GIữ gìn lễ hội truyền thống trong mạch nguồn văn hóa dân tộc

Bài và ảnh: Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hà Nội là nơi có nhiều lễ hội nhất so với các địa phương khác trên dải đất hình chữ S. Hàng năm, Thủ đô có hơn 1.000 lễ hội diễn ra trong tổng số gần 8.000 lễ hội trong cả nước, thu hút đông đảo khách thập phương ghé thăm. Những lễ hội dân gian ấy đã góp phần không nhỏ để người dân Thủ đô gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hoá trong mạch nguồn văn hóa dân tộc.

Bài 1: Lễ hội dân gian - Nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô

Trong tiến trình lao động, đấu tranh để xây dựng cuộc sống và bảo vệ quê hương, đất nước, người Hà Nội đã sáng tạo và lưu giữ một nguồn vốn văn hóa dân gian đa dạng, trong đó phải kể đến những lễ hội dân gian, góp phần lưu giữ những phong tục, tập quán đặc trưng của địa phương, tạo nên sự phong phú của các giá trị văn hóa.

GIữ gìn lễ hội truyền thống trong mạch nguồn văn hóa dân tộc - ảnh 1
Những hoạt động trong khuôn khổ hội Gióng đều có ý nghĩa văn hóa đặc sắc.

Rộn ràng du xuân cùng lễ hội 
Cứ vào dịp Tết đến xuân về, khi các lễ hội rộn ràng khai hội thì người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung, dù bận rộn đến đâu cũng cố sắp xếp thời gian để cùng nhau hẹn hò đến với hội xuân. 

Về vùng đất cổ Mê Linh (Hà Nội) thăm viếng và tham gia lễ hội đền Hai Bà Trưng để tĩnh tâm và bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dòng giống Lạc Hồng trong những ngày đầu xuân là sự lựa chọn của nhiều người dân ở Hà Nội và cả nước. Ngay từ đầu năm, hàng ngàn người đã đến với lễ hội. Đây là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng nhằm tôn vinh công đức của hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc - Trưng Nhị và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh có ý nghĩa rất quan trọng, bởi ở đây không chỉ lưu lại dấu thiêng về 2 vị nữ anh hùng lúc bình sinh mà còn là nơi lưu giữ về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa Hai Bà Trưng của dân tộc. Lễ hội được tổ chức từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng. Cùng với người dân địa phương, hàng nghìn du khách trong, ngoài nước đã về đây tụ hội, dâng hương tưởng nhớ công lao chống giặc giữ nước của Hai Bà.

Ngay từ ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn, đông đảo người dân và du khách thập phương đã đến hội Gióng ở đền Sóc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đây là dịp để người dân ôn lại lịch sử, tri ân, tưởng nhớ công ơn của Thánh Gióng - một trong 4 vị Thánh“tứ bất tử” quen thuộc với nhân dân ta. Sau khi đánh tan giặc Ân, vị anh hùng bỏ lại tất cả, một mình một ngựa bay thẳng lên trời. Hình ảnh đó thể hiện khí chất hào hùng về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta. 

Theo ông Đào Anh Tú, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc, Hội Gióng là một trong những nét đẹp văn hóa, là lễ hội được tổ chức thường niên ở nhiều nơi thuộc khu vực Hà Nội. Tại hội Gióng đền Sóc năm nay, trò chơi nghi lễ Kéo Mỏ tiếp tục được tái hiện. Hội Gióng cũng là một trong những lễ hội đầu tiên ở nước ta được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Ngày 13 tháng Giêng hàng năm, người dân La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội) và khách thập phương lại tưng bừng mở hội rước lợn tưởng nhớ Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc gìn giữ bờ cõi đất nước. Tương truyền, mỗi lần chuẩn bị lên đường đánh giặc, ông lại mổ lợn khao quân. Mỗi lần như vậy, người dân trong làng mang lợn đến dâng. Sau này, người dân La Phù tôn ông làm Thành hoàng làng và vẫn giữ tục dâng tế lợn để tưởng nhớ ông. Đây là một lễ hội truyền thống của làng La Phù vẫn giữ được nguyên vẹn những nét truyền thống xưa kia, và trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân nơi đây.

Có thể thấy, cùng với các lễ hội ở Việt Nam, những lễ hội ở Hà Nội đều mang đến những giá trị tinh thần to lớn cho người dân Thủ đô và du khách gần xa. Có lễ hội chỉ diễn ra trong vài ngày, nhưng cũng có những lễ hội kéo dài vài tháng, song tất cả đều là dịp để các cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên địa bàn thể hiện mối quan hệ gắn bó, đoàn kết trong cuộc sống, đáp ứng nhu cầu về mặt đời sống tinh thần cho nhân dân. Đồng thời là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc. 
Đa dạng về sắc thái, độc đáo về giá trị 
Lễ hội dân gian là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, với những nét văn hóa vô cùng độc đáo nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Theo Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, lễ hội dân gian khu vực nội thành nói riêng, lễ hội dân gian Hà Nội nói chung có lịch sử lâu đời, rất đa dạng về sắc thái và độc đáo về giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa khá riêng biệt của Hà Nội, gắn với lịch sử của kinh thành Thăng Long. Các hoạt động trong các lễ hội Hà Nội đều gắn liền với quá trình phát triển của xã hội, với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, đời sống tâm linh của cộng đồng và dân tộc. 

GIữ gìn lễ hội truyền thống trong mạch nguồn văn hóa dân tộc - ảnh 2
Điệu múa trống bồng ở Triều Khúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Tại Lễ hội Tản Viên sơn Thánh, nghi lễ rước kiệu liên vùng dâng Thánh mẫu cùng phụ thân của Thánh Tản (từ đền Hạ sang đền Lăng Sương, tỉnh Phú Thọ); rước kiệu lễ, hạ lộc từ đền Lăng Sương về đền Hạ luôn nhận được sự quan tâm của nhân dân và du khách khi những nghi lễ này được phục dựng sau nhiều năm gián đoạn. Ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì cho biết thêm, tại Lễ hội, nhiều trò chơi dân gian như đẩy gậy, leo núi, cờ tướng, kéo co, ném còn, cà kheo, bắn nỏ… cũng được duy trì và tổ chức sôi động, góp phần phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời giúp việc du xuân, trẩy hội của người dân và du khách thêm phần vui tươi, ý nghĩa.

Ở Hà Nội có làng Triều Khúc (Thanh Trì) cứ đến mùng 9 tháng Giêng lại tưng bừng mở lễ hội truyền thống tưởng nhớ Thành hoàng Phùng (Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng). Lễ hội năm nào cũng thu hút đông đảo dân làng và du khách tới tham dự không chỉ bởi ý nghĩa lịch sử mà còn bởi sự độc đáo với điệu múa trống bồng hay còn gọi là múa "con đĩ đánh bồng" nức tiếng gần xa. Điều đặc biệt trong điệu múa "con đĩ đánh bồng" lại không hề có nữ nhân. Trong mỗi lần hội làng Triều Khúc, ít nhất phải có 6 "con đĩ" nhảy điệu múa bồng. Họ đều phải là trai tân chưa vợ, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo. 

Bên cạnh những lễ hội mang ý nghĩa lịch sử, Hà Nội còn có nhiều lễ hội mang ý nghĩa lưu giữ, phát huy giá trị của các làng nghề như lễ hội đình Kim Ngân, lễ hội làng nghề đúc đồng Ngũ Xá, lễ hội làng nghề Bát Tràng… Trong đó, điển hình phải kể đến lễ hội làng nghề Bát Tràng - làng gốm hơn 500 năm tuổi nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Lễ hội là nơi để tìm về những giá trị lịch sử, văn hóa của làng nghề gốm. Hoạt động nổi bật nhất của lễ hội này là cờ người và hát thờ. Để tổ chức cho trò cờ người thì hai đội chơi sẽ chọn ra 2 bà tướng cờ được cho là người có phẩm hạnh, đạo đức tốt và giàu có nhất trong làng. Mỗi tướng bà sẽ nhận nuôi 16 thiếu nữ độ tuổi từ 10 - 15 vừa xinh đẹp, vừa nết na để nuôi ăn uống và cho mang áo quần đẹp. Các cô gái sẽ được cho luyện tập làm cờ người trong một tháng mới được thi đấu trình diễn ở sân đình. Sau 3 chầu thi và 4 chầu cầm cờ đội nào vượt qua sẽ được hát thờ trong lễ hội của năm.

Có thể thấy, các lễ hội trên địa bàn nội thành Hà Nội đã tạo nên sắc thái riêng của những lễ thức, phong tục tập quán truyền thống người Hà Nội. Những giá trị đó trong thời gian qua đã tạo nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, việc phục hồi và phát huy lễ hội dân gian đóng vai trò rất quan trọng trong bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, tạo nên môi trường văn hóa lễ hội lành mạnh. Qua đó giữ được nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân tộc.

Bài 2: Tỏa sáng nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.