Kỳ 1: Du lịch chật vật mưu sinh

Chia sẻ

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho du lịch - ngành “công nghiệp không khói” của Thủ đô phải đối mặt với nhiều “sóng gió”. Với bốn đợt dịch Covid-19 liên tiếp xảy ra trong 2 năm qua được ví như cơn “sóng thần” quét đi những nỗ lực, cố gắng của ngành du lịch.

Tuy nhiên, trong “nguy” có "cơ", du lịch Hà Nội đang có những nỗ lực bứt phá, tìm cho mình con đường “sống”. Giống như nhiều tỉnh, thành phố du lịch của cả nước, Hà Nội - một trong những trung tâm du lịch lớn đã và đang gánh chịu những hậu quả nặng nề của Covid-19.

Những con số ảm đạm của ngành du lịch Thủ đô

Tháng 6 hàng năm – theo thông lệ luôn là thời kỳ cao điểm của du lịch. Các công ty kinh doanh lữ hành, các đơn vị vận chuyển, khối nhà hàng khách sạn hoạt động hết công suất. Thế nhưng, từ khi Covid-19 xuất hiện, tất cả đã đảo lộn. Du lịch hoàn toàn “đóng băng”; các đường bay hàng không, đường sắt, dịch vụ lữ hành gần như không có khách. Người dân đón xem du lịch qua… màn ảnh nhỏ và chứng kiến những con số “buồn”.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã và đang bùng phát, thành phố chỉ đón được khoảng 2,9 triệu lượt khách du lịch nội địa, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng (giảm 57% so với cùng kỳ năm trước). Thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón du khách quốc tế nên số người nước ngoài đến Hà Nội những tháng vừa qua chủ yếu là chuyên gia, người lao động lưu lại làm việc khiến cho công suất sử dụng phòng khách sạn 1-5 sao trong tháng 6/2021 tiếp tục giảm, trung bình đạt 25,7% (giảm 0,7% so với tháng 5 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020).

 Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt 24% (giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020). Các khu vực tập trung đông nhà hàng, khách sạn ở khu phố cổ, phố cũ của quận Hoàn Kiếm, các khách sạn 2-3 sao ở quận Cầu Giấy… vô cùng vắng lặng.

Những thiệt hại thật là khó có thể đong đếm. Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến cuối tháng 3/2021, số doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động trên địa bàn ước khoảng 95%; đã có 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh; Số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương với 12.168 người; khoảng 750/3.587 cơ sở lưu trú du lịch tạm dừng hoạt động tương đương gần 12.600 lao động tạm thời không có việc làm. Vì cuộc sống mưu sinh, rất nhiều lao động trong ngành du lịch, kể cả những người từng giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp lớn đã phải chấp nhận chuyển đổi công việc và nhanh chóng thích nghi với việc làm mới. Sự chuyển đổi không ai mong muốn nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch như hiện nay, đó là sự bắt buộc để tồn tại, để “lấy ngắn nuôi dài”, chờ đợi đến ngày trở về với công việc của “những người yêu thích xê dịch”.

 Tổng Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt đi giao hàngTổng Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt đi giao hàng (Ảnh: NVCC)

 “Người du lịch” nhọc nhằn tìm kế mưu sinh chờ ngày trở lại   

Trong khi toàn ngành du lịch gần như “đóng băng” do các yêu cầu về giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, để có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, các BQL di tích, danh thắng tại Hà Nội vẫn nỗ lực vượt lên khó khăn bằng nhiều cách khác nhau như: Tận dụng thời gian hoàn thiện các gói sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang, sửa chữa những hạng mục cần thiết của khu di tích, danh thắng, nghiên cứu các hướng đi mới, đặc biệt là hướng đi “du lịch online”...

Đấy là với các đơn vị Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch lớn, còn người làm du lịch ở Hà Nội hiện vẫn phải xoay đủ đường để tìm kế mưu sinh chờ ngày trở lại.

Trước khi các chuyến bay nước ngoài tạm dừng hoạt động do Covid-19, Trần Anh Dũng (trú tại phố Nguyễn Ngọc Nại, quận Thanh Xuân) đã có gần 20 năm làm hướng dẫn viên quốc tế (outbound) chuyên tour châu Âu và Trung Á. Vì vậy, ngay từ khi đại dịch bùng phát, anh Dũng và nhóm hướng dẫn viên outbound đã rơi vào cảnh thất nghiệp. Sau những chống chếnh ban đầu, anh Dũng tận dụng mối quan hệ cũ mở cửa hàng kinh doanh hàng hoá nhập khẩu online. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 khiến kinh tế kiệt quệ, nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu hạn chế nên mỗi tháng anh Dũng chỉ “chốt” được một vài đơn, lời lãi không đáng bao nhiêu. Anh tiếp tục làm thêm công việc tư vấn bảo hiểm theo vợ để vượt qua giai đoạn khó khăn.  

“Trong cái khó ló cái khôn”, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã tận dụng cơ sở vật chất, hạ tầng để chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh vừa giữ “chân” nhân lực, vừa để duy trì cuộc sống, chờ đợi cơ hội để quay lại với công việc chính danh của mình. Công ty du lịch AZA Travel là một ví dụ. Ngay sau đợt cao điểm du lịch 30/4-1/5 vừa qua, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, anh Nguyễn Tiến Đạt - Tổng Giám đốc công ty đã lường trước những khó khăn trước mắt và nhận thấy, cơ hội cầm cự với nghề là không nhiều.Vì vậy, anh và một số người bạn đã chuyển hướng sang nghề tay trái là sản xuất và kinh doanh bia thủ công để đảm bảo nguồn thu cho công ty, trang trải chi phí, trong đó có chi phí lương người lao động.

“Trước đây, chúng tôi phân phối qua kênh truyền thống là nhà hàng nhưng hiện khối dịch vụ này cũng đang chịu tác động của dịch bệnh. Trong điều kiện hiện nay, kênh bán hàng online là phù hợp hơn cả nên chúng tôi đã tổ chức đội ngũ vận chuyển đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng. Là quản lý doanh nghiệp nhưng trong hoàn cảnh khó khăn này, tôi cũng trực tiếp đi giao hàng để vừa làm gương cho anh em vừa động viên nhau. Đặc biệt, tôi sẵn sàng tiếp nhận nhân lực đang dôi dư của ngành du lịch chuyển sang làm đại lý cho công việc mới” - anh Đạt cho biết.

Công ty CP du lịch và thương mại Vinacomin (VTTC travel) đã chuyển hướng kinh doanh thực phẩm chế biến và bước đầu có doanh thu ổn định. Những ngày này, những nhân viên trong khối khách sạn và lữ hành vẫn luôn tất bật. Chỉ có điều, họ không tổ chức tour mà là nhận đơn hàng, lên số lượng, nhận thực phẩm, chế biến, đóng gói và chuyển hàng cho khách. Sau nhiều năm tổ chức tour, VTTC travel có lợi thế là nguồn cung thực phẩm tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ vùng biển Quảng Ninh. Vì thế, trước tác động của dịch bệnh, thị trường du lịch đóng băng, VTTC linh hoạt chuyển mình “vượt khó” bằng sản phẩm mới: kinh doanh thực phẩm chế biến với hơn 20 mặt hàng - 20 món ăn quen thuộc với mâm cơm các gia đình; cung cấp suất ăn trưa cho nhân viên văn phòng ở khu vực Cầu Giấy. Trong công ty, nhân viên khối khách sạn phụ trách chế biến, nhân viên khối lữ hành phụ trách bán hàng, giao hàng. Nhờ vậy, toàn bộ nhân viên của công ty vẫn có công ăn việc làm, thu nhập đảm bảo cho cuộc sống.

Không chỉ các công ty lữ hành du lịch, khối khách sạn tại Hà Nội đã chuyển mình. Mới đây, một khách sạn 5 sao đã giới thiệu dịch vụ cung cấp suất ăn tại nhà với tiêu chuẩn phục vụ cao cấp và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Khách hàng có nhu cầu thưởng thức các món ăn do đầu bếp khách sạn chế biến có thể đặt hàng qua điện thoại. Việc chuyển đổi mô hình, ngành nghề kinh doanh, trong thời điểm này, với ngành du lịch là giải pháp cần thiết trong trong giai đoạn dịch.

 Công ty CP du lịch và thương mại Vinacomin chuyển đổi kinh doanh thực phẩm chế biến và cơm văn phòngCông ty CP du lịch và thương mại Vinacomin chuyển đổi kinh doanh thực phẩm chế biến và cơm văn phòng (Ảnh: NVCC)

Hé mở những câu chuyện mới

Trong nguy có cơ, trong những ngày giãn cách xã hội, một số nhân lực ngành du lịch vẫn biết tận dụng lợi thế để “bám nghề” bằng cách khai thác một hình thức kinh doanh du lịch mới. Đó là họ xây dựng các gói sản phẩm du lịch nhỏ lẻ với nhóm chỉ vài khách hàng đi… chụp ảnh, tham quan ở những địa điểm đẹp ở nội, ngoại thành Thủ đô hoặc các tỉnh lân cận không có dịch bệnh. Nhiều du khách cho biết, các gói sản phẩm du lịch này rất hấp dẫn do vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, lại có thể đi tham quan, chụp ảnh ở Hà Nội theo nhiều cách khác nhau, đến nhiều địa điểm chưa từng đến chứ không nhất thiết phải vào các di tích, danh thắng du lịch như trước đây. Đây cũng là cách để họ thưởng thức Hà Nội theo một cách mới.

Cũng vì tiếp xúc với những nhu cầu mới của du khách, nên bên cạnh việc chuyển đổi công việc mưu sinh, một số công ty vẫn tích cực duy trì bộ phận rà soát lại sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới để bắt kịp xu hướng được hình thành qua đại dịch, từ đó chuẩn bị các điều kiện để chuyển đổi, sẵn sàng cho ngày trở lại. Tuy chịu ảnh hưởng chưa từng có bởi “sóng thần”, nhưng trong cơn "bĩ cực”, các doanh nghiệp đều thừa nhận, Covid-19 như cú hích, đặt ngành du lịch vào thế phải chuyển đổi vì chính Covid-19 làm khách hàng thay đổi thói quen du lịch.

Đặc biệt là công tác chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong toàn ngành du lịch Thủ đô nhằm đem đến những trải nghiệm mới cho du khách qua các trải nghiệm không gian số thay vì tham quan trực tiếp. Đây là biện pháp hiệu quả trong thời điểm dịch bệnh nhằm giúp các di tích, danh thắng cũng như các doanh nghiệp cầm cự, duy trì hoạt động, sớm hồi phục sau đại dịch. Công tác chuyển đổi số đang được xem là những đột phá về tư duy của ngành du lịch Thủ đô không những giúp các đơn vị có “kế” mưu sinh trong đại dịch mà còn đem đến những hướng đi mới. 

Kỳ 2: “Đánh thức” tài nguyên du lịch còn “ngủ đông”

ĐỨC HẠNH

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.