Kỳ cuối: Hiến kế để sân khấu nghệ thuật truyền thống "vượt vũ môn"

Chia sẻ

Những người làm văn hoá, nghệ thuật truyền thống hôm nay đều tin tưởng, hy vọng vào một tương lai mới từ những chủ trương, chính sách, đề án “nóng hổi” đó. Đó không chỉ đơn giản là việc níu giữ quá khứ. Đó còn là trách nhiệm với tổ tiên, với cả hiện tại và tương lai.

Trông người mà ngẫm đến ta

Cách đây mấy năm, đại diện Nhà hát tuồng Việt Nam gặp Giám đốc Trung tâm Văn hoá Nhật tại Việt Nam để tìm cơ hội giao lưu học hỏi về kinh nghiệm bảo tồn và phát triển kịch Noh Nhật Bản. Kịch Noh là loại hình nghệ thuật sân khấu lâu đời nhất của Nhật Bản vẫn lưu giữ và “sống” khá khoẻ trong ngày hôm nay. Về một phương diện nào đó, kịch Noh cũng có những nét tương đồng với nghệ thuật tuồng của Việt Nam.

Thế nhưng, mong muốn đó bất thành bởi Giám đốc Trung tâm Văn hoá Nhật nói rằng Nhà hát sẽ không đủ tài chính để mời các nghệ sĩ kịch Noh tới Việt Nam đâu. Tại Nhật, họ là những nghệ sĩ có đời sống rất vương giả, thù lao diễn rất cao, diễn ở nước ngoài thù lao cao gấp nhiều lần kèm với nhiều điều kiện phục vụ, nên không phải nơi nào cũng có thể mời được họ.

Giám đốc Trung tâm văn hoá Nhật giải thích mặc dù kịch Noh Nhật Bản cũng ở trong tình trạng bảo tồn, họ không được bao cấp như ở Việt Nam, nhưng họ được hưởng những sự ưu đãi đặc biệt gián tiếp từ chính sách của Chính phủ. Đó là được các tập đoàn kinh tế lớn hỗ trợ.

Khi các tập đoàn kinh tế hỗ trợ nghệ thuật truyền thống sẽ được hưởng những đãi ngộ riêng biệt của Chính phủ, nên rất quan tâm đầu tư cho nghệ thuật truyền thống. TS Phạm Trí Thành, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Sân khấu điện ảnh, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc nói, cùng với đó, người dân Nhật được thấm nhuần về niềm tự hào với văn hoá truyền thống của họ từ nhỏ và họ chính là một kênh truyền thông tuyên truyền cho văn hoá truyền thống rất hiệu quả.

NSND Thuý Mùi nhận định hầu hết các quốc gia đều chú trọng đặc biệt đến bảo vệ và phát triển sân khấu nghệ thuật truyền thống. Ở Trung Quốc, Kinh kịch - loại hình sân khấu truyền thống tiêu biểu của Trung Quốc được đầu tư phát triển rất mạnh với những sân khấu lớn hàng ngàn chỗ ngồi, thu hút du lịch khổng lồ nhờ những chính sách ưu tiên của nhà nước. Hoặc một bài học như Hàn Quốc, khi bài dân ca Arirang được UNESCO ghi vào danh sách đại diện của Di sản phi vật thể của nhân loại, Cục Quản lý di sản văn hoá Hàn Quốc đã lập kế hoạch 5 năm để quảng bá và bảo vệ bài hát với số tiền rất lớn, lên đến 33.6 tỉ Won, đưa bài hát thành niềm tự hào của của người dân Hàn Quốc.

Theo TS Phạm Trí Thành, việc sân khấu kịch hát truyền thống của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không phát huy được “như người ta” là điều đáng tiếc, bởi trên thế giới rất hiếm nơi nào có được nền văn hoá truyền thống lâu đời, phong phú, đa dạng như ở Việt Nam.

Kéo khán giả tới rạp là niềm mơ ước của các nhà hát nghệ thuật truyền thốngẢnh: NHMRTLKéo khán giả tới rạp là niềm mơ ước của các nhà hát nghệ thuật truyền thống Ảnh: NHMRTL

Những “nút thắt” cần sớm tháo gỡ

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, người đã từng có 9 năm học tập và làm việc tại Thượng Hải (Trung Quốc), đã cộng tác với các dàn nhạc nổi tiếng, trong đó có dàn nhạc dân tộc Thượng Hải; dàn nhạc dân tộc nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Triết Giang… đã có những tìm hiểu sâu sắc về cách bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống Trung Quốc. Anh cho biết, tại Trung Quốc sở dĩ nghệ thuật truyền thống rất phát triển trong đời sống đương đại là vì sự phổ cập âm nhạc ở mọi cấp học. Các trường phổ thông đều có dàn nhạc giao hưởng, dân tộc, học sinh giỏi các môn nghệ thuật này được cộng điểm rất cao, và được nhận rất nhiều ưu tiên, tạo nên sự nỗ lực, phấn đấu trong học tập. Chính điều đó tạo nên thị trường nghệ thuật rất rộng lớn, sự ganh đua nâng cao chất lượng không ngừng cho nghệ thuật truyền thống.

Điều này cũng tương đồng với ý kiến của NSND Thanh Ngoan rằng, nếu chúng ta có cơ chế, chính sách để phổ cập kiến thức sân khấu nghệ thuật truyền thống từ trong nhà trường, thì các nghệ sĩ sân khấu truyền thống sẽ… làm không hết việc. Tuy nhiên, hiện nay các nỗ lực “đào tạo khán giả” của các nhà hát đều mới chỉ là các hoạt động nhỏ lẻ, cắt lát chứ chưa làm ra cả một hệ sinh thái nghệ thuật đúng nghĩa.

“Điều cần thiết là cần phải có những kênh truyền dẫn và phổ cập kiến thức về các loại hình hướng đến giới trẻ”- nhà văn Nguyễn Trương Quý góp ý. Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng, một trong những đối tượng cần hướng đến để phát triển sân khấu nghệ thuật truyền thống chính là giới trẻ. Khi giới trẻ quan tâm, yêu thích nghệ thuật truyền thống, loại hình này mới có cơ hội phát triển bền vững”.

Nếu đào tạo khán giả là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, thì thu hút du lịch đến với sân khấu nghệ thuật truyền thống là vấn đề mang tính cấp bách. Ai cũng biết, sân khấu nghệ thuật truyền thống là nguồn lực sẵn có, có thể trở thành hàng hoá trong tiến trình đi lên công nghiệp văn hoá. Nhưng, hiện nay, các nhà hát đều làm du lịch tự phát và thường gặp cảnh “không mặn mà” của các đơn vị lữ hành. Giới du lịch từng có câu “Sáng Văn Miếu, tối Thăng Long”, thế nhưng ngoài đưa vào tour “tối Thăng Long” (nhà hát Múa rối Thăng Long) như một thói quen, họ rất ngần ngại mở những tour mới đến các điểm phục vụ nghệ thuật truyền thống khác.

Nhà hát Chèo Việt Nam, nhà hát Chèo Hà Nội, nhà hát Tuồng… đều có những buổi diễn phục vụ du khách nhưng hầu như rất khó “bắt tour”. Không phải các nhà hát không nỗ lực làm việc với các đơn vị du lịch, mà theo lãnh đạo các nhà hát thì có một lý do lớn là người làm du lịch không được đào tạo, không hiểu sân khấu nghệ thuật truyền thống nên họ không có đủ niềm tự hào và hiểu để có thể giới thiệu cho khách.

“Nếu Nhà nước, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đưa du lịch gắn với sân khấu nghệ thuật truyền thống như một nhiệm vụ thì có lẽ chúng ta không phải lo quá nhiều cho việc bảo tồn và phát triển, thậm chí giá vé bán cũng không bèo bọt 100 - 150 ngàn/vé như bây giờ” - NSND Thanh Ngoan bày tỏ.

“Du khách đến Hà Nội quan trọng nhất vẫn là phải để cho họ thấy văn hóa của Hà Nội. Để tôn vinh được văn hoá Hà Nội, không cái nào rõ nét hơn sân khấu kịch hát dân tộc”- TS Phạm Trí Thành nhấn mạnh.

Cùng với đó, một vấn đề cần được quan tâm đúng mức đó là công nghiệp văn hoá không thể tách rời chuyển đổi số - một trong những công cụ là tiện ích quan trọng để phát triển trong thời đại 4.0 này. Trong thời gian qua, theo chủ trương chung của Chính phủ và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, công tác chuyển đổi số đã được các nhà hát thúc đẩy.

Tuy nhiên, việc này còn rất chậm chạp, khó tiến xa được vì hạ tầng và nhân lực còn yếu kém. Theo NSND Thanh Ngoan, do cơ sở hạ tầng yếu kém nên ngay cả việc làm sao đồng bộ được bán vé trên mạng một cách hiện đại cũng còn khó khăn.

Thế nên, việc chuyển đổi số ở các đơn vị sân khấu nghệ thuật truyền thống hiện nay mới chỉ dừng lại ở bước xây dựng chương trình online, số hoá một số tư liệu, vở diễn, quảng bá qua những kênh đơn giản nhất như youtube, facebook…, chứ chưa thể trở thành một công nghệ phục vụ truyền thông, quảng bá, phát triển.

Thực tế, ngoài hiệu quả truyền thông, quảng bá, nếu chuyển đổi số tốt, thì sẽ còn giúp các đơn vị “hái” thêm tiền cho mình. TS Phạm Trí Thành tiết lộ, ông đang hợp tác với một đơn vị tư nhân chuẩn bị cho ra mắt một ứng dụng số quy tụ tất cả những ai yêu nghệ thuật truyền thống trong một cuộc thi hát, giao lưu.

Ông tin ứng dụng sẽ góp phần khích lệ, lan toả tình yêu nghệ thuật truyền thống rộng khắp hơn. Theo ông, công nghệ 4.0 thời nay mở ra rất nhiều cách làm, hướng đi để các đơn vị nghệ thuật truyền thống có thể tận dụng quảng bá và tăng nguồn thu cho mình.

Hy vọng và kỳ vọng

Một tin rất vui đối với những người làm sân khấu nghệ thuật truyền thống Thủ đô là cuối năm 2021 vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 250/KH-UBND về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống, giai đoạn 2021-2025.

Một điểm quan trọng của Kế hoạch là Hà Nội ưu tiên nghiên cứu, đưa nghệ thuật ca kịch truyền thống vào các hoạt động dịch vụ du lịch để phục vụ du khách, giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống của Thủ đô tới bạn bè quốc tế. Đầu tư kinh phí sưu tầm, tư liệu hóa, in ấn, phát hành nhằm lưu giữ các tài liệu, nhạc cụ, vở diễn cổ, tích trò, đoạn trích đặc sắc. Cùng với đó là Thành phố sẽ tập trung vào 8 nội dung để bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô trong giai đoạn tới nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp và nhân dân thành phố, nhất là thế hệ trẻ Thủ đô trong nhiệm vụ bảo tồn, phát triển nghệ thuật ca kịch truyền thống. Bên cạnh đó, các công tác bảo tồn bài bản, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các nhà hát cũng được nhấn mạnh trong Kế hoạch.

Đây là Kế hoạch rất quan trọng, vừa đánh giá đúng tầm quan trọng, vai trò của sân khấu nghệ thuật truyền thống, vừa là niềm tin, kỳ vọng sân khấu nghệ thuật truyền thống Thủ đô sớm khởi sắc trong tương lai gần. Niềm tin này càng lớn lao hơn khi tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tháng 11/2021 vừa qua, Đảng, Nhà nước đã một lần nữa xác định “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”.

Trong niềm lạc quan đó, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cũng tiết lộ một bí mật rằng, khi ông trao đổi ý kiến về sự thoái trào của nghệ thuật nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hết sức quan tâm và tạo điều kiện để Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề xuất một đề án nghiên cứu cấp quốc gia về nghệ thuật để làm cơ sở khoa học cho sự phát triển nghệ thuật nói chung, chấn hưng nghệ thuật truyền thống nói riêng. Hiện nay, đề án đang ở trong giai đoạn thông qua thuyết minh và chuẩn bị thực hiện.

LƯƠNG KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.