Họa sỹ Trần Trọng Vũ và câu chuyện nghệ thuật thị giác

Chia sẻ

PNTĐ-Câu chuyện về nghệ thuật thị giác mà Vũ chia sẻ tại Manzi thực sự là một sự kiện đáng quan tâm và suy nghĩ trong đời sống nghệ thuật Hà Nội hôm nay.

 
Tuần qua, tại số 14-Phan Huy Ích, Manzi Gallery, công chúng và các nghệ sĩ Hà Nội được gặp lại họa sỹ Trần Trọng Vũ (ảnh) trong  một triển lãm sắp đặt “Tôi đến thăm bạn với một cây chuyện thị giác” và cuộc chuyện trò về chuyện nghệ thuật thị giác, những suy nghĩ về một dự án nghệ thuật mà nghệ sỹ đã dốc nhiều tâm sức trong những năm gần đây.
 
Họa sỹ Trần Trọng Vũ và câu chuyện nghệ thuật thị giác - ảnh 1
Họa sỹ Trần Trọng Vũ
 
Trần Trọng Vũ cho biết, “Thư của chỉ một người” là tác phẩm đầu tiên trong chuỗi những tác phẩm nằm trong ý tưởng của họa sỹ. Thông thường, nghệ sĩ trưng bày kết quả cuối cùng của tác phẩm, nhưng Trần Trọng Vũ lại muốn đề nghị một tác phẩm chứa đựng trong nó toàn bộ quá trình làm việc và người xem có thể hình dung lại được tiến trình xây dựng tác phẩm, thông qua hai cuộc tiếp cận đồng thời: nhìn và đọc.
 
Tác phẩm số 1 thoạt đầu được xem như một thể nghiệm trong cuộc tìm kiếm những hình ảnh để xây dựng tác phẩm. Anh đã quyết định cắt đứt với thế giới bên ngoài, với những thú vui thường nhật để chỉ có thể đối diện với chính bản thân mình. Anh ghi lại những ngày chờ đợi hình ảnh, dưới hình thức một cuộc viết thư cho một người không quen đã biến mất một cách vô lý vào một ngày đầu năm 2011. Ngày qua ngày trong một không khí đầy lên những suy tư để anh chỉ có thể hiểu rằng tất cả đều phải trở nên không thể và cuộc thể nghiệm cũng phải kết thúc ở ngày thứ 21. Sau đó, tất cả những ngôn từ được viết trên những tờ giấy đã được anh sử dụng như những chất liệu sắp đặt.
  
300 trang giấy bị vò nát rồi được mở ra, để mặt phẳng của mỗi trang giấy được thay thế bằng một hình thể báo hiệu bi kịch. Chúng được treo lơ lửng, đầy ắp trong một không gian khép kín, với một thứ ánh sáng đông cứng đầy ám thị. Trong cái không gian đó, chúng ta có thể bước vào, thả lỏng các giác quan, yên lặng cảm nhận những xúc cảm từ trong bản thân mình. Và có thể đọc toàn bộ cuộc viết thư, để hiểu tác phẩm đã được xây dựng như thế nào. Đây là một thể nghiệm chuyển ngôn từ thành thị giác, hoặc nói cách khác, dùng phương tiện thị giác để chuyển tải lại những gì không phải là hình ảnh.
 
Họa sỹ Trần Trọng Vũ và câu chuyện nghệ thuật thị giác - ảnh 2
Bản thảo “Thư của chỉ một người”
 
Tác phẩm số 2 là một tác phẩm sắp đặt mang tên “Anh có biết nếu như anh hạnh phúc?”, được giới thiệu bằng một đoạn tư liệu video, quay từ phía ngoài vào cận cảnh một hình ảnh 3 chiều, có các nhân vật chính, phụ, với các vẻ mặt, các dáng điệu, động tác, với muôn vàn những bông hoa, và tất cả chuyển động không ngừng theo bước chân người thưởng thức. Tất cả vừa giống như cuộc sống với những gì ta vẫn nhìn thấy, vừa ngẫu nhiên, vừa như một thứ ẩn dụ, những ngôn từ lấp ló ở đằng sau cái ta nhìn thấy.
 
Nếu như tác phẩm số 2, hoàn toàn làm bằng hình ảnh, thì tiếp đến tác phẩm số 3 lại chỉ bằng ngôn từ. Đây là một cuốn tiểu thuyết không dấu phẩy, dài 290 trang, có câu chuyện, có nhân vật, có thời gian, nhưng toàn bộ câu chuyện và các nhân vật đều được đưa vào trong những bối cảnh của hình thể và màu sắc. Hình ảnh ở đây được tác giả đặc biệt quan tâm và trở thành nguyên nhân của mọi diễn biến của tiểu thuyết. Hình ảnh ở đây chính là những cửa sổ, là hơi nước, là bầu trời “khủng khiếp xanh”, là một chiếc khăn giấy bị vò nát dưới hình dạng một bông hoa nhầu nát, nhưng bông hoa này lại giấu vào bên trong nó dấu vết của một đôi môi mầu cà phê, của một người đàn ông chạy trốn tình yêu… Hình ảnh và ngôn từ của tiểu thuyết tác động lên nhau để tạo nên những ấn tượng, những cảm xúc, và nhận thức nơi người đọc.
 
Tác phẩm số 4 trong chuỗi sáng tác là sự kết hợp giữa Trần Trọng Vũ và 31 nhà thơ, nhà văn và họa sỹ Pháp đương thời, với cách thức Cadavre-Exquis của những nghệ sĩ siêu thực. Một hình vẽ được đưa ra cho một nhà thơ, rồi nhà thơ sẽ viết tùy theo cái anh ta nhìn thấy, rồi từ những câu thơ, một họa sỹ lại tiếp tục làm đối thoại bằng một hình ảnh, rồi tiếp tục gửi nó cho một nhà thơ khác, cứ thế… cho tới người thứ 31. Toàn bộ 31 cuộc đối thoại này chính là một tác phẩm khổng lồ của 31 tác giả.   Không có gì để kiểm soát, và nhờ vậy những điều bất ngờ đã xẩy ra. Có thể nói đó là một phương pháp thú vị để tạo ra những tương tác gây hiệu quả bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng, để từ đó Vũ tiếp tục mở ra những cách thức khác nhau, những cách biểu đạt khác nhau trong các tác phẩm mới.
 
Họa sỹ Trần Trọng Vũ và câu chuyện nghệ thuật thị giác - ảnh 3
Một phần trong sắp đặt “Tôi đến thăm bạn với một
câu chuyện thị giác”
 
Vũ cho biết ngoài ra anh còn song song thực hiện 2 tác phẩm nữa của dự án, một với nhà thơ Giáng Vân, đây cũng là một cuốn sách được hình thành trên sự tương tác giữa hình ảnh và ngôn từ giữa họa sỹ và nhà thơ. Còn tác phẩm số 6 sẽ là một tác phẩm sắp đặt, trong khuôn khổ một cuộc triển lãm của mười họa sỹ của nhiều nước trên thế giới, trên đảo Gorée ở châu Phi, nơi đầu tiên mà người da trắng đã giam giữ nô lệ da đen trước khi họ bị bán đi. Trong tác phẩm này ngôn từ sẽ được viết trên những cánh hoa. Cả hai tác phẩm kể trên đều dự kiến hoàn thành trong năm 2014.
 
Ban đầu Vũ rất day dứt, phân vân để lựa chọn giữa ngôn ngữ tạo hình và ngôn ngữ viết, và rồi anh quyết định sử dụng cả hai, nhưng khi dùng ngôn ngữ viết, anh buộc phải xóa đi ngôn ngữ kia, quên đi rằng mình là một họa sỹ, và ngược lại. Nhưng giống như một sự run rủi của số phận, ngoảnh lại những gì anh làm, dường như đều có sự liên quan một cách kỳ lạ giữa hai thứ ngôn ngữ vốn rất khác nhau này.
 
Vũ không mấy quan tâm tới ranh giới của các thể loại, các chất liệu, những cách thức được coi là mực thước, anh chỉ cốt làm sao tìm ra những cách biểu đạt hiệu quả nhất điều cần biểu đạt. Tinh thần tự do này cùng với lao động cật lực đã khiến anh ngày một đi xa hơn trong sáng tạo. Kết quả ban đầu mà Vũ nhận thấy, đó là những hiệu quả kinh ngạc trong sự kết hợp giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ tạo hình, trong những va đập và tương tác giữa cá nhân nghệ sỹ với những cá thể khác, họ có thể là các nhà thơ, những người ẩn danh. Những va đập, tương tác này tương tự như những thí nghiệm của các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm để tạo ra những vật chất mới từ những nguyên liệu đã biết.
 
Chẳng hạn, trong tác phẩm số 6, dự kiến triển lãm ở Gorée, anh sẽ không đưa ra bất kỳ một hình ảnh nào u ám, trái lại, nó sẽ gồm rất nhiều những bông hoa rực rỡ màu sắc, mỗi bông hoa sẽ chứa đựng một thông điệp của một con người nào đó. Những thông điệp này hiện họa sỹ đang thu thập từ nhiều quốc gia, những cá nhân bất kỳ, họ sẽ gửi cho họa sỹ về một câu chuyện cuộc đời họ, điều mà họ cho là quan trọng nhất. Cái làm cho họa sỹ kinh ngạc nhất, là phần lớn những thông điệp của họ nói về tình yêu. Trần Trọng Vũ nói rằng, chính những bất ngờ, những ngạc nhiên mới là điều anh muốn tạo ra, và nó thúc đẩy anh đi tiếp trên con đường nghệ thuật.
 
Không chỉ thế, Trần Trọng Vũ rất muốn được chia sẻ với công chúng, đặc biệt, với những nghệ sỹ Việt nam, nơi mà trong hơn 20 năm, trong tất cả những giấc mơ, ngoài những hình ảnh của quê hương anh không hề mơ thấy gì khác. Chính vì vậy mà trong tất cả những lần trở về Việt nam, Vũ đều tranh thủ tối đa thời gian để có được những chương trình làm việc với các họa sỹ trẻ Việt nam, khi thì một cuộc triển lãm chung, khi thì những cuộc nói chuyện về nghệ thuật, khi là một chương trình thỉnh giảng ở trường Đại học Mỹ thuật, với một mong muốn sâu xa, được chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của cá nhân anh về kiến thức, quan niệm nghệ thuật.
 
Câu chuyện về nghệ thuật thị giác mà Vũ chia sẻ tại Manzi thực sự là một sự kiện đáng quan tâm và suy nghĩ trong đời sống nghệ thuật Hà Nội hôm nay.

Thụy Phương

Tin cùng chuyên mục

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử

(PNTĐ) - Hằng năm, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung được tổ chức long trọng tại hai địa điểm: xã Dạ Trạch (nay là xã Phạm Hồng Thái) – nơi có đền Hóa – Dạ Trạch, và xã Bình Minh – nơi có đền Đa Hòa (thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đây còn được ví như lễ hội của tình yêu, là một trong những lễ hội trọng điểm của tỉnh, mang đậm sắc màu văn hóa dân gian Vùng đồng bằng Bắc Bộ và gắn liền với truyền thuyết về Chử Đồng Tử – một trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng”

Tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng”

(PNTĐ) - Ngày 9/4, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chương trình: “Tọa đàm-Gặp mặt nhân chứng lịch sử” nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)”. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đến dự.
Phụ nữ có vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy làng nghề, phát triển công nghiệp văn hoá

Phụ nữ có vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy làng nghề, phát triển công nghiệp văn hoá

(PNTĐ) - Sáng ngày 9/4, tại Trung tâm văn hoá huyện Ứng Hòa đã diễn ra Chương trình Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Phụ nữ Thủ đô tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo năm 2025 (Chương trình), với sự tham gia của gần 200 đại biểu là nữ nghệ nhân, thợ giỏi, lao động nữ huyện Ứng Hòa.
Cơ hội bứt phá cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

Cơ hội bứt phá cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân và cộng đồng. Đã có nhiều ý kiến cho rằng tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa là điều cần thiết và đó là cơ hội để bứt phá cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.