Hà Nội lấy ý kiến về tổ chức hoạt động trung tâm công nghiệp văn hóa, khu thương mại và văn hóa

M.NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hội thảo Giải pháp tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hoá và khu phát triển thương mại và văn hoá diễn ra ngày 18/4 đã làm rõ định hướng phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa(CNVH); khu thương mại và văn hóa trong Quy hoạch Thủ đô cùng một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng Nghị quyết và triển khai thực hiện trên thực tế.

Dự hội thảo có: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì; lãnh đạo các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các sở, ban, ngành; một số quận, huyện, thị xã cùng các nhà khoa học, đại diện làng nghề, nghệ nhân, nghệ sĩ,…

Hội thảo do TP Hà Nội giao Sở VH -TT Hà Nội tổ chức, quy tụ hơn 120 đại biểu tham dự. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm tập hợp các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, các địa phương, cộng đồng dân cư, nhà sáng tạo... về nội dung của Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa về công nghiệp văn hoá; Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa.

Hà Nội lấy ý kiến về tổ chức hoạt động trung tâm công nghiệp văn hóa, khu thương mại và văn hóa  - ảnh 1
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì Hội thảo.

Văn hoá - Nền tảng cho phát triển của Thủ đô 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội khẳng định: Việc triển khai thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa, Khu phát triển thương mại và văn hóa phù hợp với định hướng trong quy hoạch. Trong đó, phát triển trung tâm công nghiệp văn hoá là bước đi quan trọng trong việc xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo của cả nước và khu vực. Phát triển khu vực thương mại và văn hóa là một chiến lược quan trọng để kết nối phát triển kinh tế và văn hóa, tạo ra không gian sáng tạo, tăng cường giao lưu văn hóa, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế đô thị bền vững. Hai mô hình này sớm được đưa vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hoá, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số của Thủ đô Hà Nội trong 5 năm tới.

Khuyến nghị về một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng các mô hình trung tâm công nghiệp văn hoá và các khu thương mai và văn hoá, TS. Lê Ngọc Anh nhấn mạnh: Phát triển các Trung tâm công nghiệp văn hoá cần được quy hoạch hợp lý ở những khu vực có lợi thể về hạ tầng, điều kiện văn hóa - xã hội, đặc biệt phải có diện tích đủ lớn vì Trung tâm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, giúp thúc đẩy sáng tạo trong các ngành CNVH, đồng thời tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị. Việc hình thành các khu vực văn hóa trong trung tâm sẽ phục vụ phát triển du lịch, nâng cao giá trị thương mại và văn hóa của Hà Nội.

Hà Nội lấy ý kiến về tổ chức hoạt động trung tâm công nghiệp văn hóa, khu thương mại và văn hóa  - ảnh 2
Các đại biểu cho ý kiến về các dự thảo xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hoá và khu phát triển thương mại - văn hóa 

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội đang lấy ý kiến cho các dự thảo xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hoá và khu phát triển thương mại - văn hóa để triển khai Luật Thủ đô (2024), nhằm tạo điều kiện phát triển Thủ đô. Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 4 của HĐND, thành phố sẽ xem xét ban hành 2 nghị quyết này, tạo động lực phát triển Thủ đô trên nền tảng lấy văn hóa làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển CNVH không mới, nhiều nước trong khu vực đã phát triển mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,... Tuy nhiên, với Việt Nam, việc phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu để bảo đảm tính khả thi và thực tiễn cao. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cũng cho rằng, chúng ta hiện nay đang đối diện với thách thức rất lớn, cả nước cũng như Thủ đô phải tăng trưởng đạt 2 con số. Bên cạnh đó, để Hà Nội đạt mục tiêu tăng trưởng mà cụ thể là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh thì phát triển công nghiệp văn hoá là giải pháp quan trọng, đồng thời là lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội. Hà Nội kỳ vọng, với cơ sở pháp lý quan trọng là Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ phát huy tối đa tiềm năng văn hoá để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá Thủ đô. Việc phát triển công nghiệp văn hóa  đã và đang là xu hướng toàn cầu, một chiến lược phát triển quan trọng, toàn diện, bền vững, thu hút hợp tác quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh và đóng góp đáng kể vào GDP. 

Nhiều sáng kiến hay đối với việc phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô

Tại Hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân... đã tập trung vào các vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội; kinh nghiệm các nước như Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... 

Ông Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội  cho rằng,  Hà Nội có địa giới hành chính rộng, sức hút văn hóa lớn ở ngoại thành, có thể phát triển trung tâm CNVH hiệu quả. Hà Nội nên phát triển cả trung tâm do Nhà nước và tư nhân quản lý. Để phát huy các trung tâm CNVH, cần đầu tư hạ tầng giao thông. Ông chia sẻ thêm, ở Pháp, quản lý văn hóa được gắn với phát triển kinh tế. Hiện nay, ngành CNVH mang lại cho kinh tế Pháp khoảng 110 tỷ euro. Trên toàn EU, CNVH đứng thứ 3 sau Xây dựng và Kinh doanh nhà hàng - khách sạn. Lĩnh vực CNVH gồm nghệ thuật, quảng cáo, truyền hình, báo chí, điện ảnh, trò chơi điện tử... Ông Emmanuel Cerise đề xuất, Hà Nội nên tổ chức sự kiện thường kỳ như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo, hoạt động quảng bá di sản tại biệt thự 46 Hàng Bài. “Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng Hà Nội trong bảo tồn, phát huy di sản và xây dựng trung tâm CNVH hiệu quả”, ông Emmanuel Cerise nói.

Hà Nội lấy ý kiến về tổ chức hoạt động trung tâm công nghiệp văn hóa, khu thương mại và văn hóa  - ảnh 3
Quang cảnh hội thảo.

TS. Lê Ngọc Anh, Viện  trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, các khu phát triển thương mại và văn hóa cần được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về lợi thế vị trí, văn hóa - thương mại. Công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng cần thực hiện đồng bộ về giao thông, bãi đỗ xe, khu vực ăn uống, lưu trú, khu vực trải nghiệm; quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm; cảnh quan, vệ sinh công cộng… để phát huy tối đa, khai thác hiệu quả các Trung tâm công nghiệp văn hoá và Khu phát triển thương mại và văn hóa. Về xây dựng trung tâm công nghiệp văn hoá tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng, TS. Lê Ngọc Anh khuyến nghị khi xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông Hồng cần lưu ý các vấn đề về quy hoạch đê điều, thuỷ lợi. Cân nhắc nghiên cứu xây dựng các mô hình Trung tâm công nghiệp văn hóa thích ứng với điều kiện thủy văn của sông Hồng, không làm cản trở thoát lũ.

Bà Hà Thị Vinh làm Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội nêu ý kiến, hiện nay, hạn chế của làng nghề Bát Tràng vẫn là vấn đề giao thông, tuyến đường trục chính dẫn vào làng cổ Bát Tràng, không đảm bảo mỹ quan, ảnh hưởng đến khai thác du lịch, phát triển kinh tế xã hội của xã. Vì vậy, để thực hiện được mô hình khu phát triển thương mại văn hóa, cần tháo gỡ về cơ chế chính sách; quy hoạch; đầu tư; chính sách. Trong đó, đề xuất xây dựng vùng không gian cảnh quan bờ sông thành “tuyến phố du lịch ven sông”,  cho phép khu phát triển thương mại văn hóa có thể khai thác không gian cảng sông du lịch tại Bát Tràng để phát triển du lịch...

Còn bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đề xuất tái sử dụng khu công nghiệp cũ, di sản công nghiệp bị bỏ hoang thành trung tâm CNVH - vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo cảm hứng sáng tạo, biến những nơi này thành không gian sáng tạo; phát triển các trung tâm này dựa vào cộng đồng và có sự liên kết đa ngành: văn hóa, thiết kế sáng tạo, công nghệ, khuyến khích thử nghiệm mới và tạo không gian trải nghiệm. 

Hội thảo “Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hoá, khu phát triển thương mại và văn hoá” đã có 12 ý kiến về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa theo quy định tại khoản 7, khoản 8 điều 21 của Luật Thủ đô; chuẩn bị những luận cứ khoa học phục vụ công tác tổ chức, triển khai thi hành Luật Thủ đô và nâng cao hiệu quả của các Nghị quyết khi đi vào cuộc sống đối với trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa theo quy định tại khoản 7, khoản 8 điều 21 của Luật Thủ đô. 

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, việc phát triển CNVH là một trong những chủ trương quan trọng của thành phố nhằm biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện hiện nay, thành phố sẽ ưu tiên việc sử dụng lại các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ để cải tạo, chuyển đổi công năng phục vụ phát triển văn hóa. Thành phố sẽ chủ trương đẩy mạnh hình thức hợp tác Công - Tư (đầu tư công, quản trị tư), phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân. Thành phố Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ về công nghệ, truyền thông, hợp tác quốc tế và phát triển thị trường. Việc phát triển trung tâm CNVH cần được thực hiện theo lộ trình với những bước đi phù hợp, đạt hiệu quả cao. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.