Từ 1/1/2023, Luật điện ảnh chính thức có hiệu lực:

Kỳ vọng tạo đột phá!

Bài và ảnh: THẢO VY
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngày đầu tiên của năm mới 2023 là thời điểm những hành lang pháp lý quan trọng như Luật Điện ảnh (sửa đổi), Nghị định 71/2022/NĐ-CP (Nghị định 71) về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình chính thức có hiệu lực và được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước phát triển đột phá, tạo nên những đường ray, barie điều chỉnh các lĩnh vực.

Kỳ vọng tạo đột phá! - ảnh 1
Luật Điện ảnh có hiệu lực sẽ tạo cơ chế, chính sách đột phá cho điện ảnh Việt Nam phát triển Ảnh: Int

Điện ảnh Việt sẽ trở thành ngành công nghiệp
Đầu năm 2023, điện ảnh Việt Nam sẽ bước vào một thời kỳ hoạt động với hành lang pháp lý có nhiều điểm mới. Luật Điện ảnh năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đem đến cơ hội mới cho sự phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Theo TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển Điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh sửa đổi có nhiều điểm mới tích cực, qua đó tạo hành lang pháp lý để phát triển điện ảnh. Luật có những nội dung điều chỉnh điện ảnh như một ngành công nghiệp chứ không chỉ là ngành nghệ thuật như trước đây.

Như vậy, kể từ dấu mốc chính thức có hiệu lực, điện ảnh Việt Nam đang đứng trước một cánh cửa mở rộng. Tại Luật Điện ảnh 2022, các chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh rõ nét và thiết thực hơn; trong khâu sản xuất phim nhà nước đặt hàng đã tháo gỡ “điểm nghẽn” khó khả thi trước đây là chủ đầu tư phải chọn nhà sản xuất phim theo hình thức “đấu thầu. Khâu hợp tác làm phim với nước ngoài cũng cởi mở hơn khi quy định duyệt tóm tắt kịch bản và chỉ duyệt chi tiết phần quay ở Việt Nam, đồng thời có nhiều ưu đãi về thuế đối với các đoàn phim nước ngoài.

Đặc biệt, TS. Ngô Phương Lan nhấn mạnh, Luật Điện ảnh 2022 đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh để xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt, đưa điện ảnh Việt hội nhập quốc tế chủ động và hiệu quả hơn.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cũng bày tỏ, Luật Điện ảnh Việt Nam đang có nhiều kỳ vọng phát triển. Hành lang pháp lý bắt đầu được thực thi có nhiều điểm mới, phù hợp xu hướng phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Cùng thời điểm Luật chính thức có hiệu lực, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh cũng được ban hành.

“Luật Điện ảnh 2022 có nhiều điểm tiến bộ, mới mẻ và phù hợp nhu cầu cũng như xu hướng phát triển ngành điện ảnh vừa là một ngành nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế. Trong Luật có những vấn đề hoàn toàn mới như quản lý phim trên không gian mạng với phương thức kết hợp “tiền kiểm” và “hậu kiểm”, trong đó “hậu kiểm” là chính, đồng thời có những quy định về “tiền kiểm” để đảm bảo sự chặt chẽ của việc kiểm soát phim trên không gian mạng. Đây cũng là xu thế tất yếu của hoạt động điện ảnh trong những năm tới đây”- Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Một nội dung mới nữa là quy định về thẩm định, phân loại phim với bước phân cấp rất mạnh cho địa phương. Theo đó, UBND các tỉnh, thành trong cả nước nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, các điều kiện để đảm bảo cho việc tổ chức hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim thì đều được quyền cấp giấy phép. Như vậy, với quy định này thì việc cấp giấy phép phân loại phim không chỉ còn là công việc của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Vấn đề được giới làm nghề đặc biệt quan tâm là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Ưu điểm của Quỹ là nhằm hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án sản xuất phim, phim Việt Nam xuất sắc tham gia các liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài...

Trên thực tế, điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp. Công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu ở các nước, là bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa. Bởi vậy, các chuyên gia điện ảnh bày tỏ, thật mừng khi Luật Điện ảnh 2022 đã đưa khái niệm “Công nghiệp điện ảnh” vào phần quan trọng là giải thích từ ngữ, đồng thời có nhiều điểm mới để đạt được mục tiêu cốt lõi phát triển công nghiệp điện ảnh. Các chuyên gia điện ảnh kỳ vọng, Luật mới đi vào cuộc sống sẽ sớm đem lại những tín hiệu vui và niềm tin vào sự thuận lợi, thông thoáng để phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. 

Ngăn chặn dịch vụ phát thanh, truyền hình xuyên biên giới không phép
Cũng có hiệu lực từ 1/1/2023, Nghị định 71/2022/NĐ-CP (Nghị định 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được đánh giá rất quan trọng trong việc quản lý, ngăn chặn những sản phẩm văn hóa độc hại.  

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Nghị định 71 rất quan trọng, đặc biệt là tạo mặt bằng pháp lý giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. "Khi Nghị định bắt đầu đi vào cuộc sống sẽ đưa tất cả các doanh nghiệp cung cấp cùng dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet về một mặt bằng pháp lý như nhau, tránh bảo hộ ngược, tránh tình trạng lâu nay là “không quản lý” các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước" - Thứ trưởng Bộ TT &TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết tại họp báo giới thiệu nội dung Nghị định 71. 

Từ năm 2018, tại Việt Nam, dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet (OTT TV VOD) bắt đầu phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài. Với các doanh nghiệp trong nước, nội dung theo yêu cầu (VOD) phải thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có giấy phép hoạt động truyền hình. Tuy nhiên, nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV VOD của doanh nghiệp nước ngoài không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều nội dung vi phạm các điều cấm, như: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Nghị định số 71 và văn bản hợp nhất đã bổ sung nhiều quy định quản lý mới, khắc phục những hạn chế nêu trên. Nghị định quy định, các kênh chương trình nước ngoài cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau: Số lượng kênh chương trình nước ngoài khai thác trên hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác; có nội dung lành mạnh, phù hợp văn hóa Việt Nam, không vi phạm quy định của pháp luật về báo chí của Việt Nam; đã đáp ứng yêu cầu quyền sở hữu hoặc sử dụng bản quyền nội dung khi cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam; đã được chứng nhận đăng ký cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền theo quy định tại Điều 18 Nghị định này; được một đơn vị có Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài theo quy định tại Điều 20 Nghị định này thực hiện biên tập, biên dịch và chịu trách nhiệm về nội dung biên tập, biên dịch; không bao gồm nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài, các nội dung quảng cáo (nếu có) phải được cài đặt tại Việt Nam. 

Cơ quan báo chí được cấp Giấy phép biên tập là đầu mối thực hiện cài đặt quảng cáo, chịu trách nhiệm về thời lượng, nội dung quảng cáo bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo như đối với kênh truyền hình trả tiền. Bên cạnh đó là việc thắt chặt yêu cầu các kênh nước ngoài phải có đại lý được ủy quyền chịu trách nhiệm tại Việt Nam. Đồng thời, Nghị định mới cũng yêu cầu việc biên dịch kênh chương trình nước ngoài phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt. Những quy định sửa đổi đặc biệt cần thiết trước thực trạng một số bộ phim xuyên tạc, sai lệch lịch sử, vi phạm điều cấm theo quy định của Việt Nam được chiếu trên các nền tảng xuyên biên giới, như trường hợp một số bộ phim gây bức xúc dư luận trong thời gian gần đây, khiến cơ quan chức năng đã phải yêu cầu gỡ bỏ.

Như vậy, sau khi chính thức có hiệu lực, Nghị định Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên một hàng lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo quản lý hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển. Đặc biệt, sẽ ngăn chặn dịch vụ phát thanh, truyền hình cung cấp xuyên biên giới không phép.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Long Nhật gây xôn xao khi đột ngột từ chức Chủ tịch Hội đồng giám khảo 2 cuộc thi sắp diễn ra

Long Nhật gây xôn xao khi đột ngột từ chức Chủ tịch Hội đồng giám khảo 2 cuộc thi sắp diễn ra

(PNTĐ) - Ca sĩ Long Nhật đang gây chú ý khi vừa đột ngột tuyên bố từ chức Chủ tịch Hội đồng giám khảo của hai cuộc thi: Giọng ca vàng Bolero Việt Nam và Tình ca Quê hương Việt Nam do Trung tâm Giọng ca vàng Việt Nam tổ chức. Điều này dấy lên nghi ngờ nam ca sĩ có sự không hài lòng nào đó với hai cuộc thi này.
Hàng chục nghìn khán giả cùng hát, cùng khóc với “Anh Trai Say Hi” dưới cơn mưa Hà Nội

Hàng chục nghìn khán giả cùng hát, cùng khóc với “Anh Trai Say Hi” dưới cơn mưa Hà Nội

(PNTĐ) - Tối 10/5, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) một lần nữa trở thành tâm điểm của làn sóng giải trí, khi hơn 50.000 khán giả bất chấp mưa tầm tả để hòa mình trong đêm nhạc “Anh Trai Say Hi - Concert Đêm 6” với chủ đề Pas Plus Encore. Đây là đêm cuối cùng, khép lại chuỗi sáu đêm concert tại TP. HCM và Hà Nội, đồng thời là mốc son đánh dấu hành trình gần một năm của 30 “Anh Trai” - những chàng trai đa tài đang làm mưa làm gió trên thị trường giải trí Việt.
Các nữ nhà văn gốc Việt được tôn vinh tại Những ngày Văn học Châu Âu 2025

Các nữ nhà văn gốc Việt được tôn vinh tại Những ngày Văn học Châu Âu 2025

(PNTĐ) - Từ ngày 8 – 12/5, sự kiện thường niên “Những ngày Văn học Châu Âu” sẽ quay trở lại với công chúng yêu văn chương tại Hà Nội bằng một chuỗi hoạt động sôi nổi và đặc sắc, lần đầu tiên đặt trọng tâm vào các nhà văn di dân gốc Việt đang tạo dấu ấn tại văn đàn châu Âu.
Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

(PNTĐ) - Bộ phim kinh dị Việt mùa hè năm nay Út Lan: Oán linh giữ của vừa tung đoạn teaser poster và teaser trailer khiến khán giả rùng mình. Đạo diễn Trần Trọng Dần và ê-kíp đã có một hướng tiếp cận đặc biệt cho câu chuyện dân gian bí ẩn về loại “bùa ngải” khét tiếng này.
Khi nghệ sĩ “bán mình” vì lợi nhuận

Khi nghệ sĩ “bán mình” vì lợi nhuận

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ Việt đối mặt với làn sóng chỉ trích vì quảng cáo sản phẩm thổi phồng công dụng, thậm chí sai sự thật. Từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đến thuốc giảm cân, chữa bệnh không rõ nguồn gốc... hình ảnh các nghệ sĩ vốn được công chúng tin tưởng đã bị lợi dụng, khiến nhiều người mất danh tiếng, sự nghiệp chỉ vì tham lợi từ quảng cáo.