“Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua”, người tử tế và sự lương thiện còn lại

Chia sẻ

Nhà văn Sương Nguyệt Minh vừa gây chú ý khi phát hành tập bút ký - bình luận “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua”. Đây là một trong số ít những cuốn sách phản ánh về đại dịch Covid-19 được phát hành.

Tập sách “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua”Tập sách “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua”

Báo Phụ nữ Thủ đô có dịp trò chuyện cùng nhà văn xung quanh cuốn sách.

Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh! Cuốn sách “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua” vừa ra mắt của ông đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Để hoàn thành tập sách này, ông đã “dấn thân” ra sao giữa đại dịch?

Thực ra, cái gọi là “dấn thân” khi viết tập sách này cũng không có gì to tát, công phu theo nghĩa lao động sáng tạo nghệ thuật mà nhiều người chủ trương. Đại dịch Covid-19 là một hiện thực quá dữ dội, khốc liệt. Không chỉ nhà văn mà mọi người dân đều trải nghiệm “dấn thân”. Cách nhà tôi 100m là 12 ca dương tính virus Sars-Cov-2, sống trong tình cảnh “nhà nào ở nguyên nhà đó” trong “vùng đỏ” bức bối, ngột ngạt, nghĩ ngợi… cũng là trải nghiệm. Chẳng cần quyết chí “dấn thân” thì cũng buộc phải trải nghiệm “dấn thân” rồi.

Ông mong muốn độc giả thấy được những gì khi đọc cuốn sách này? Ông có ấn tượng sâu sắc nào đó với câu chuyện tình người trong đại dịch?

“Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua” thì hiển lộ tất cả xấu tốt nguyên hình. Có kẻ cơ hội, trục lợi, yếu hèn, có người lơ là, lo lắng, sợ hãi, có cả “coi trời bằng vung”, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, nhưng phần đông là người tốt, tử tế, lương thiện, “lá lành đùm lá rách” trong thiên tai hoạn nạn. Đặc biệt là những người ở tuyến đầu chống dịch.

Tôi có ba tâm trạng lớn nhất khi đại dịch Covid-19 tràn đến: Một là, tức giận phẫn nộ với những kẻ cơ hội, lợi dụng dịch dã để trục lợi trên tính mạng nạn nhân là đồng bào của mình. Hai là, xót xa khi người thân, bạn bè, và đồng bào mình bị nhiễm virus Sars-Cov-2 hàng loạt. Chết chóc tang thương quá, trong khi kinh tế đình đốn, chuỗi cung ứng đứt gãy, an sinh xã hội khó khăn. Ba là, đặc biệt trân trọng, cảm phục và thương những bác sĩ, y tá, điều dưỡng, những người ở tuyến đầu chống dịch. Họ ở nơi bị đe dọa tính mạng, hiểm nguy nhất. Lao động căng thẳng vượt quá khả năng chịu đựng của con người hàng trăm %. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh lắm, mà họ vẫn không nề hà, không rời bỏ đội ngũ vì tính mạng đồng bào.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh (Ảnh: NVCC)Nhà văn Sương Nguyệt Minh (Ảnh: NVCC)

Văn học, nghệ thuật phục vụ cuộc sống, trong lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh cũng đã có nhiều tác phẩm về đại dịch, cổ vũ mọi người cùng vượt qua khó khăn. Nhưng đến thời điểm này, các tác phẩm văn học về đại dịch khá ít ỏi, theo ông nguyên nhân là do đâu? Và, làm sao để có thêm nhiều tác phẩm về đại dịch trên mặt trận văn chương?

Văn học - nghệ thuật có tính phát hiện và dự báo. Có những nhà văn viết rất hay, đã dự báo dịch bệnh, ngày tận thế của hành tinh trong tác phẩm của họ. Nhưng, về cơ bản nhà văn thường là đi sau sự kiện, hiện tượng. Cái này do đặc thù nghề nghiệp thôi. Nhà văn cần có độ lùi thời gian để nghĩ ngợi, để chiêm nghiệm. Nếu viết ngay khi sự kiện vẫn đang nóng bỏng diễn ra thì cùng lắm là sử dụng các thể loại “tác chiến nhanh” như bút ký, phóng sự, thơ… chứ đụng đến tiểu thuyết là phải cần thời gian. Cho nên chẳng lạ gì khi văn học viết về đại dịch thưa vắng, đặc biệt tiểu thuyết lúc này là “số 0”. Tôi nghĩ cũng chẳng nên nóng vội.

Về vấn đề “Làm sao để có thêm nhiều tác phẩm về đại dịch trên mặt trận văn chương?”. Khó quá. Văn chương là mùa vụ, cứ cày cuốc, gieo trồng đến kỳ là thu hoạch, nhưng đâu phải năm nào cũng có mùa vàng. Đâu phải khoai ngô đầy bồ thì thóc cũng đầy cót. Thất bát là chuyện thường xuyên của văn chương, có khi cả chục năm cũng chẳng có tác phẩm hay. Cái thời văn chương như phong trào, thời của “Tiếng hát át tiếng bom” cũng qua lâu rồi. Giả sử có cuộc phát động viết văn về dịch Covid-19 thì cũng khó mà thành công! Hãy để tự nhà văn viết, tự nhà văn có nhu cầu cất tiếng.

Sau “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua”, ông có dự kiến nào đó về một tác phẩm lấy cảm hứng từ đại dịch?

Đã là người sáng tác thì lúc nào cũng đầy ắp ý tưởng, dự định, tôi cũng quan tâm lưu trữ tài liệu, ghi chép, nghĩ ngợi về đại dịch Covid-19 nhưng để viết một tác phẩm dài hơi như tiểu thuyết về nó lại là câu chuyện khác - nó thách thức nhà văn, không dễ đâu.

Cảm ơn nhà văn Sương Nguyệt Minh!

NAM PHONG

Tin cùng chuyên mục

Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam trao tặng quà và học bổng cho Hội LHPN Hà Nội

Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam trao tặng quà và học bổng cho Hội LHPN Hà Nội

(PNTĐ) - Sáng 08/5/2024 tại Hà Nội, Công ty Sen Vàng tổ chức Họp báo công bố lịch trình cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam. Tại buổi họp báo, cuộc thi đã trao tặng 100 phần quà và 20 triệu đồng gây quỹ học bổng cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội cùng kế hoạch buổi chia sẻ truyền cảm hứng dành cho phụ nữ Hà Nội. Đại diện Hội LHPN Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Phạm Thị Thanh Hương đã đón nhận món quà ý nghĩa này.