc là gì miễn phù hợp là được. Vì thế, cũng sẽ dễ dàng tiếp cận với khán giả nghe nhạc hơn.