Giữ gìn và lan tỏa tình yêu Hà Nội qua văn hóa ẩm thực

Nguyễn Thị Thiện
Chia sẻ

(PNTĐ) - Là một nhà báo đam mê ẩm thực Hà Nội, chị Vũ Tuyết Nhung luôn canh cánh nghĩ về những món ăn đặc sắc của ông bà xưa nay chỉ còn vang bóng. Và trang Facebook “Hà Thành hương xưa vị cũ” do chị trực tiếp quản trị trang đã ra đời. Với nội dung phong phú, hấp dẫn, “Hà Thành hương xưa vị cũ” thu hút hơn 14 ngàn thành viên tham gia tương tác.

Giữ gìn và lan tỏa tình yêu Hà Nội qua văn hóa ẩm thực - ảnh 1
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung.

Lập trang mạng chia sẻ, giới thiệu món ngon của Hà Nội 

Chị Nhung, sinh năm 1957, là người Hà Nội gốc. Tốt nghiệp Thủ khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II năm 1980, chị về công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Nỗ lực được đồng nghiệp và cấp trên ghi nhận, chị đảm trách vị trí Trưởng ban Biên tập Văn hóa Xã hội của Đài. Năm 2012, sau khi nghỉ hưu, chị vẫn không ngừng lao động sáng tạo, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa ẩm thực các vùng, miền đất nước, nhất là ẩm thực Hà Thành.

Chị nghĩ phải làm sao để con cháu biết và bảo tồn được những giá trị ẩm thực tinh tế của ông cha. Làm thế nào để khôi phục lại các món ăn thể hiện sự khéo léo của con người đất Kinh kỳ khi món ăn ấy đã và đang bị lớp bụi thời gian phủ dần quên lãng? Khi trang “Hà Thành hương xưa vị cũ” ra đời, chị chia sẻ những kiến thức về những món ăn đặc trưng của Hà Thành. Không chỉ giới thiệu, chị hướng dẫn chi tiết cách làm những món ăn thường nhật mà đảm bảo chất dinh dưỡng đến mọi người từ những nguyên liệu không khó kiếm, lại phù hợp với mỗi mùa tiết trong năm. Các món ăn được đăng tải có cả hình ảnh minh họa sống động, chỉ nhìn cũng đã thấy ngon như: Bún ốc nguội, canh thịt nạc nấu sấu, ốc nấu thả, canh hoa thiên lý nấu giò sống, bún đậu mắm tôm, canh đậu hạt nấu sườn, cỗ chay lễ Phật Đản,… Những món ngon được chị phục cổ lại như: Vịt dấm ghém, bánh trứng ngỗng, rau khoai lang om mẻ ớt, dưa gang muối rang thịt ba dọi… 

Chị đã dày công nghiên cứu và thực hiện thành công rồi phổ biến đến mọi người. Nhờ đó, bạn đọc biết cách làm nhiều món ăn của Hà Nội thời xưa như: Măng mực Bát Tràng, bánh nhót Triều Khúc, bồng bồng nấu canh tôm… Điều thú vị là có những món ăn, chị sưu tầm được trong dân gian những câu ca dao ngắn gọn, dễ nhớ như: Cá rô canh cải nấu gừng/ Chẳng ngon thì chớ anh đừng chê bôi hay là Bồng bồng mà nấu canh tôm/ Ăn vào mát ruột đến hôm lại bồng… Những kiến thức từ trang mạng này được chia sẻ khắp nơi, nhiều người ở nước ngoài cũng biết và thực hành được.

Viết sách để lưu giữ giá trị văn hóa ẩm thực của ông cha 

Là người ham đọc, nữ nhà báo Tuyết Nhung thấu hiểu được giá trị của sách - nơi lưu trữ, đúc kết những tinh hoa văn hóa giá trị của loài người, con đường ngắn nhất để lĩnh hội tri thức các thế hệ đi trước. Vì thế, chị chắt lọc, tổng hợp kiến thức tích lũy được, sửa sang những bài viết suốt mấy chục năm làm báo, biên tập lại thành những vấn đề mà chị tâm đắc nhất, hợp lại thành sách. Trong mấy năm, chị đã hoàn thành 3 ấn phẩm: “Hà Thành hương xưa vị cũ” NXB Hà Nội - 2020; tái bản năm 2022, “Hà Nội mến thương” NXB Hội Nhà văn năm 2021; “Đặc sản bốn phương tụ hội” NXB Hà Nội - 2021. Ai đã đọc sách của chị cũng dễ nhận thấy ở đó ngồn ngộn những tư liệu cùng cảm xúc về ẩm thực Hà Nội. Riêng cuốn “Hà Nội mến thương” tập hợp những bài biên khảo, du khảo về văn hóa Hà Nội. Đơn cử như: Phong cách tà áo dài Hà Nội, thú chơi hoa thủy tiên, thú chơi chim yến, hội Thổi cơm thi Thị Cấm, hội Vật cầu Thúy Lĩnh, sống dậy nghề khảm đồng tam khí, hồi sinh nghề chạm bạc Hà Nội…   

Từ những món ăn gần gũi mà thanh cảnh, chị giúp bạn đọc thấy hình ảnh một Hà Nội ngay trên mâm cơm thường nhật mỗi nhà, trong nếp sống của mỗi gia đình, tập tục của mỗi làng quê, các lễ hội truyền thống, những nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội giàu tài năng và tâm huyết… Mỗi cuốn sách với những khảo nghiệm thú vị về văn hóa Hà Nội nói chung và ẩm thực Hà Thành nói riêng của một người Hà Nội được trình bày qua một văn phong bình dị. Ngoài giá trị thông tin thiết thực còn là những cảm xúc thẩm mỹ bồi đắp làm giầu thêm tâm hồn con người. Những trang "Ký ức từ căn bếp phố cổ”; “Món ngon từ làng ra phố” khiến bạn đọc luôn bị cuốn hút với những câu chuyện cảm động và càng thêm yêu Hà Nội mến thương. 

Những năm gần đây, khán giả - thính giả thường thấy nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tuyết Nhung xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn trên Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương và Hà Nội với những nội dung về văn hóa Hà Nội, đặc biệt là văn hóa ẩm thực trong tư cách một nhà báo giàu kinh nghiệm, một nhà sưu tầm biên khảo văn hóa dân gian giàu trải nghiệm. Với tâm và tầm của một nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cùng trái tim nhân hậu của một người bà, người mẹ, tình cảm và những việc làm tâm huyết của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đã góp phần thiết thực gìn giữ và phát triển những tinh hoa văn hóa của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thành phố vì Hoà bình.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.