Là nghệ sĩ, đừng chỉ biết nhận về mình hoa hồng!

Chia sẻ

Những ngày qua, sự việc MV hát bằng tiếng Anh đầu tiên của Sơn Tùng- MTP “There’s no one at all” bị yêu cầu dừng phát hành vì nội dung, hình ảnh tiêu cực đã gây xôn xao dư luận. Một lần nữa người ta lại đặt câu hỏi lớn về trách nhiệm của nghệ sĩ - người của công chúng qua vấn đề này…

MV “There’s no one at all” của Sơn Tùng - MTP kể câu chuyện về một thanh niên bất trị và luôn sẵn sàng xù lông để che đi vẻ yếu đuối bên trong. Câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu không có một màn kết thúc tiêu cực, đáng sợ trên tòa nhà cao tầng. Nó gợi cho người ta nhớ đến câu chuyện về một số trường hợp bạn trẻ có vấn đề tâm lý đã chọn cách kết thúc cuộc sống vẫn đang ám ảnh dư luận thời gian qua. Song, thay vì chung tay cùng số đông vực dậy tinh thần các em thì một idol có tầm ảnh hưởng như Sơn Tùng lại chọn “bắt trend” hời hợt, cố kể câu chuyện tiêu cực để gây chú ý.

Dù khi đưa ra tâm thư xin lỗi, Sơn Tùng đã gắng biện bạch về việc muốn nói lên tiếng nói đồng cảm với người trẻ cô đơn, nhưng rõ ràng không ai có thể thông cảm cho sự thiếu trách nhiệm của Tùng và ekip đối với sản phẩm này. Câu hỏi được đặt ra suốt những ngày qua là phải chăng sự nổi tiếng chỉ là công cụ kiếm tiền không hơn không kém và trách nhiệm xã hội là điều nhiều nghệ sĩ không màng tới?.

Ca sĩ Sơn Tùng trong hình ảnh chàng trai cô đơn ở MV bị gỡ bỏ  	Ảnh: InterCa sĩ Sơn Tùng trong hình ảnh chàng trai cô đơn ở MV bị gỡ bỏ  Ảnh: Inter

Đưa ra ví dụ để làm rõ về khái niệm trách - nhiệm - xã - hội, còn nhớ cách đây không lâu, ê-kíp làm phim “Như Ý truyện” (phim Trung Quốc) đã tiết lộ rằng, cái kết vừa phải của nữ nhân vật chính không phải là lựa chọn ban đầu của kịch bản. Theo kịch bản, Như Ý sẽ chọn kết liễu cuộc đời nhưng diễn viên Châu Tấn (vai Như Ý) cho rằng phim ảnh phải có trách nhiệm chuyển tải thông điệp đúng đắn đến khán giả, cô “không muốn truyền đi thông điệp về việc rời bỏ cuộc sống” qua nhân vật chỉ vì lang quân không như ý.

Châu Tấn đúng, một người phụ nữ chẳng có lý do gì để rời bỏ nhân thế chỉ vì thất bại trong chuyện tình cảm, cũng như một người nổi tiếng luôn mưu cầu tình cảm của khán giả không được phép chối bỏ trách nhiệm với xã hội. Quyền lợi và nghĩa vụ vốn dĩ là hai thứ luôn luôn song hành.

Sai lầm của Sơn Tùng qua MV đã được các cơ quan chức năng kịp thời lên tiếng, yêu cầu gỡ bỏ, dừng lưu hành với lý do vi phạm khoản 4 Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đây cũng là sự cảnh tỉnh chung đối với những nghệ sĩ chỉ biết nhận về mình hoa hồng mà chưa có sự quan tâm đến trách nhiệm xã hội trong hoạt động nghề nghiệp.

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, liên quan đến MV “There’s no one at all”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ có biện pháp rà soát tình hình học sinh phát hiện các em có điều kiện chưa thật tốt để tư vấn, hướng nghiệp, giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm giúp các em có đủ hiểu biết về nhiệm vụ của mình, không bị ảnh hưởng bởi những nội dung này. Đó, sự quan tâm, sâu sát của Bộ GD&ĐT dành cho các em học sinh ở thời điểm hiện tại cũng là điều Sơn Tùng nói riêng và những người sáng tạo nội dung nghệ thuật cần quan tâm.

Chắc nhiều người vẫn còn nhớ trường hợp video sử dụng hình ảnh búp bê Kumathong của youtuber Thơ Nguyễn đã phải gỡ bỏ, chịu phạt vì chứa nội dung vi phạm truyền bá mê tín dị đoan. Động thái cứng rắn này được xem là kịp thời, nhưng cũng chẳng khác gì với trường hợp của Sơn Tùng, đều là phản ứng dập lửa. Trong thời đại sáng tạo nội dung phát hành mạng đang được “thả” một cách tự do, khó kiểm soát, nhiều nghệ sĩ bất chấp nội dung nhảm, dung tục để đua view… như hiện nay thì việc trị tận gốc mới là điều cần sớm thực hiện nhằm kiến tạo nên môi trường mạng trong sạch, tích cực, văn minh.

GIANG CẨM

Tin cùng chuyên mục