Kỳ cuối: Khi công nghiệp văn hóa thực sự là “quyền lực mềm” của Hà Nội

Chia sẻ


Hà Nội đã mở tọa đàm để tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóaCần có chính sách đúng đắn biến văn hóa thành lĩnh vực “hái ra tiền”Hà Nội đã mở tọa đàm để tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Cần có chính sách đúng đắn biến văn hóa thành lĩnh vực “hái ra tiền” (Ảnh: MT)
Công nghiệp văn hóa - đầu tàu đưa Hà Nội phát triển

Trong thời đại toàn cầu hóa, văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo được coi là giải pháp chiến lược cho những mô hình sáng tạo, sản xuất, gia tăng thu nhập và giảm nghèo kiểu mới. Đồng thời, chúng đang nhanh chóng trở thành một thành phần chủ đạo cho sự phát triển kinh tế trên thế giới nói chung và tại khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Theo ông Michael Croft – Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam: Rất nhiều quốc gia và các thành phố tại khu vực Đông Nam Á hiện nay đã và đang cam kết mạnh mẽ với công cuộc phát triển văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo, lấy đó làm động lực để tăng trưởng kinh tế, gia tăng giá trị và tạo thêm bản sắc độc đáo mới cho mỗi quốc gia trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh - đó chính là sức mạnh mềm của một quốc gia.

“Khi quan sát Hà Nội, chúng ta thấy rõ tính hợp lý khi đầu tư vào phương thức phát triển theo định hướng văn hóa” - ông Michael Croft nhận định. Bởi, Hà Nội vốn có những di sản để tạo điều kiện cho sự phát triển theo phương thức này, bề dày truyền thống các di sản văn hóa của Hà Nội lại là kết quả trực tiếp của một quá trình sáng tạo và đổi mới mà cũng không kém phần phong phú, độc đáo. Với một thể chế vững chắc, một hình ảnh của thành phố mang tầm quốc tế, có kết cấu hạ tầng giáo dục toàn diện và đông đảo tài năng trẻ, Hà Nội đang có thời cơ để trở thành “người đi tiên phong”.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tốc độ phát triển của các ngành kinh tế sáng tạo luôn gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của các ngành sản xuất, 1,5 lần so với các ngành dịch vụ. Nhiều đô thị lớn trên thế giới đã sử dụng công nghiệp sáng tạo để tạo ra động lực mới cho sự phát triển của thành phố sau khi các ngành công nghiệp chính đi vào suy thoái.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết: Từ cuối thế kỷ XX, sự phục hưng của các đô thị thường được bắt đầu và gắn với những dấu ấn của sáng tạo, văn hóa và nghệ thuật. Khi xã hội Việt Nam đã vượt qua nỗi lo vật chất của cơm áo gạo tiền, và tiến đến một xã hội có thu nhập trung bình, cũng như để vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình đó và tận hưởng những điều kiện mới của xã hội mà giai cấp trung lưu chiếm đa số, thì các ngành công nghiệp sáng tạo luôn tạo cảm hứng cho sự phát triển mới. Hà Nội không nằm ngoài quy luật chung này.

Theo PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, thể hiện chức năng kinh tế của văn hóa, mà quan trọng hơn, thông qua các sản phẩm và dịch vụ văn hóa này, chúng ta tạo ra sức sống mới cho các di sản văn hóa, khai thác tốt hơn vốn văn hóa của dân tộc, tài năng của các văn nghệ sĩ, đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của công chúng, đồng thời quảng bá được hình ảnh con người Thủ đô một cách hiệu quả.

Chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành “sức mạnh mềm” còn tạo môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cập nhật những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Từ đó, Hà Nội sẽ được xây dựng trở thành một Thành phố Xanh (bền vững về môi trường) - Văn hiến (hài hòa, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển) - Văn minh hiện đại (phát triển trên nền tảng kinh tế tri thức), tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế...

Thay đổi quan niệm văn hóa “chỉ là lĩnh vực tiêu tiền”

Hà Nội có nhiều tiềm năng về di sản, nhưng tự thân di sản văn hóa không thể trở thành nguồn lực phát triển, mà chỉ khi nào nó được phát huy giá trị một cách đúng đắn, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của cộng đồng, thì nó mới trở thành một nguồn vốn/ nguồn lực, thậm chí là nguồn xung lực cho sự phát triển bền vững của cộng đồng. Theo GS. TS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, đại học Quốc gia Hà Nội: “Có thể ví di sản văn hóa như vàng hay dầu mỏ hoặc than đá, khi chưa được phát hiện và khai thác thì chúng nằm im dưới lòng đất, dù quý giá cũng không có tác động gì đối với nền kinh tế và với đời sống con người. Chỉ khi được khai thác và đưa vào sử dụng, chúng mới phát huy hết giá trị đích thực của mình”.

Để sử dụng công nghiệp văn hóa như “đội quân chủ lực”, “đội quân tiên phong” mở đường cho các “binh đoàn” kinh tế và chính trị tiến bước, theo GS. TS. Phạm Hồng Tung, Hà Nội dứt khoát cần khẩn trương xây dựng và triển khai hiệu quả chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, cần ưu tiên lựa chọn những nhóm di sản, những địa bàn, những cộng đồng, những ngành, nghề có nhiều thế mạnh nhất để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao nhất, đạt hiệu quả (tổng hợp) cao nhất.

Vấn đề cơ bản để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. PGS. TS Chu Cẩm Thơ - Phó Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, con người là chủ nhân của sáng tạo, là động lực để sáng tạo hình thành, phát triển và cũng là đối tượng duy trì sáng tạo. Vì thế, với mong muốn sáng tạo bền vững, chúng ta cần có công dân sáng tạo, làm chủ và nâng tầm sáng tạo bắt đầu từ các trẻ em được giáo dục sáng tạo. Bên cạnh giải pháp khác, bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa là giải pháp căn bản phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Nhạc sĩ Quốc Trung góp ý: “Muốn phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta phải coi nó và đưa nó thành đầu tàu dẫn đường cho các nền công nghiệp khác. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy họ đánh giá và xây dựng công nghiệp văn hóa từ cách tiếp cận theo tư duy thị trường, thông qua thị trường để giải tỏa sự sáng tạo, thu hút sự quan tâm của công chúng. Thị trường không có nghĩa là bỏ mặc, phát triển tùy tiện, hoang dại. Thị trường rất cần được định hướng, cần xây dựng, ươm mầm khán giả tương lai, thay vì chạy theo thị hiếu. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò giáo dục, xây dựng xã hội, định hướng và quản lý thị trường. Công nghiệp văn hóa cũng cần những luật định phù hợp, cấp tiến, cách quản lý khoa học, văn minh. Nhà nước và thành phố cần lựa chọn đỡ đầu, tài trợ những dự án, những chương trình có chất lượng thông qua các giải thưởng, nhưng đồng thời mở rộng hơn sự tương tác và tham gia của công chúng”.

Muốn phát triển ngành công nghiệp văn hóa, quan trọng là cần thay đổi suy nghĩ cho rằng văn hóa chỉ là lĩnh vực tiêu tiền. Nếu có cách làm sáng tạo, đây lại là lĩnh vực “hái ra tiền” cho kinh tế của Thủ đô. Các chuyên gia cho rằng, thành phố cần tiếp tục đầu tư hơn nữa các ngành công nghiệp văn hóa để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa mang đậm nét riêng của người Hà Nội. Để tạo thêm sức bật, phát huy hiệu quả các nguồn lực văn hóa, con người, các sở, ngành, địa phương của thành phố phải đầu tư thỏa đáng cho cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, công nghệ... cần bám sát định hướng xuyên suốt là phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, tạo “bệ phóng” cho công nghiệp văn hóa phát triển.

Khi thực sự được đầu tư, phát triển đúng đắn, với nguồn tài nguyên và tiềm năng hiếm có, dồi dào, nguồn nhân lực tập trung nhiều tinh hoa, chắc chắn công nghiệp văn hoá sẽ thực sự là “đầu tàu” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Nắm bắt được tiềm năng và lợi thế của mình, cũng như xu thế tất yếu để phát triển, Hà Nội đang hoàn thiện Nghị quyết về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.

MINH TRANG

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.