Làng Đại Yên tái hiện từ những bích họa

Chia sẻ

PNTĐ-Thời gian gần đây, hình bóng của làng Đại Yên cùng với hàng loạt những ký ức lịch sử được tái hiện lại qua những bức bích họa trên chính con ngõ 173 Hoàng Hoa Thám dẫn vào làng.

 
Ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội từ lâu được biết đến là con đường dẫn vào làng cổ Đại Yên. Gần đây, ngõ nhỏ đã trút bỏ vẻ ngoài im lìm, cũ kỹ bởi sự lột xác với những bức bích họa về những mốc lịch sử phát triển của một làng cổ ven đô.
  
Làng Đại Yên tái hiện từ những bích họa - ảnh 1

Xuôi ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám, đến phía cuối là làng Đại Yên - làng thuốc Nam cổ có lịch sử hàng trăm năm. Đại Yên là một làng trong "thập tam trại" ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, dân gian quen gọi là làng Lá. So với các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp hay Giảng Võ, thì Đại Yên nhỏ hẹp hơn nhiều. Chiều dài chỉ chừng 700m, chiều rộng khoảng một phần tư cây số.
Làng Đại Yên khi xưa vốn nổi tiếng với nghề trồng cây, bốc thuốc Nam. Theo thần phả của làng, Ngọc Hoa công chúa là người đem nghề thuốc Nam truyền cho dân làng từ thế kỷ thứ 11.
 
Hằng năm, làng tổ chức lễ hội vào dịp 13 tháng ba âm lịch để tưởng nhớ tổ nghề. Từ ngôi làng nhỏ bé nằm ở "ngoại ô" lá thuốc, dược liệu được đưa đi khắp các chợ Hà Thành. Dân làng ở đây không chỉ trồng mà còn đi khắp các vùng miền, rừng núi để tìm cây, cỏ, lá thuốc Nam về chữa bệnh. Nhiều năm sau này, làng Đại Yên đã từng được xem như là vựa thuốc Đông dược cho Viện Y học cổ truyền Việt Nam và đại học Dược Hà Nội. Khi đó, thuốc Nam thu hoạch từ các khu vườn của làng Đại Yên được bày bán ở một chợ cóc nhỏ ngay cạnh cổng làng, dọc tuyến đường dẫn vào làng (nay là ngõ 173 Hoàng Hoa Thám), người mua kẻ bán luôn tấp nập.
 
Bây giờ, nhắc đến làng thuốc Nam Đại Yên ở phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) xưa kia hẳn không mấy ai còn biết tới, bởi lẽ trong sự phát triển đô thị hóa, những mảnh đất trồng thuốc Nam xưa đã trở thành những “tấc vàng” cùng với sự nhập cư của những người dân nơi khác tới. Sự bê tông hóa con đường ngõ nhỏ cùng những ngôi nhà cao tầng san sát, làng thuốc Nam Đại Yên gần như chỉ còn trong hoài niệm của Hà Nội xưa. 
 
Thú vị thay, thời gian gần đây, hình bóng của làng Đại Yên cùng với hàng loạt những ký ức lịch sử được tái hiện lại qua những bức bích họa trên chính con ngõ 173 Hoàng Hoa Thám dẫn vào làng. Hơn 30 bức tranh tái hiện giá trị lịch sử phát triển của làng hoa Ngọc Hà trải dài trong ngõ 173 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Ngọc Hà thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa, nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh”.
 
Trong 6 tháng, công trình đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 của dự án với diện tích khoảng 500m2 dọc theo chiều dài tuyến ngõ, các tác phẩm đã phác họa lại lịch sử phát triển của một làng cổ ven đô xen kẽ cuộc sống hiện đại ngày nay. Tiêu biểu phải kể đến Xác ''pháo đài bay'' B52 nằm giữa lòng hồ làng hoa Ngọc Hà, đình Đại Yên một di tích văn hóa cổ gắn liền với câu chuyện về nhân vật Ngọc Hoa. Lễ hội cổ truyền của làng hoa Ngọc Hà cũng được các họa sĩ tái hiện sống động qua các bức bích họa. Ngoài bức tranh về lịch sử làng hoa Ngọc Hà, còn có những bức tranh dân gian được các họa sĩ vẽ đan xen để tạo điểm nhấn.
 
Công trình muốn gửi gắm thông điệp tới cộng đồng những nét nổi bật, những giá trị lịch sử và văn hóa phường Ngọc Hà, đã mang lại cho tuyến ngõ 173 Hoàng Hoa Thám một diện mạo mới. Thay vì hàng loạt những hàng thuốc Nam trải dọc tuyến ngõ diện mạo mới hôm nay được thay thế đã nhận được nhiều sự hưởng ứng của người dân. Bà Trần Thị Xinh (ngõ 173 Hoàng Hoa Thám) cho hay: “Từ khi có bức bích họa, con ngõ nổi bật hẳn và thu hút được đông đảo khách tới chụp ảnh. Người dân quanh khu vực cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung”. 
 
 
Minh Phương 

Tin cùng chuyên mục

Độc đáo Triển lãm trực tuyến giới thiệu bộ sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Độc đáo Triển lãm trực tuyến giới thiệu bộ sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), Nhà xuất bản Kim Đồng đã phát hành bộ sách gồm 17 cuốn sách viết về Điện Biên Phủ với nhiều thể loại của nhiều tác giả nổi tiếng. Trong đó, đáng chú ý là cuốn sách “Kí họa trong chiến hào” của họa sĩ Phạm Thanh Tâm.
Người dân háo hức xem lễ diễu binh diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người dân háo hức xem lễ diễu binh diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Ngay từ sáng sớm sáng 7/5, đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên và nhiều địa phương trong cả nước đã đến Sân vận động thành phố Điện Biên cùng theo dõi Lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và dành những tình cảm hướng về mảnh đất Điện Biên lịch sử.
 “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - Những khoảnh khắc hùng tráng của lịch sử dân tộc

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - Những khoảnh khắc hùng tráng của lịch sử dân tộc

(PNTĐ) - Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”, tạo nên một dòng chảy nghệ thuật vừa hào hùng, vừa sâu lắng, hồi tưởng về những khoảnh khắc hùng tráng đã khắc sâu trong lịch sử dân tộc 70 năm về trước.