Lễ hội đền Đồng Cổ - nét văn hóa độc đáo của người Hà Nội
(PNTĐ) - Theo sử sách đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng do vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào năm 1028, trước đây thuộc thôn Nam, Đông Xã, Yên Thái, nay là số nhà 353 Thuy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Nguồn gốc của ngôi đền xuất phát từ đền Đồng Cổ bên chân núi Khả Lao, làng Đan Nê, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Việt Điện U Linh ghi chép vua Lý Thái Tông (1028-1054) (lúc đó là Thái tử Phật Mã) đem quân đi đánh Chiêm Thành có dừng chân nghỉ cạnh đền. Đêm đến, bỗng từ ngoài có tiếng vọng vang như sấm và có một vị thần cao lớn, râu cứng, mặc áo giáp, tay cầm binh khí hiện ra nói rằng: “Ngài đi đánh giặc, tôi giúp một tay”.
Quả nhiên vua đánh tan giặc, nên khi thắng trận về ngài đã đến núi Đồng Cổ làm lễ tạ ơn. Chi tiết quan trọng hơn là theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: Năm 1028, trước khi Lý Thái Tổ qua đời một ngày (mùng 3 tháng 3 âm lịch), Thái tử (tức vua Lý Thái Tông sau này) được thần Đồng Cổ báo mộng sẽ có ba vị vương nổi loạn nên Phật Mã tức tốc về kinh thì quả nhiên ba vị Đông Chinh Vương, Vũ Đức Vương và Dực Thánh Vương nhân vua cha băng hà đã đưa quân vào trong Cấm thành, nhưng do phòng bị trước và có các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp nên Thái tử đã dẹp được cuộc binh biển, sau này người đời quen gọi là loạn Ba vương.
Để nhớ ơn vị thần đã báo mộng nên khi lên ngôi Lý Thái Tông đã cho xây một ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở bên Hoàng thành và lấy ngày 25 tháng 3 âm lịch để tổ chức hội thề tại đó. Thời ấy trước đền đắp một đàn cao, trên bày bài vị của thần, các quan khi đến dự hội thề đi từ phía Đông vào và quỳ trước đàn uống máu và thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt”.
Sau này vì hội thề trùng với ngày kị của vua nên ngày hội chuyển sang mùng 4 tháng 4 âm lịch. Hôm đó, từ sáng sớm các quan đã lục tục kéo về đền Đồng Cổ để làm lễ, tại đây viên Tể tướng đứng kiểm tra, văn võ bá quan người nào vắng mặt thì bị phạt 5 quan tiền. Hôm ấy dân chúng kinh thành nô nức đổ về xem. Trong Đền còn giữ được nhiều sắc phong từ năm 1740 đến 1883. Ngày 31/1/1992, ngôi đền đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 138/QĐ và tiếp tục duy trì lễ hội vào ngày 04 tháng Tư âm lịch hàng năm.
Theo GS. TS Lê Hồng Lý - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, những chi tiết sử sách ghi chép cho thấy nhiều giá trị lịch sử quý giá dù có nhuốm màu huyền thoại. Trước hết nói về di tích đền Đồng Cổ là một di tích rất hiếm, hiện chỉ có Thanh Hóa và Hà Nội có những di tích này. Thứ hai là di tích này gắn với nhân vật lịch sử có thậ,t và các chi tiết liên quan đều có những phần gắn với sự kiện, người thật, việc thật. Thứ ba, giá trị của các di tích này từ lịch sử, kiến trúc, nghi thức thờ tự, bài trí... đều là những hiện vật có vai trò và giá trị riêng.
Đặc biệt, lễ hội đền Đồng cổ là một lễ hội hiếm hoi thời phong kiến được sử sách ghi chép một cách chính thức như đã trình bày ở trên. Cùng với nhiều tư liệu mà các bộ sử như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư hay Đại Nam nhất thống chí... thì lễ hội này và Hội đèn Quảng Chiếu được ghi chép “dài”(dù vẫn rất ngắn đối với một mô tả lễ hội) hơn cả. Còn lại hầu hết các lễ hội khác chỉ được ghi như những sự kiện mà thôi. (Xem Lê Hồng Lý, Lễ hội ở Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2010).
Do vậy đối với người đời sau rất khó biết được các lễ hội đã diễn ra như thế nào, ví như: ở đâu, bao giờ, diễn biến như thế nào, những ai tham gia, tham gia như thế nào, họ làm những gì, lễ bái, rước xách ra sao.... Hội đền Đồng Cổ, tuy được ghi chép còn rất sơ lược, song các tiêu chí trên đã được ghi chép ngắn gọn để thành một lễ hội có đầu đuôi hơn cả so với các lễ hội khác.
GS. TS Lê Hồng Lý cũng nhận định, qua nội dung mô tả của sử sách chúng ta thấy đây là một lễ hội rất có ý nghĩa. Đó là hướng đến sự trung thành của quan lại với triều đình, cụ thể là Vua và kèm theo đó, trước hết là sự hiếu thuận của con cái trong gia đình để đến xã hội chỉ qua một câu thề hết sức ngắn gọn: “Làm con bất hiếu, làm tôi bát trung, thần minh chu diệt”. Như vậy, đây là lễ hội cụ thể giáo dục sự hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, nếu thiếu cái đó thì không thể nào có được những điều lớn hơn như đạo Khổng dạy: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Sau đó là việc trung thành với Vua, mà thông qua vua là triều đình, là giang sơn đất nước. Sự trung thành là điều kiện tiên quyết của những quan lại của triều đình đối với vua, với nước, “làm tôi bất trung” thì nguy cơ như thế nào chúng ta đều thấy những tấm gương tày tiếp trong lịch sử. Điều mà ngày nay chúng ta đang nâng cao lên bằng lời dạy của Hồ Chủ Tịch đối với quân đội nhân dân: “Trung với Đảng, hiếu với dân”.
"Một lời thề có thể được nói ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ với nhiều người. Song một lời thề được tổ chức thành một nghi lễ trong một lễ hội, trước mặt thần linh thì lời thề đó sẽ thiêng liêng, cao cả và có sức nặng to lớn và quan trọng đến thế nào. Bởi vì lời thề đó được thần linh chứng giám. Cho nên lời thề ấy sẽ bền vững hơn rất nhiều so với những lời thề thốt với nhau thì có thể “lời nói gió bay”. Quan trọng hơn cả, đây còn là một cách để củng cố sự đoàn kết, lòng trung thành của cấp dưới đối với cấp trên, từ trong gia đình ra ngoài xã hội tạo nên một sức mạnh cực kỳ to lớn để chống lại bất cứ một thế lực nào dù mạnh đến đâu" - GS.TS Lê Hồng Lý phân tích.