Hãy để nàng Kiều vẹn nguyên… trên giấy!

Chia sẻ

Sau “thảm họa” Kiều @ của đạo diễn Đỗ Thành An cách đây chưa lâu, khán giả lại một lần nữa thất vọng với tác phẩm điện ảnh Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền. Sự bất ổn ở các khâu kịch bản, diễn xuất, kỹ thuật… đã khiến bộ phim “dậy sóng” dư luận.

Một phân cảnh phim Kiều.Một phân cảnh phim Kiều.

Nhân vật Kiều vô hồn

Bộ phim điện ảnh Kiều được nhà sản xuất - đạo diễn Mai Thu Huyền ấp ủ suốt 10 năm và thực hiện nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du. Chọn một trích đoạn từ nguyên tác Truyện Kiều, đạo diễn Phi Tiến Sơn phóng tác kịch bản.

Kiều mở đầu từ bối cảnh Kiều (Trình Mỹ Duyên) phải bán mình để cứu cha. Bị Mã Giám Sinh (Long “đẹp trai”) đưa vào lầu xanh của Tú Bà (Phương Thanh), Kiều nhanh chóng thu hút khách làng chơi giàu có vì nhan sắc kiều diễm. Gặp Kiều lần đầu tiên khi Tú Bà đưa nàng đi mua vải may áo, Thúc Sinh (Lê Anh Huy) say mê nên liều cứu nàng ra khỏi lầu xanh. Họ trốn tới vùng núi tuyệt đẹp sống những ngày hạnh phúc. Cho tới khi Hoạn Thư (Cao Thái Hà) biết mình bị chồng phản bội nên trả thù Kiều. Hoạn Thư được mẹ là Hoạn Bà tiếp sức, biến Kiều thành người hầu, tra tấn tinh thần nàng và Thúc Sinh.

Chọn lát cắt này trong tác phẩm văn học đồ sộ để chuyển thể, phóng tác là một lựa chọn thú vị. Mối tình tay ba Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư mang nhiều chi tiết đậm hơi thở đương đại khi đưa lên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, phim điện ảnh Kiều với những cải biên, sáng tạo ở kịch bản, nhân vật khiến phim không giữ đúng tinh thần và giá trị tư tưởng của Truyện Kiều.

Về diễn xuất, chỉ Hoạn Thư (do Cao Thái Hà đóng) là điểm sáng thuyết phục ở tuyến nhân vật chính. Từ một người vợ thương yêu, toàn tâm toàn ý chờ đợi nhưng không được chồng đáp lại, Hoạn Thư đau đớn phát hiện Thúc Sinh phản bội. Đau đớn nhất là phân cảnh Hoạn Thư tận mắt chứng kiến Thúc Sinh ân ái Kiều. Nhân vật từ yêu chuyển sang ghen tuông, thù hận, quyết tâm trả thù… Diễn xuất của Cao Thái Hà khiến người xem đôi khi đồng cảm, thương Hoạn Thư hơn là thương số phận Kiều.

Trái lại, nhân vật được chờ đợi nhất là Kiều do Trình Mỹ Duyên đóng thì hầu như không thể hiện được những biểu cảm quan trọng, cô “vô hồn” qua các phân cảnh khi ngạc nhiên, sợ hãi, lúc tủi hổ, bàng hoàng... Lúc bị Hoạn Thư ép vừa đàn vừa chứng kiến cảnh ân ái của Thúc Sinh, Kiều khóc thành tiếng nhưng không chạm tới cảm xúc người xem. Nhân vật Thúc Sinh do Lê Anh Huy đóng tốt ở những cảnh hành động, nhưng phân đoạn nặng tâm lý như đứng giữa Kiều với Hoạn Thư, nam diễn viên chưa thể hiện được sự bối rối, nỗi đau đớn, khó xử của nhân vật... Đạm Tiên (Mai Thu Huyền đóng) là sự sáng tạo của phim điện ảnh Kiều song không mang lại hiệu ứng tốt như mong đợi. Bảo vệ Kiều trước kẻ xấu, ngăn Kiều yêu Thúc Sinh, thôi thúc Kiều trả thù… khiến người xem cảm nhận Đạm Tiên có cái nhìn thù hằn với đàn ông, nhìn đời cực đoan đáng sợ.

Bên cạnh dàn nhân vật thiếu sức hút, cách chuyển cảnh, dàn dựng phim cũng rời rạc, đôi khi hụt hẫng. Cảnh nóng trong phim kéo dài, thô, thiếu nghệ thuật. Phim tạo mâu thuẫn giữa chuyện tình tay ba nhưng đoạn cuối được xử lý có phần qua loa khiến người xem cảm thấy hụt hẫng khi kết thúc.

“Thương thay thân phận nàng Kiều”

Kiều là tác phẩm đầu tay của Mai Thu Huyền trong vai trò đạo diễn phim điện ảnh và chị đã có sự lựa chọn quá “khó nhằn”. Thể loại phim cổ trang không phải là điểm mạnh của điện ảnh Việt, bởi nó chưa được ưu ái về nhiều yếu tố để có thể đảm bảo tính nghệ thuật trên màn ảnh như bối cảnh, phục trang, nhân vật… Hơn nữa, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là tác phẩm văn học không chỉ gắn liền với đời sống văn hóa người Việt mà còn mang tầm ảnh hưởng quốc tế. Bởi thế, khi Mai Thu Huyền giới thiệu dự án phim điện ảnh Kiều đã khiến nhiều người e ngại và cho rằng đây là sự liều lĩnh.

Khẳng định không mang cả cuộc đời Kiều lên màn ảnh mà ê-kíp sản xuất chọn giai đoạn Kiều bị đẩy vào lầu xanh và cuộc tình tay ba trái ngang với Thúc Sinh - chồng của Hoạn Thư để truyền tải thông điệp nhân sinh quan và khát vọng tình yêu, tự do của con người. Chỉ tiếc là tác phẩm không đủ hấp dẫn để khán giả “cảm” được thông điệp ý nghĩa đó.

Hồi cuối tháng 2, bộ phim Kiều @ của đạo diễn Đỗ Thành An ra rạp cũng nhận những ý kiến trái chiều. Được chuyển thể từ vở cải lương Nửa đời hương phấn của hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, Kiều @ của đạo diễn Đỗ Thành An xoay quanh số phận trái ngược của hai chị em Hương - Phấn.

Năm 2007, đạo diễn Othello Khánh cũng đưa câu chuyện về Kiều vào bối cảnh hiện đại với nhiều cải biên trong phim Sài Gòn nhật thực. Bộ phim xoay quanh chủ đề buôn người, mua bán trao đổi thân xác phụ nữ nhưng bối cảnh được chuyển thể từ thời xưa sang thời hiện đại, không ăn nhập, khiên cưỡng.

Có thể thấy, mặc dù lấy cảm hứng từ danh tác của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng những tác phẩm điện ảnh như Kiều, Kiều @ và Sài Gòn nhật thực dường như đã đi ngược lại với tinh thần nhân văn mà Truyện Kiều truyền tải. Chẳng những không nhận được sự đồng cảm của những người yêu thích kiệt tác Truyện Kiều, khán giả còn bày tỏ sự thất vọng và kêu gọi hãy cứ để nàng Kiều đẹp vẹn nguyên… trên giấy!

An Nguyên

Tin cùng chuyên mục