Lập lại trật tự dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền

Mộc Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Từ ngày 1/1/2023, Nghị định 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ có hiệu lực. Với nhiều quy định sửa đổi, Nghị định 71 được đánh giá là sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Lập lại trật tự dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền - ảnh 1
Phim vi phạm sẽ bị xử lý triệt để khi Nghị định 71/2022/NĐ-CP đi vào hoạt động (ảnh: phim “Ba chị em” đã phải gỡ bỏ khỏi nền tảng Netflix vì có nội dung xuyên tạc lịch sử VN) 
Ảnh: NF

Thiết lập công cụ pháp lý
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Việt Nam hiện có khoảng 50 doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền. Đến hết quý II/2022, thị trường truyền hình trả tiền có mức tăng trưởng về doanh thu xấp xỉ 9,5% so với cùng kỳ 2021. Doanh thu đối với dịch vụ OTT TV (dịch vụ truyền hình xuyên biên giới, cung cấp trực tiếp qua Internet) tăng trưởng xấp xỉ 300% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài các doanh nghiệp đã được cấp phép và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, thị trường truyền hình trả tiền trong nước đang có sự tham gia của một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới như: Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI… 

Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết, một bất cập trước đây là với các doanh nghiệp trong nước, nội dung theo yêu cầu (VOD) phải thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình. Tuy nhiên, nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV của doanh nghiệp nước ngoài lâu nay lại không được biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam. Sự bất hợp lý này dẫn tới nhiều nội dung vi phạm các điều cấm, như xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Gần đây nhất là vụ phim Ba chị em bị “tuýt còi” và đã phải gỡ bỏ khỏi nền tảng Netflix. Đây cũng là lần thứ 5, Netflix bị cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam buộc gỡ bỏ phim có nội dung vi phạm pháp luật. Việc Nghị định 71 được ban hành đã bổ sung nhiều quy định quản lý mới, được cho là tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn nhằm đưa hoạt động của các loại hình cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình đi vào khuôn khổ.

Trao đổi thông tin với các doanh nghiệp và báo chí, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, điểm nổi bật của Nghị định 71 là tạo mặt bằng pháp lý chung giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, đặc biệt là tránh tình trạng lâu nay là “không quản lý được” các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước.

Không bỏ lọt phim vi phạm
Nghị định 71 chia các dịch vụ phát thanh truyền hình thành 3 nhóm. Riêng với nhóm phim, doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ VHTTDL quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ, chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. Trong trường hợp doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị cơ quan quản lý phân loại hoặc cấp quyết định phát sóng.

Với nhóm chương trình thể thao, giải trí: Doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ TT-TT, quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, đối tượng của Nghị định là các doanh nghiệp được thành lập theo luật Việt Nam và phải được cấp phép. Việc xử lý hành chính sẽ được áp dụng trong trường hợp các vi phạm ảnh hưởng tới xã hội không ở mức độ cao. Trường hợp ở mức độ nghiêm trọng, Bộ TT-TT sẽ yêu cầu các nhà mạng ngăn chặn nội dung vi phạm, gây ảnh hưởng sau đó mới có biện pháp xử lý vi phạm, thậm chí có thể sẽ thu hồi giấy phép...

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực, đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Nghị định 71, sẽ có những thay đổi lớn đối với nội dung quản lý phim trên không gian mạng. 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu, để kịp thời bổ sung quy định điều chỉnh trực tiếp loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet, đẩy lùi những bộ phim vi phạm các điều cấm, Bộ TT-TT đã đề xuất và được Chính phủ giao sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định 71 ra đời đã cập nhật một số quy định, điều chỉnh các nội dung liên quan, khắc phục những bất cập của Nghị định số 06.

Nội dung quản lý phim phổ biến trên không gian mạng từ trước tới nay khá chồng chéo giữa trách nhiệm của Bộ TT-TT và Bộ VHTTDL. Tuy nhiên sau khi Luật Điện ảnh năm 2022 và các nghị định, thông tư quy định chi tiết Luật Điện ảnh ra đời cùng với Nghị định 71/2022/NĐ-CP sẽ góp thêm công cụ pháp lý vững chắc hơn cho các nhà quản lý.

Về trách nhiệm xử lý vi phạm đối với phim phổ biến trên không gian mạng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh quan điểm của Bộ TT-TT rằng, không gian số là một phần đời sống, vì thế bộ, ngành nào quản lý lĩnh vực nào ngoài đời thực sẽ chịu trách nhiệm quản lý trên không gian mạng. 

Từ 1/1/2023, khi các quy định điện ảnh về phổ biến phim trên không gian mạng có hiệu lực, Bộ VHTTDL có thẩm quyền tuýt còi và yêu cầu gỡ bỏ phim vi phạm chứ không cần gửi văn bản sang Bộ TT-TT như trước.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục