Kỳ 2: “Đánh thức” tài nguyên du lịch còn “ngủ đông”

Chia sẻ

Dù đối mặt với những tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng thời gian qua, du lịch Hà Nội đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ về chất, tạo nên “điểm sáng” góp phần cơ cấu lại sản phẩm, định hình hướng phát triển để nắm bắt cơ hội khi dịch bệnh được kiểm soát

Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt với thiết kế độc đáo hứa hẹn trở thành điểm giao thương, du lịch, dịch vụ ở phía Bắc Thủ đô. (Thư Hạnh)Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt với thiết kế độc đáo hứa hẹn trở thành điểm giao thương, du lịch, dịch vụ ở phía Bắc Thủ đô. (Thư Hạnh)

Năng lực “tiềm ẩn” của ứng dụng số

Những làn sóng tới tấp của dịch bệnh Covid-19 đang buộc hệ thống các bảo tàng, di tích - những điểm du lịch trọng điểm của Hà Nội phải xoay xở, tìm kiếm giải pháp thích ứng, đưa ra những lời giải riêng. Không ngờ, chính nỗ lực này đã “đánh thức” những tiềm năng lớn còn “ngủ đông” trong lĩnh vực du lịch. Theo các chuyên gia, nhìn ở góc độ tích cực thì chính những khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 lại đóng vai trò là động lực cho sự đổi mới hoạt động của nhiều bảo tàng, di tích, đặc biệt trong tăng cường ứng dụng công nghệ, tư liệu số và sáng tạo các hình thức trải nghiệm, giới thiệu di sản văn hóa mới trên không gian số. Trên thế giới, ở các nước công nghiệp du lịch phát triển, ứng dụng số vào lĩnh vực này không hề mới mẻ, thậm chí rất phát triển, nhưng với Việt Nam thì đây là hướng đi mới bắt đầu.

TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhìn nhận, trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão, các bảo tàng không còn cách nào khác là phải nỗ lực đổi mới, ứng dụng số để hoạt động hiệu quả và thu hút công chúng…”. Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Phòng trưng bày Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long (thuộc Văn phòng Quốc hội)... là một vài trong số ít nơi đi đầu thực hiện ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày và giới thiệu trưng bày. Đến nay, đã có nhiều bảo tàng, di tích bước đầu triển khai ứng dụng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…

Bên cạnh đó, các điểm di tích khác như khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cập nhật đều đặn về những câu chuyện, hiện vật gắn liền với di tích để phục vụ công chúng; Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội…đã nhanh chóng vào cuộc, liên tiếp đưa ra các gói sản phẩm trên ứng dụng số như tham quan 3D, trải nghiệm giáo dục di sản qua mạng, triển lãm online… Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng vừa ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA khá gây ấn tượng.

TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “IMuseum VFA không chỉ giúp khách tham quan trực tiếp bảo tàng mà còn giúp công chúng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có thể tiếp cận, trải nghiệm, xem và tìm hiểu những thông tin và câu chuyện xung quanh các tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, góp phần kết nối bảo tàng với đông đảo công chúng trong và ngoài nước…”.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, không phải bảo tàng, di tích nào cũng có thể ứng dụng công nghệ cho các nội dung, hiện vật mà cần phải lựa chọn loại hình phù hợp; tập trung vào vai trò của công nghệ nhưng phải làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của hiện vật gốc. Bởi suy cho cùng, công nghệ chỉ đóng vai trò là công cụ truyền tải nội dung một cách hấp dẫn, sinh động để thu hút du khách. Nội dung nghèo nàn sẽ không thể giúp công nghệ trở nên hấp dẫn. Mặc dù vậy, ứng dụng số giúp các bảo tàng nhận được những phản hồi tích cực về sự phù hợp với xu hướng phát triển của các bảo tàng hiện đại.

Ứng dụng số, du lịch “ảo” không chỉ là giải pháp trong thời kỳ đối phó với dịch Covid-19 mà đã mở ra một kỷ nguyên mới đối với hoạt động của các bảo tàng, điểm di tích lớn, tạo nên những trải nghiệm mới, sức hút mới cho công chúng, hấp dẫn du lịch. Đây là con đường không thể hoàn thiện một sớm một chiều nhưng là con đường dài của các bảo tàng, di tích văn hoá của Hà Nội để tiếp cận du khách khắp nơi trên thế giới, việc mà chúng ta lẽ ra nên làm từ lâu.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên mạng xã hội, thực hiện bản đồ số cho du lịch Thủ đô. Ứng dụng số được khẳng định là hướng đi của tương lai.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch văn hoá đêm Hà Nội

Với gần 6.000 di tích và danh thắng lịch sử, 1.200 lễ hội, 1.350 làng nghề… Hà Nội hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển dòng sản phẩm du lịch văn hoá trải nghiệm. Tuy nhiên, theo các đơn vị lữ hành, Covid-19 đang làm thay đổi nhiều tư duy và thói quen của du khách. Họ quan tâm nhiều hơn đến hình thức du lịch trải nghiệm chuyên sâu mang tính văn hoá cao nhằm cảm nhận sự khác biệt, nhất là trải nghiệm với ký ức để lĩnh hội những câu chuyện thú vị về văn hóa và lịch sử. Đây là phần thiếu hụt trong các sản phẩm du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Đặc biệt là du lịch trải nghiệm đêm Hà Nội, một mảng trống còn bỏ ngỏ lâu nay.

Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò và công ty lữ hành Hanoitourist đã phối hợp tiên phong thực hiện tour du lịch trải nghiệm vào các buổi tối cuối tuần. Trên không gian và hệ thống tư liệu, hiện vật quen thuộc với người dân Hà Nội nhưng bằng cách thể hiện mới lạ, độc đáo thông qua các hoạt cảnh cùng sự hỗ trợ của các hiệu ứng ánh sáng và âm thanh hiện đại, tour du lịch trải nghiệm tại di tích Nhà tù Hoả Lò vào buổi tối đã tạo dấu ấn khác biệt mang lại cho du khách những khám phá hoàn toàn mới mẻ.

Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: Qua nhiều lần nâng cấp, điều chỉnh, bổ sung hiệu ứng và phần thuyết minh, sự thành công của tour du lịch trải nghiệm này mở ra cách thức xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới tour và nhu cầu thụ hưởng giá trị văn hoá ngày càng cao của du khách vừa góp thêm sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, kết nối với chuỗi các hoạt động văn hoá giải trí phục vụ phát triển kinh tế đêm ngay ở quận lõi nhiều tiềm năng phát triển của Thủ đô. Hơn một tháng qua, di tích Nhà tù Hoả Lò đang tích cực triển khai gói sản phẩm là tour “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân” với những hoạt cảnh và thuyết minh dựa trên tư liệu về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò; sắp xếp hiện vật chuẩn bị cho triển khai trưng bày “Thắp lửa yêu thương” nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 năm nay.

Từ thành công của tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khi mở ra đã nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách. Chỉ tiếc rằng, vừa mới đi vào hoạt động thì tour đã phải tạm ngừng do dịch bệnh trở lại. Với nhiều hoạt động hấp dẫn tái hiện nghi thức nổi bật của các triều đại xưa kết hợp với các hoạt động tương tác của du khách như giải mã hiện vật lịch sử được khai quật tại khu vực Hoàng Thành, tham quan và lấy nước tại giếng cổ... tour đêm Hoàng Thành khiến nhiều người không khỏi thốt lên, lẽ ra đã nên xây dựng chương trình này từ lâu.

Bà Nguyễn Minh Thu - Phó phòng Hướng dẫn thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội) chia sẻ: “Với sự đầu tư công phu đến từng chi tiết, kể cả chiếc đèn cổ dùng trong hoàng cung xưa được phục dựng lại, hy vọng sau khi được phép hoạt động trở lại khi dịch đã được kiểm soát, tour đêm tại Hoàng Thành Thăng Long đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách, từ trải nghiệm tâm linh đến tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hoá nghệ thuật”.

Du lịch trải nghiệm đêm Hà Nội quả thực là một mảng trống đã khá lâu, nếu có chỉ là manh mún, nhỏ lẻ, không hiệu quả… Trước đó, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật cũng xây dựng các chương trình nghệ thuật đêm phục vụ du khách nhưng do cách làm còn chưa “tới”, đầu tư truyền thông không hiệu quả nên kém thu hút, rất nhiều chương trình sớm “chết yểu” dù ý tưởng khá hay, quảng bá văn hoá tốt. Cho đến khi một chương trình như “Tinh hoa Bắc Bộ” được đầu tư công phu, truyền thông rầm rộ ra đời, người ta mới nhận thấy tiềm năng khai thác du lịch không thể “ngó lơ” của đêm Hà Nội. Các chương trình của Hoàng Thành, Hoả Lò… hiệu quả đã kích thích tinh thần của rất nhiều đơn vị lữ hành, các đơn vị du lịch “ủ mưu” cho việc khai thác du lịch đêm Hà Nội sau mùa dịch.

Nhiều đơn vị du lịch “hiến kế” có những điểm có thể khai thác tốt về đêm như: Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể triển khai các chương trình tái hiện Nghi lễ thi cử xưa hoặc trình diễn các vở diễn về danh nhân đất Việt được khắc bia ở Văn Miếu; Bộ VHTTDL nên đầu tư một chương trình đêm công phu về lịch sử phát triển của đất Việt, quảng bá văn hoá qua các loại hình nghệ thuật truyền thống công phu như nhiều nước châu Á đang làm rất hiệu quả, thay vì các nhà hát thực hiện các chương trình biểu diễn nhỏ lẻ; tăng cường du lịch trải nghiệm đêm Hồ Tây, sông Hồng; thậm chí cũng như bài học nhiều nước khác là cần khai thác mạnh ẩm thực đêm Hà Nội với những khu trải nghiệm riêng biệt… Với bề dày lịch sử văn hoá Hà Nội, có rất, rất nhiều điểm du lịch có thể khai thác tài nguyên du lịch đêm.

Nếu khai thác tốt, trong tương lai, du lịch đêm Hà Nội sẽ đem đến những nguồn thu không hề nhỏ cho thành phố.

Kỳ 3: Bùng nổ xu hướng du lịch mới sau đại dịch

NGỌC THƯ – ĐỨC HẠNH

 

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 2/5 diễn ra Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng

Từ ngày 2/5 diễn ra Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng

(PNTĐ) - Tiếp nối hành công của những mùa giải trước, năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng với Liên đoàn Vật Việt Nam, UBND thị xã Sơn Tây tiếp tục tổ chức Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng lần thứ III năm 2024. Thời gian tổ chức giải từ ngày 2 - 6/5/2024.
Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage tại Hà Nội

Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage tại Hà Nội

(PNTĐ) - Sáng 26/4, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Ngày 11/5 khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ – Hải Phòng 2024

Ngày 11/5 khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ – Hải Phòng 2024

(PNTĐ) - Lễ hội Hoa Phượng Đỏ  2024 với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” sẽ được khái mạc vào lúc 20 giờ ngày 11/5/2024 . Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, tiếp sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng và một số Đài truyền hình các tỉnh, thành phố bạn.