Bảo tồn, phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long:

“Hiến kế” khôi phục những di sản kiến trúc cung điện

THẢO MỘC
Chia sẻ

(PNTĐ) -Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia hội thảo khoa học “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long Hà Nội” đã cùng “hiến kế”, tạo cơ sở khoa học để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đưa ra các phương án khôi phục, tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới.

“Hiến kế” khôi phục những di sản kiến trúc cung điện - ảnh 1
Hội thảo “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long Hà Nội” quy tụ đông đảo các nhà 
khoa học Ảnh: TG

Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội thảo khẳng định, khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, đúng dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010).

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương, trong số 3 “cố đô” của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, Hoàng thành Thăng Long có nét độc đáo riêng, thể hiện sự nối tiếp, liên tục trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đây được coi là trung tâm chính trị quan trọng bậc nhất trong hệ thống các kinh đô của Việt Nam - nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử.

TS. Hà Văn Cẩn, Viện Khảo cổ học khẳng định nghiên cứu khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong 10 năm qua đã thu được những kết quả to lớn, giúp hiểu rõ được khoảng 35% diện mạo không gian chính điện Kính Thiên và điện Kính Thiên. Nếu tiếp tục khai quật và nghiên cứu, thời gian tới có thể nắm bắt được 35% kết cấu không gian này, 30% giới nghiên cứu sẽ khai thác tư liệu lịch sử, tư liệu nghiên cứu so sánh với các cố đô của Việt Nam hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… để có thể tiến tới phục dựng chính điện Kính Thiên với tính xác thực cao.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng nhấn mạnh, những kết quả của Hội thảo quan trọng này sẽ là cơ sở khoa học để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đưa ra các phương án khôi phục, tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới.

Đánh giá cao tính liên tục lâu dài của khu di tích, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, ông Christian Manhart cho rằng, Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Ông nhấn mạnh: “Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất”.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định, các cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực kinh đô Thăng Long và khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ minh chứng tiêu biểu, xác thực cho lịch sử - văn hóa Thăng Long, lịch sử - văn hóa Việt Nam phát triển liên tục qua hơn 1.000 năm lịch sử. Những giá trị lịch sử - văn hóa của Thăng Long đạt 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu đã đem lại cho Việt Nam và nhân loại một di sản văn hóa thế giới mà giá trị to lớn của nó đã được các chuyên gia quốc tế khẳng định: “Để hiểu biết lịch sử nhân loại, di tích này không thể thiếu được”.

Bảo tồn một công viên lịch sử
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, công tác quản lý di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Với tầm vóc là một di sản không chỉ của Việt Nam mà còn của cộng đồng quốc tế, rất cần có sự bổ sung, làm rõ hơn về các cơ sở tư liệu khoa học. Đồng thời đề xuất các phương án phù hợp nhằm khôi phục một cách hữu hiệu Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, bảo tồn một công viên lịch sử, nơi giáo dục truyền thống, tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học.

20 năm sau cuộc khai quật lớn nhất lịch sử khảo cổ học Việt Nam, 10 năm sau khi được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới, các giá trị toàn cầu nổi bật, tính liên tục của Hoàng thành đã là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, câu chuyện phát huy giá trị ấy như thế nào, bảo tồn một di chỉ khảo cổ rộng lớn ra sao, cả triệu di vật hiện sẽ được chỉnh lý, bảo quản, phục dựng ở giai đoạn nào… đang thực sự là vấn đề mà Hà Nội trong những năm tới phải tập trung thực hiện. 

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, việc tăng cường nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cùng công tác khai quật khảo cổ học sẽ đem lại nguồn tư liệu xác thực, góp phần tích cực và quyết định vào việc xây dựng nhiều chương trình bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản. Ông Tín cũng nêu 4 đầu việc đặc biệt quan trọng cần tiếp tục tiến hành đối với Hoàng thành Thăng Long. Đó là: Xây dựng khu bảo tồn các di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu; nghiên cứu khôi phục không gian điện Kính Thiên; nghiên cứu xây dựng bảo tàng Hoàng cung Thăng Long và nghiên cứu các phương án phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của kinh đô Thăng Long.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, việc bảo tồn khu di sản cần phải xem xét trong bối cảnh địa lý tự nhiên và địa lý - văn hóa. Nếu chỉ khoanh lại trong phạm vi 4 đường phố Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ và Hùng Vương là chưa đủ bao quát các yếu tố gốc cấu thành các giá trị nổi bật toàn cầu của khu trung tâm Cấm Thành với tư cách là hạt nhân của kinh thành Thăng Long xưa.

PGS.TS Đặng Văn Bài cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh ngày nay, không thể tham vọng giữ lại nguyên vẹn tất cả các yếu tố biểu đạt giá trị nổi bật mà phải chấp nhận lồng ghép vào đó các dấu ấn vật chất được phát hiện qua các nghiên cứu khảo cổ học, khu đô thị cổ Hà Nội, một đoạn La Thành, một số điểm di tích, các hạng mục kiến trúc đơn lẻ với tính cách là những “cột mốc” văn hóa, những điểm gợi nhớ để cùng với Trung tâm Hoàng thành tạo nên một diện mạo kiến trúc mới cho Khu di sản văn hóa thế giới ở Hà Nội. Các nhà khoa học ủng hộ ý tưởng đề xuất xây dựng Khu Trung tâm Hoàng thành thành một công viên lịch sử.

Khát vọng phục dựng Điện Kính Thiên
Nhiều ý kiến tại hội thảo một lần nữa dấy lên khát vọng phục dựng điện Kính Thiên - vấn đề từ lâu đã được đưa ra bàn thảo, nhưng vì nhiều lý do cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. PGS.TS Tống Trung Tín nhấn mạnh lại, không gian điện Kính Thiên thời Lê là không gian thiêng quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long trên các phương diện quy hoạch kinh đô, kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, tâm linh, vị trí và chức năng. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quốc gia quan trọng nhất của đất nước, nơi đề ra các quyết sách dựng nước, giữ nước thành công của các cấp lãnh đạo cao nhất trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử. Điều này đã được minh chứng qua các ghi chép của lịch sử, thư tịch cổ.

PGS.TS Bùi Minh Trí chỉ rõ vấn đề khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên hiện nay là sự hạn chế tư liệu về diện mạo, quy mô, hình thái nền móng, tức là phần dưới của công trình, bởi khảo cổ chưa khai quật khu vực nền điện Kính Thiên. Vấn đề tiếp theo và cũng là vấn đề then chốt là cần phải có những đầu tư nghiên cứu chuyên sâu, chuyên nghiệp về các loại vật liệu xây dựng kiến trúc cung điện thời Lê Sơ dựa trên những phát hiện khảo cổ học để từng bước giải mã về tính chất, chức năng, tên gọi của các loại cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp công trình.

Các nhà khoa học tại hội thảo đều đồng quan điểm rằng việc khôi phục chính điện Kính Thiên là khát vọng, mong mỏi của quốc gia, dân tộc. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã cho chúng ta những thành phần, căn cứ quan trọng nhất, nền tảng cơ bản nhất để phục dựng không gian thiêng này. Hiện nay, quá trình khảo cổ học cũng đã cung cấp những vật liệu kiến trúc, kỹ thuật kiến trúc, tuy chưa đầy đủ, nhưng đủ để hình dung, cũng như là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu xác định hình hài không gian chính điện Kính Thiên.

Đến từ Viện Nghiên cứu di sản văn hóa quốc gia Tokyo, chuyên gia Tomoda lưu ý, việc phục dựng điện Kính Thiên có thể phải phá bỏ các công trình chồng lớp khác, chính vì vậy cần phải suy nghĩ một cách hết sức nghiêm túc về vấn đề này để không làm tổn hại đến giá trị di sản. Đồng thời, cần chú ý đến yếu tố thời tiết, khí hậu bản địa có thể làm ảnh hưởng, bào mòn hiện vật khi đưa ra khỏi lòng đất, nhất là những hiện vật có chất liệu từ đất nung hay di vật đồ gốm. Vì vậy, cần tính toán, nghiên cứu kỹ để đưa ra phương án bảo quản phù hợp nhất…

Mặc dù còn nhiều thách thức trong công tác phục dựng do tư liệu còn chưa đầy đủ, nhưng các nhà khoa học tin tưởng sẽ sớm có được những giải pháp để phục dựng điện Kính Thiên. Bởi, như TS. Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội cho rằng, khi nào chưa phục dựng được chính điện Kính Thiên thì chưa nối lại được mạch nguồn chủ chốt của văn hóa Đại Việt. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.