“Hà Nội concert- Giai điệu người lính” chạm tới trái tim khán giả

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tối qua, 27/7, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình “Hà Nội concert- Giai điệu mùa hè” với chủ đề “Giai điệu người lính” do Đài PTTH Hà Nội thực hiện. Chương trình như lời tri ân sâu sắc tới những Anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh quên mình vì độc lập dân tộc, vì non sông thống nhất. Hơn 100 phút diễn ra, chương trình đã khiến người xem đắm chìm và xúc động với những ca khúc trường tồn, sống mãi về người lính, về tình yêu non sông đất nước…

Chương trình “Hà Nội concert- Giai điệu người lính” kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), được biểu diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của vị nhạc trưởng người Nhật tài ba Honna Tetsuji, Hợp xướng Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cùng phần biểu diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSƯT Đăng Dương, Lan Anh, Phạm Thu Hà, Đỗ Tố Hoa, Lê Xuân Hảo, Vũ Thắng Lợi. 

 “Hà Nội concert- Giai điệu người lính” chạm tới trái tim khán giả  - ảnh 1
Ca sĩ Phạm Thu Hà với tác phẩm "Biết ơn chị Võ Thị Sáu"

Mở màn chương trình là tác phẩm “Chiến sĩ Việt Nam” của nhạc sĩ Văn Cao, ca ngợi những người chiến sĩ cảm tử lên đường đi chiến đấu để giành lại bờ cõi, giang sơn, khi phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đang dâng lên như vũ bão và tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ngay từ tác phẩm đầu tiên được trình diễn, khán giả đã bồi hồi như được bước vào một chặng đường lịch sử của dân tộc có những đau thương, mất mát nhưng đầy hào hùng, tự hào và thiêng liêng về sự hy sinh hóa thành bất tử của những người con Việt Nam quên thân mình bảo vệ bình yên, độc lập cho tổ quốc. 

 “Hà Nội concert- Giai điệu người lính” chạm tới trái tim khán giả  - ảnh 2
Đăng Dương hát "Dáng đứng Việt Nam"

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc, lớp lớp thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, với ý chí kiên cường, bất khuất đã không tiếc máu xương để giữ gìn độc lập tự do và cho sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, chúng ta có một khối lượng đồ sộ các tác phẩm viết về người lính gắn với cuộc đấu tranh giải phóng vĩ đại của dân tộc. Nhiều tác phẩm đã trở thành bất hủ. 

Các tiết mục biểu diễn tại chương trình được lựa chọn từ các tác phẩm âm nhạc kinh điển đã chiếm trọn trái tim biết bao người yêu nhạc: "Chiến sĩ Việt Nam", "Biết ơn chị Võ Thị Sáu", "Cùng anh tiến quân trên đường dài", "Dáng đứng Việt Nam", "Người chiến sĩ ấy", "Cỏ non thành cổ", "Miền xa thẳm", "Người mẹ của tôi", "Giai điệu tổ quốc", "Sẽ về Thủ đô", "Hành quân xa", "Tiến về Hà Nội", "Bước chân trên dải Trường Sơn", "Hát mãi khúc quân hành"… Chương trình cũng đặc biệt mở rộng nói về hình ảnh những người lính quả cảm trên thế giới hy sinh thân mình bảo vệ tổ quốc như bản “1812 Overture” được nhà soạn nhạc người Nga Tchaikovsky sáng tác năm 1880. Bản nhạc với những giai điệu đầy cao trào về sự dữ dội của chiến tranh, ca ngợi sự hy sinh của những người lính vệ quốc và vượt lên tất cả là khát vọng hòa bình. “1812 Overture” sau khi ra đời đã được đón chào nồng nhiệt không chỉ ở Nga mà ở nhiều nơi trên thế giới. Âm nhạc của nước Nga hòa quyện với ngày lễ Độc lập ở Mỹ. 

 “Hà Nội concert- Giai điệu người lính” chạm tới trái tim khán giả  - ảnh 3
Ca sĩ Đỗ Tố Hoa và Lê Xuân Hảo hát "Giai điệu Tổ quốc"

Buổi biểu diễn "1812 Overture" vào ngày 4 tháng 7 năm 1976 của Arthur Fiedler và dàn nhạc Boston Pops diễn ra tại sân khấu Hatch Memorial Shell đã trở thành một trong những sự kiện âm nhạc đông đảo và đáng nhớ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tiếng súng đại bác và hiệu ứng nổ trong bản nhạc tạo ra một sự kết nối với cuộc chiến đấu của người Mỹ để giành được độc lập và tự do.

 Qua âm nhạc và sự thể hiện đầy xúc cảm của các nghệ sĩ, của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, hình ảnh người lính hiện ra rất đẹp trong từng ca khúc, người nghe được đắm chìm vào hơi thở lịch sử một giai đoạn hào hùng của dân tộc. Từ đây, mỗi người đều cảm thấy tự hào hơn về con người, đất nước Việt Nam, yêu hơn cuộc sống bình yên, êm đềm mà chúng ta đang có. 

Chương trình “Hà Nội concert- Giai điệu người lính” đã chạm tới trái tim của khán giả với những phần trình trình diễn đầy cảm xúc, những hình ảnh ấn tượng và những câu chuyện xúc động, ca ngợi, khắc hoạ đậm nét hình ảnh người lính sẵn sàng cống hiến, hy sinh xương máu của mình cho khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. 

Tin cùng chuyên mục

“Không gia đình” – Món quà nhạc kịch đầy cảm xúc cho thiếu nhi mùa hè 2025

“Không gia đình” – Món quà nhạc kịch đầy cảm xúc cho thiếu nhi mùa hè 2025

(PNTĐ) -Chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Nhà hát Tuổi trẻ mang đến cho khán giả nhỏ tuổi và gia đình vở nhạc kịch “Không gia đình”, chuyển thể từ kiệt tác văn học kinh điển của nhà văn Pháp Hector Malot. Đây là lần đầu tiên tác phẩm được dàn dựng trên sân khấu nhạc kịch tại Việt Nam, mở ra một không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, nhân văn và đầy cảm hứng sống.
Làng nghề may áo dài Trạch Xá mong tăng cường kết nối thị trường để phát triển nghề

Làng nghề may áo dài Trạch Xá mong tăng cường kết nối thị trường để phát triển nghề

(PNTĐ) - Làng Trạch Xá (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghề may áo dài truyền thống Việt Nam. Nơi đây, từng đường kim mũi chỉ không chỉ là sản phẩm của đôi bàn tay khéo léo mà còn là kết tinh của văn hóa, truyền thống và tâm huyết của nhiều thế hệ người dân.
Huyền Trang và “nốt lặng” khiến khán giả rưng rưng, dâng trào cảm xúc khi hát về Bác Hồ

Huyền Trang và “nốt lặng” khiến khán giả rưng rưng, dâng trào cảm xúc khi hát về Bác Hồ

(PNTĐ) - Trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người là Hồ Chí Minh” diễn ra ngày 18/5 vừa qua tại Quảng trường Ba Đình (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phần thể hiện của sao mai Huyền Trang đã gây xúc động mạnh cho khán giả được chia sẻ sôi nổi trên mạng xã hội với nhiều lời khen ngợi.
Hoàn Kiếm: Bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hoá

Hoàn Kiếm: Bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hoá

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả giữa lòng Hà Nội hiện đại, quận Hoàn Kiếm vẫn giữ vững vai trò “trái tim văn hóa” của Thủ đô. Với một kho tàng di sản phong phú, Hoàn Kiếm không chỉ đang gìn giữ quá khứ mà còn từng bước “đánh thức” di sản thông qua phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng không gian sáng tạo gắn với văn hóa ứng xử – tạo nên bản sắc riêng không thể trộn lẫn.