Khai mạc Lễ hội Đống Đa được truyền hình trực tiếp
(PNTĐ) - Lần đầu tiên Lễ hội Đống Đa (Hà Nội) được truyền hình trực tiếp trên kênh H1 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị, các đài phát thanh và truyền hình các tỉnh, thành phố trên cả nước và các nền tảng số, vào lúc 20h10 ngày 2/2/2025 (tức ngày mùng 5 Tết Ất Tỵ).
Đó là thông tin tại buổi gặp mặt báo chí và thông tin về Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2025) do Quận ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN quận Đống Đa tổ chức.
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức để tưởng nhớ công lao của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và nhân dân đã anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Thông tin tới các cơ quan báo chí, Ban Tổ chức Lễ hội cho biết, năm nay, Lễ hội sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 - 4/2 (tức từ mùng 5 - 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Điểm khác biệt là năm nay lễ kỷ niệm được tổ chức vào tối 2/2 thay vì vào buổi sáng như mọi năm tại Công viên văn hóa Đống Đa.
Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước”. Chương trình nghệ thuật đặc sắc được xây dựng theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại, kể lại lịch sử một cách hiện đại và mới mẻ, biến chuyển tinh tế bằng kỹ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: Ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống… Trong đó, công nghệ 3D mapping sẽ vẽ lại bức tranh oanh liệt bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, ấn tượng.
Sân khấu liên tục thay đổi bối cảnh, giúp tái hiện sống động những khung cảnh trong đời sống của Nhân dân trong bối cảnh cuối thế kỷ XVIII, sự nhiễu nhương, rối loạn của triều đình, của giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài, khí thế hừng hực trong các cuộc chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn. Khán giả có lúc sẽ như đang trong cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, xung quanh là voi, ngựa, giáo mác, cung tên..., có khi như đang đứng trên chiến thuyền trong trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút, có khi lại như đang hân hoan trong khúc khải hoàn của Nhân dân Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789.
Chương trình cũng có sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ và MC nổi tiếng. Báo Kinh tế & Đô thị là đơn vị bảo trợ truyền thông cho Lễ hội. Chương trình là đêm hội của âm thanh và ánh sáng, thể hiện sức hấp dẫn của công nghệ hiện đại trên nền tảng cốt lõi là các câu chuyện lịch sử giá trị, tạo nên một làn gió mới, cách tiếp cận và biểu đạt mới cho các câu chuyện lịch sử trong nhịp sống đương đại, thu hút sự theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách.
Trong những ngày diễn ra Lễ hội, còn có nhiều hoạt động đặc sắc, như: Lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn địa phương; lễ rước kiệu; biểu diễn múa lân, rồng; biểu diễn võ thuật Bình Định Gia; hội thi cờ tướng, cờ người; viết thư pháp...
Cũng theo Ban Tổ chức Lễ hội, dịp này Quận sẽ triển khai và chính thức ra mắt tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết vào ngày 18/1.