Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”. Chương trình đưa khán giả đi suốt dọc hành trình hơn 3.000 ngày trường chinh đánh giặc cho tới thắng lợi Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và ngày về Thủ đô trong khải hoàn chiến thắng.

Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội” là một trong những sự kiện ý nghĩa chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tới tham dự chương trình có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải.

Chương trình giúp khán giả ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc qua các hình thức nghệ thuật đặc sắc, từ đó thêm tự hào về chiến công hiển hách của cha anh, biết ơn những hy sinh xương máu đã đổ xuống để giành lấy hoà bình, độc lập ngày hôm nay, để từ đó, chúng ta thêm hiểu lý do vì sao Điện Biên Phủ trở thành bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh, là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. 

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội” - ảnh 1
Chương trình giúp khán giả ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc

Ngay từ đầu chương trình, tổ khúc “Hồi tưởng” đã đưa khán giả trở lại với mùa thu tháng Tám lịch sử với ngập tràn những âm hưởng lạc quan, tự hào về một thời đại mới. Thế nhưng, vận mệnh Tổ quốc tiếp tục phải đứng trước những thử thách lớn lao hơn. Một loạt các tác phẩm âm nhạc, hoạt cảnh đã đưa khán giả cùng sống lại những ngày tháng sục sôi của mùa Đông Hà Nội năm 1946 “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trong cuộc chiến ấy không chỉ có đạn bom, khói lửa, máu đổ… mà còn có một Hà Nội lãng mạn và kiêu hãnh tỏa sáng giữa bom đạn kẻ thù. Cùng cả nước, Hà Nội bước vào cuộc trường chinh 9 năm kháng chiến. Các ca khúc “Quê hương anh bộ đội”, “Tình đồng chí”, “Bộ đội về làng”, “Tiểu đoàn 307”… đã cho thấy những điều đó. 

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội” - ảnh 2
NSƯT Đăng Dương biểu diễn trong chương trình 

Từ Hà Nội, chương trình đem đến cho khán giả cả nước những câu chuyện đầy xúc động, những ký ức hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ qua lời kể của các nhân chứng lịch sử và các phần trình diễn nghệ thuật. Những chia sẻ của các nhân vật lịch sử cùng các phóng sự, các thước phim tài liệu đan cài trong chương trình đã giúp khán giả sống lại những ngày tháng lịch sử oai hùng với tinh thần “quyết tâm còn cao hơn núi” của quân dân ta. Đó là hình ảnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - con người của những quyết định lịch sử; là chia sẻ của các nhân vật như ký giả người Australia Wilfed Burchett - người từng đến Việt Nam vào đầu năm 1953, từng gặp Hồ Chủ tịch đúng vào thời điểm ta đang chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ; đại tá Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; ông Đỗ Ca Sơn - Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316; đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Đăng Vinh…

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội” - ảnh 3
Rất đông khán giả đã tới tham dự chương trình. Mỗi tiết mục, mỗi câu chuyện hay thước phim đều đem đến cảm xúc bồi hồi, tự hào

Câu chuyện của các nhân chứng lịch sử đã trả lời câu hỏi là tại sao lại chọn Điện Biên Phủ? Sau 8 năm chiến tranh xâm lược, người Pháp ngày càng thiệt hại nặng nề. Các vùng chiếm đóng bị thu hẹp, binh lính trên chiến trường bắt đầu chán nản, sức ép trong nước ngày càng gia tăng.

Ngày 7/5/1953, Henry Navarre được cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Đây là một viên tướng tài, trước khi tới Việt Nam, Navare giữ chức Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh lục quân Trung Âu, thuộc khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đứng trước nguy cơ thất bại tại Đông Dương, Henry Navarre đã sốt sắng đề ra một kế hoạch quân sự với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội” - ảnh 4
Các tác phẩm được lựa chọn trong chương trình đều rất đặc sắc, tiêu biểu 

Nhưng vì sao trận quyết chiến lại diễn ra ở Điện Biên Phủ? Các nhân chứng đã cùng ôn lại giai đoạn lịch sử đó của dân tộc cho thấy Điện Biên Phủ cũng là cuộc đương đầu, đọ sức, đấu trí quyết liệt giữa lực lượng pháo binh hai bên. Người Pháp vốn được coi là bậc thầy về phản pháo, nhưng đã phải khuất phục trước pháo binh Việt Minh. Những gì diễn ra trên chiến trường đã trở thành nỗi kinh hoàng với quân Pháp. Trong trận mở màn tiêu diệt cứ điểm Him Lam, 240 khẩu pháo của ta bắn liên tiếp trong vòng 1 giờ. Sau 15 phút khai hỏa, chúng ta đã gần như áp đảo. Charles Piroth, phó chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phụ trách pháo binh, kẻ từng hùng hồn tuyên bố: “Tôi có nhiều đại bác hơn số tôi cần”, đã phải tự sát ngay sau trận mở màn với lời trăng trối: “Không có cách nào làm im lặng những khẩu pháo của Việt Minh”.

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội” - ảnh 5
Chương trình nghệ thuật “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội” khắc họa rõ nét 9 năm chiến đấu gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của cả dân tộc

Chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi thể hiện những yếu tố đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật chỉ đạo và tiến hành chiến tranh nhân dân; nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận; nghệ thuật lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch; thay đổi phương châm tác chiến… Tất cả gắn liền với một huyền thoại: Đại Tướng Võ Nguyên Giáp!

Các ca khúc được trình diễn trong phần này đã hoàn thiện thêm câu chuyện của các nhân vật lịch sử, các phóng sự về Chiến dịch vĩ đại qua ngôn ngữ nghệ thuật như: “Đường lên Tây Bắc”, “Hò kéo pháo”, “Tiếng đàn”, “Áo mùa đông”, “Giải phóng Điện Biên”, tác phẩm khí nhạc “Qua miền Tây Bắc - Hành quân xa”, liên khúc: “Cảm xúc tháng Mười - Tiến về Hà Nội” … Sự kết hợp giữa tư liệu, nhân vật lịch sử và nghệ thuật cùng khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành mốc son chói lọi trên chặng đường lịch sử nước nhà. Đó là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội” - ảnh 6
Sân khấu chương trình được khán giả khen ngợi ấn tượng, đẹp mắt và ý nghĩa 

“Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội” khắc họa rõ nét 9 năm chiến đấu gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của cả dân tộc. Điện Biên Phủ trở thành bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh, là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam, trong đó có bài học về xây dựng, củng cố niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến thắng đóng vai trò quan trọng và quyết định, tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh giành thắng lợi, đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của quân dân ta. 

Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Đăng Dương, NSƯT Vũ Thắng Lợi,  NSƯT Hoàng Tùng, ca sĩ Bảo Yến, Viết Danh, Hồ Văn Kãnh, Văn Phú, Thái Chung…, Dàn nhạc thính phòng Thăng Long, CLB Sao tuổi thơ…

Tin cùng chuyên mục

Những sinh viên thanh lịch - tài năng HaUI năm 2025

Những sinh viên thanh lịch - tài năng HaUI năm 2025

(PNTĐ) - Tối ngày 10/4/2025, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức đêm chung kết cuộc thi Miss & Mister HaUI 2025. Nữ sinh viên Đoàn Thị Hương, Khoa Du lịch, Trường Ngoại ngữ - Du lịch đã xuất sắc giành ngôi vị Hoa khôi Sinh viên thanh lịch - tài năng.
Gợi nhớ lại cảnh đốt tay gây ám ảnh nhất trong phim chiến tranh “Nổi gió”

Gợi nhớ lại cảnh đốt tay gây ám ảnh nhất trong phim chiến tranh “Nổi gió”

(PNTĐ) - Bộ phim "Nổi Gió" của đạo diễn Huy Thành được đánh giá là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển về đề tài chiến tranh của đồng bào miền Nam chống Mỹ. Trong chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt phát sóng trên VTV3, bộ phim với những câu chuyện hậu trường gây ám ảnh giúp người xem hiểu hơn những khốc liệt trong làm phim chiến tranh cũng như trong chiến tranh.
Sau “Tái sinh”, Tùng Dương phát hành ca khúc mới từ cảm hứng về cha mình, lần đầu "ra mắt" con nuôi

Sau “Tái sinh”, Tùng Dương phát hành ca khúc mới từ cảm hứng về cha mình, lần đầu "ra mắt" con nuôi

(PNTĐ) - Sau một thời gian dài “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc với bản hit “Tái sinh”, Tùng Dương chọn tháng 4 để giới thiệu ca khúc mới “Lời nói dối của cha”, một tác phẩm viết riêng tặng Tùng Dương của “cỗ máy tạo hít” Đông Thiên Đức. Ca khúc là tiếng lòng người cha dành cho con, với cảm xúc lắng đọng, trầm buồn, da diết nhưng lại thể hiện một tình yêu bao la, mãnh liệt, đầy hy sinh của người cha. Ca khúc được viết dựa trên cảm hứng về chính câu chuyện người cha của Tùng Dương.
Trải nghiệm “Hàn Quốc thu nhỏ” tại VITM 2025

Trải nghiệm “Hàn Quốc thu nhỏ” tại VITM 2025

(PNTĐ) - Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO Việt Nam) tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM 2025 từ ngày 10-13/4/2025 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội I.C.E và là một trong những gian hàng lớn nhất tại sự kiện với nhiều hoạt động đặc sắc.
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử

(PNTĐ) - Hằng năm, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung được tổ chức long trọng tại hai địa điểm: xã Dạ Trạch (nay là xã Phạm Hồng Thái) – nơi có đền Hóa – Dạ Trạch, và xã Bình Minh – nơi có đền Đa Hòa (thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đây còn được ví như lễ hội của tình yêu, là một trong những lễ hội trọng điểm của tỉnh, mang đậm sắc màu văn hóa dân gian Vùng đồng bằng Bắc Bộ và gắn liền với truyền thuyết về Chử Đồng Tử – một trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam.