77 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945-19/8/2022):
Hình ảnh người chiến sĩ công an trên màn ảnh nhỏ
(PNTĐ) - Phát sóng vào năm 1997, bộ phim “Cảnh sát hình sự” nhanh chóng trở thành một hiện tượng. Nối tiếp thành công đó, rất nhiều bộ phim đề tài tương tự được lên sóng. Đã có hàng trăm vai diễn người chiến sĩ công an nhân dân trên màn ảnh, gây ấn tượng trong lòng khán giả, cũng như góp phần nâng cao hình ảnh lực lượng công an nhân dân.
Từ những nghệ sĩ gạo cội đóng đinh với hình ảnh cảnh sát
Nhắc đến series “Cảnh sát hình sự” thì không thể không nhắc đến NSƯT Nguyễn Văn Báu. Sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật, dù rẽ sang đóng phim khá muộn nhưng từ vai diễn đầu tay trong bộ phim “Câu chuyện người tù”, ông đã bén duyên với hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân. Làm cảnh sát trên phim đã khó, làm sếp trong ngành lại càng khó hơn, ấy vậy mà gương mặt nghiêm nghị, phong thái đĩnh đạc rồi nụ cười hiền hậu, tất cả những thứ ông sở hữu như đo ni đóng giày cho vai diễn sếp ngành công an.
Hồi ấy, cứ sau một vài tập phim lên sóng, đoàn làm phim lại có buổi gặp gỡ với các đơn vị công an để nghe nhận xét của người trong cuộc, giúp phim chân thực hơn. Có lần lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng còn nhầm NSƯT Nguyễn Văn Báu là người trong ngành vì sự cần mẫn, cốt cán mà ông xây dựng cho nhân vật. Vị lãnh đạo này nói, phải là một chiến sĩ công an thực thụ mới có được phong thái đó.
NSƯT Nguyễn Văn Báu cũng thừa nhận rằng, cứ qua một tập phim, ông lại hiểu thêm về suy nghĩ, tình cảm của người chiến sĩ công an nhân dân. Nhờ thành công của series phim truyền hình này mà đến những bộ phim có đề tài tương tự sau này, đạo diễn lại ưu ái dành cho ông một vai… công an.
Cùng thành công với NSƯT Nguyễn Văn Báu trong những phần đầu của series “Cảnh sát hình sự” còn có diễn viên Võ Hoài Nam. Tạo hình của ông bố bốn con lúc ấy rất đặc biệt: Mặc thường phục, tóc dài, gương mặt lạnh lùng, đặc biệt khi phá án lại còn đa mưu túc trí.
Nói không ngoa, thời điểm cảnh sát Chiến phá án miệt mài trên màn ảnh nhỏ cũng là lúc không ít thanh niên muốn đi theo con đường chính trực này. Diễn viên Võ Hoài Nam từng tâm sự, vào vai chiến sĩ cảnh sát Chiến anh mê lắm, mê đến nỗi khi diễn ngón tay gãy lúc nào cũng không hay.
Nam diễn viên giỏi ở chỗ diễn cảnh sát không cần lên gân, cũng chẳng phải tỏ ra quá đạo mạo, chính cái lối diễn chân thực, giản dị lại giúp anh đi vào lòng người. Thành công của vai Chiến đã giúp Võ Hoài Nam trở thành một tên tuổi nổi bật, định vị dấu ấn đến tận bây giờ.
Đến chiến sĩ công an thế hệ mới trên màn ảnh
Nói diễn viên Bảo Anh là “đệ tử chân truyền” của NSƯT Nguyễn Văn Báu cũng không ngoa bởi sau 14 năm diễn xuất, anh dắt lưng rất nhiều vai diễn là chiến sĩ công an nhân dân trong các phim như “Người phán xử”, “Mê cung”, “Hồ sơ cá sấu”, “Mặt nạ gương”...
Thậm chí, nam diễn viên còn nuôi tham vọng trở thành diễn viên vào vai công an nhất nhiều nhất làng giải trí. Song, đó cũng là thử thách mà bản thân anh phải vượt qua. Trong số đó, một vai diễn khá ấn tượng phải kể đến với Bảo Anh chính là Bảo Ngậu, một cảnh sát chìm. Để vào vai, anh đã vào trại giam, tiếp xúc với tù nhân, thậm chí là nằm phòng tử tù để lấy chất liệu cho vai diễn. Thế nên, có khán giả đã kiên quyết cho rằng Bảo Anh chính là “cảnh sát nằm vùng”.
Kém Bảo Anh vài tuổi, nam diễn viên Thanh Sơn cũng đã có những thành công trong vai cảnh sát. Vai Đại úy Vũ - Phó trưởng phòng CSKT PC03 tỉnh Đông Bình trong bộ phim “Đấu trí” đang được phát sóng có thể xem là bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất của anh. Vai diễn khẳng định tài năng của Thanh Sơn khi thử thách ở một nhân vật khác biệt hẳn so với các vai diễn lãng mạn trước đó của anh. Nhất là vai các chiến sĩ cảnh sát luôn là vai khó đối với bất kỳ diễn viên nào.
Dòng phim về đề tài các chiến sĩ công an nhân dân tính cho đến nay có rất nhiều sản phẩm đã ra lò. Tuy nhiên, sự nhiều lên về mặt số lượng không đồng nghĩa với việc công tác làm phim trở nên dễ dàng hơn. Trò chuyện về điều này, Đinh Thái Thụy - đạo diễn của bộ phim “Bão ngầm” - cho hay: “Khi làm phim về đề tài đặc thù này, chúng tôi gặp phải hai khó khăn chung, thứ nhất là đạo cụ dành cho phim như quân trang, quân phục và các trang thiết bị công nghệ cao về chuyên môn rất khó tiếp cận, mỗi khi muốn tái hiện những đại cảnh lớn phải sử dụng đến xe chuyên dụng trong ngành rất khó khăn.
Thứ hai là khi khai thác về chuyên môn, nghiệp vụ bắt buộc phải có giới hạn nhất định vì nhiều điều không thể tiết lộ. Và việc bị kiểm duyệt rất gắt gao trước khi phát sóng cũng là lý do khiến phim không thể khai thác được triệt để những hình ảnh, vấn đề nhạy cảm khiến mọi thứ trong phim trở nên nửa vời và khó tiếp cận với khán giả. Điều này vô tình khiến cho hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân trên phim không được đẹp và hiện đại như đời thực”.
Chính những hạn chế đó cộng với những tính toán cho sự an toàn của nhà đầu tư khiến kịch bản điện ảnh về đề tài này bị nghèo nàn, diễn viên cũng không dễ diễn chân thật. Qua đây, đạo diễn 8X cũng mong rằng trong thời gian tới, công tác kiểm duyện sẽ nới lỏng hơn để những phim Việt về đề tài này được xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an mang nhiều màu sắc và thân phận chân thực hơn nữa.