Làng nghề may áo dài Trạch Xá mong tăng cường kết nối thị trường để phát triển nghề
(PNTĐ) - Làng Trạch Xá (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghề may áo dài truyền thống Việt Nam. Nơi đây, từng đường kim mũi chỉ không chỉ là sản phẩm của đôi bàn tay khéo léo mà còn là kết tinh của văn hóa, truyền thống và tâm huyết của nhiều thế hệ người dân.
Theo bà Đặng Thị Việt – Chủ tịch Hội LHPN xã Trầm Lộng, làng nghề may Trạch Xá có truyền thống may mặc lâu đời, trải qua hơn 1.000 năm đến nay, làng vẫn giữ được nét riêng biệt trong cách may áo dài – đó là may thủ công bằng tay, đặc biệt là kỹ thuật may tà áo bằng máy duỗi, giúp tà áo mềm mại, uyển chuyển, khác biệt hoàn toàn với sản phẩm công nghiệp.
Người làng Trạch Xá cũng đã đem nghề phát triển ở muôn nơi và nhiều người đạt được thành công, trở thành những người may áo dài nức tiếng. Để phát triển nghề, người làng Trạch Xá vẫn phát huy cha truyền con nối, lan tỏa tình yêu nghề cho thế hệ trẻ với hy vọng có một lớp nghệ nhân thế hệ sau sớm tiếp cận.
Tháng 4/2024, áo dài Trạch Xá đã chính thức được công nhận là một trong 26 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Đây là dấu mốc quan trọng mở ra cơ hội để địa phương kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch.

Tuy nhiên, dù nỗ lực nhưng nghề may Trạch Xá cũng đứng trước những thách thức lớn để bảo tồn và phát triển trong thời đại hôm nay, khi mà các sản phẩm công nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ khiến sản phẩm truyền thống trở nên khó khăn để ra thị trường.
“May công nghiệp phát triển khiến nghề truyền thống chịu không ít áp lực cạnh tranh, nhưng những chiếc áo dài Trạch Xá vẫn giữ được vị thế bởi tính thủ công, tỉ mỉ và sự tinh tế trong từng sản phẩm,” bà Việt chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, nhằm giúp người làng nghề phát triển bền vững, huyện Ứng Hòa đã xây dựng các chương trình kết nối làng nghề với du lịch, trong đó tạo thành một vòng tròng liên kết giữa làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu, làng nghề trầm Hương – Trầm Lộng, làng nghề áo dài Trạch Xá... thu hút khách du lịch, mở rộng thị trường.
Trong những năm gần đây, các làng nghề này trở thành điểm đến hút du khách cả trong và ngoài nước đến trải nghiệm, check-in. Tuy nhiên, theo bà Việt, các chương trình này hiện vẫn còn ở mức sơ khai, chưa tạo ra được nguồn lực vững chắc để thu hút khách du lịch cũng như nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề.

Tiềm năng thì lớn, nhưng làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế. Bà con chủ yếu vẫn làm gia công theo đơn đặt hàng chứ chưa có nhiều cơ sở phát triển quy mô lớn, chưa có hệ thống phân phối bài bản,” bà Việt cho biết. Đây là điều mà Ứng Hòa nói chung, đặc biệt là Hội LHPN địa phương trăn trở, mong muốn tìm thêm nhiều hướng đi nhằm phát triển nghề truyền thống cho bà con, tạo sức hấp dẫn cho giới trẻ, để giới trẻ yêu, giữ và phát triển nghề.
“Chúng tôi rất mong được hỗ trợ từ các cấp để tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm làng nghề rộng rãi hơn. Phụ nữ Trạch Xá có tay nghề, có tinh thần giữ nghề, giờ chỉ cần thêm cơ hội để phát triển mà thôi.”- bà Việt bày tỏ.
Theo bà Việt, để giúp các chị em phụ nữ giữ nghề và phát triển nghề, hiện nay, Hội LHPN xã Hòa Lâm đã chủ động kết nối với các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp để tạo điều kiện cho hội viên vay phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, điều mong muốn là cần có thêm các chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp và nền tảng thương mại điện tử. Như vậy mới có cơ sở để phát triển nghề trong thời đại công nghiệp hôm nay.

Trước xu thế chuyển dịch kinh tế và văn hóa, TP Hà Nội đang xây dựng Nghị quyết thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa và Trung tâm thương mại văn hóa nhằm hỗ trợ các làng nghề phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là kỳ vọng lớn đối với các làng nghề như Trạch Xá.
Với vai trò là người quản lý, hỗ trợ các chị em làng nghề trong phát triển, bà Việt bày tỏ niềm vui, hy vọng và đón đợi Nghị quyết thành lập Trung tâm thương mại và văn hóa sớm đi vào hiện thực. Theo bà Việt, nếu Trung tâm đi vào thực tiễn, chắc chắn các làng nghề như Trạch Xá sẽ có thêm sức sống mới, đặc biệt là việc tăng cường đầu tư hạ tầng, kết nối thị trường và hỗ trợ truyền thông để các sản phẩm của làng nghề có thể vươn ra thị trường quốc tế.

Dẫu còn không ít khó khăn, nhưng người Trạch Xá vẫn bền bỉ theo đuổi con đường giữ nghề - truyền nghề. Nghị quyết thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa, Trung tâm thương mại văn hóa sẽ tạo thêm nền tảng để những nghệ nhân cống hiến cho nghề, tiếp tục “giữ hồn” cho bản sắc văn hóa của Thủ đô.